Vay tiền mua đất, nhà đầu tư 'ôm' nợ rao bán cắt lỗ

Nguyễn Minh |

Sau khi cơn "sốt đất" hạ nhiệt, cộng thêm tình hình dịch Covid-19 phức tạp, không ít nhà đầu tư mới "mắc kẹt" chấp nhận rao bán cắt lỗ nhưng vẫn không ai mua.

Quý I/2021 thị trường BĐS chứng kiến cơn "sốt đất" điên cuồng diễn ra khắp mọi nơi, kéo theo giá đất tăng chóng mặt, cá biệt có những nơi tăng từ 2 - 3 lần chỉ trong thời gian ngắn.

Đáng chú ý, trong cơn "sốt đất", nhiều nơi người dân bỏ cả kinh doanh, sản xuất, tiền gửi ngân hàng cũng rút ra để đầu tư đất. Tuy nhiên, chạy theo cơn sốt không phải nhà đầu tư nào cũng thắng, một số người non kinh nghiệm đến nay vẫn còn mắc kẹt, chật vật tìm cách thoát hàng.

Không nằm ngoài cuộc chơi, anh Trần Văn Thành (sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tháng 3 khi rộ lên thông tin "sốt đất", anh đã xuống tiền mua một mảnh đất tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) có diện tích hơn 150m2, với mức giá 3 tỷ đồng, tương đương gần 20 triệu đồng/m2. Với niềm tin "lướt sóng" thành công, anh đã không ngần ngại vay ngân hàng 1 tỷ đồng.

Vay tiền mua đất, nhà đầu tư ôm nợ rao bán cắt lỗ - Ảnh 1.

Nhan nhản thông tin rao bán đất nền khu vực Công nghệ cao Hoà Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) thời gian gần đây. (ảnh: Nguyễn Minh)

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, mọi toan tính của nhà đầu tư mới (F0) này đều đổ vỡ khi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc ngăn chặn sốt đất. Cơn "sốt đất" hạ nhiệt, cộng thêm tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đến nay mảnh đất của anh Thành vẫn đang trong tình trạng "chờ khách".

"Trước đó, tôi có đầu tư một mảnh đất ở nơi khác, vì có lãi nên tôi đã bán và dồn tiền để mua mảnh đất này. Hiện giờ tiền gia đình đã dồn hết vào đó. Đất thì chưa bán được nhưng tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng. Bây giờ chỉ mong bán được mảnh đất đó lỗ một chút cũng tốt, để lấy tiền tôi làm việc khác", anh Thành than thở.

Theo anh Thành, hiện nay, tại huyện Thạch Thất nhiều nhà đầu tư cũng ồ ạt rao bán đất. Vì vậy, để sớm bán được anh đã liên hệ nhiều bên môi giới và chi mức hoa hồng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, chỉ có người gọi điện hỏi nhưng vẫn chưa có ai hẹn sẽ tới xem đất.

Tương tự, một số khu vực liên quan tới Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các nhà đầu tư đã có hiện tượng rao bán "cắt lỗ".

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Quý - nhà đầu tư tại Hà Nội than thở, mảnh đất tại Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có diện tích 84m2, nằm ở mặt đường rộng 4m, anh đã rao bán suốt 4 tháng nay vẫn chưa tìm được chủ mới.

Nhà đầu tư cho biết, mảnh đất anh mua đúng vào thời gian "sốt đất", ban đầu mục đích của anh là lướt sóng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã chấp nhận xuống nước nhưng vẫn chưa thấy khả quan.

Vay tiền mua đất, nhà đầu tư ôm nợ rao bán cắt lỗ - Ảnh 2.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư đất khiến nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm "ôm" cục nợ. (ảnh Nguyễn Minh)

"Lúc tôi mua vào với mức giá 4,2 tỷ đồng, tương đương 50 triệu đồng/m2, không chỉ nằm ở vị trí đắc địa mà mảnh đất này có 2 mặt tiền. Mặc dù, trong gần 2 tháng qua tôi đã chấp nhận bán với mức 47,5 triệu đồng/m2, người mua có thể thương lượng thêm. Nhưng tới nay, mảnh đất vẫn chưa thể thanh khoản được", anh Quý nói.

Theo nhà đầu tư này, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, hơn nữa đang trong thời gian cách ly xã hội khiến hoạt động mua bán trở nên khó khăn. Trong bối cảnh sốt đất đi qua nhiều nhà đầu tư vẫn chưa có ý định mua đất vào thời điểm này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư mắc kẹt trong cơn sốt đất là do chạy theo đám đông nhưng nắm bắt thông tin chậm hơn, ít kiến thức và non kinh nghiệm, đồng thời họ những nhà đầu tư F0 thường dùng đòn bẩy tài chính để gia nhập cuộc chơi vì niềm tin quá lớn. Kẻ thắng trong các cơn sốt đất chỉ có nhóm tạo sốt, cò mồi và số ít người may mắn.

Thực tế có nhiều câu chuyện sau mỗi đợt sốt đất trước đây, không ít người lâm cảnh nợ nần chồng chất vì vay mượn quá nhiều tiền để lao vào đầu tư. Tuy nhiên khi "sốt đất" đi qua những người chưa kịp rút ra, lượng giao dịch bắt đầu chững lại, giá đất quay đầu giảm, tiền ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng, đó là những người thiệt hại nặng nề nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại