"Mình từng đứng rất lâu ở cầu Sài Gòn với ý định buông bỏ tất cả, lúc đó tự dưng mẹ gọi để hỏi mình ăn cơm chưa. Vậy là mình leo xuống, dắt xe đi về. Chắc bữa đó là đêm duy nhất mình ngủ ngon suốt 6 tháng qua".
Đó là tâm sự của Duy Vinh (21 tuổi, TP.HCM) về câu chuyện làm giàu tuổi 20 của anh chàng.
20 tuổi, chưa học hết cấp 2 và lận lưng được nghề nhôm kính trong tay cùng chút ít mối quan hệ, Duy Vinh quyết định nghỉ việc ở công ty với mức lương 14 triệu, đi vay mượn từng đồng để kinh doanh riêng. Với mọi người, nhất là gia đình Vinh, đây là một quyết định vô cùng liều lĩnh. Còn với Duy Vinh, anh chàng nói sao về hành trình của mình đây?
Nghèo mãi rồi, khổ mãi rồi, giờ có thua lỗ - nợ nhiều hơn nữa cũng có sao đâu!
"Hồi còn nhỏ, nhà mình cái gì cũng không bằng người ta, chỉ có 2 cái là xếp thứ nhất thôi: Nghèo nhất xóm và nợ cũng nhiều nhất. Cũng vì nợ nần chồng chất mà năm lớp 9 mình phải bỏ học, lên TP.HCM để phụ việc quán cơm, kiếm tiền phụ ba mẹ trả nợ, lo cho em trai" - Duy Vinh chia sẻ về hoàn cảnh gia đình.
Không được học hành đầy đủ, Duy Vinh bắt đầu đi kiếm tiền từ năm 15 tuổi bằng việc chạy bàn ở quán cơm. Sau đó 1 năm, anh chàng được một người bác nhận về vừa làm vừa học việc ở xưởng nhôm kính tại Quận 12. Ban đầu chủ yếu là học nghề nên Vinh không nhận được đồng lương nào, bù lại người bác nuôi ăn - ở cho Vinh trong suốt 1 thời gian dài. Sau này, khi đã quen việc, Vinh được lên làm thợ phụ với mức lương 6 triệu.
Số tiền lương ấy hầu hết Vinh gửi cho ba mẹ ở quê, mình chỉ giữ lại vài trăm ngàn. Một cậu trai mới lớn, sống ở thành phố xa lạ không có bạn bè, không có tiền để chi trả dù là những thứ thiết yếu khiến Vinh suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình. Ý nghĩ phải kiếm được tiền, đổi đời dần hình thành trong suy nghĩ của anh chàng từ lúc này.
Sau khi lên thợ chính, nhận mức lương 14 triệu được 2 năm, Vinh quyết định xin bác cho mình nghỉ việc để tự làm ăn riêng vào cuối 2021. Quyết định này của Vinh không được bất cứ ai trong gia đình ủng hộ vì 2 lý do: Vinh còn quá nhỏ và anh chàng thật sự không có gì trong tay ngoài công việc này.
"14 triệu là con số mà hồi mới đi làm mình không bao giờ dám nghĩ có ngày mình sẽ có được. Nhưng khi mình 20 tuổi, các chi phí cho cuộc sống tăng dần, trách nhiệm với gia đình cũng ngày càng nặng, con số đó nó không còn lớn lao như mình nghĩ. Có tháng cầm lương xong, gửi về cho ba mẹ số còn lại không đủ để trả tiền trọ, không có tiền ăn cơm luôn.
Chưa kể đợt giãn cách xã hội 2021, mình đi làm công trình ở Đăk Nông và bị kẹt lại ở đó, tiền bạc chi phí rất cao gần như tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình. Lúc đó mình càng thấm thía hơn về giá trị của tiền bạc. Bây giờ đã như vậy, 1-2 năm nữa nếu ba mẹ có chuyện gì thì 14 triệu đó có đủ lo không? Ý nghĩ đó nó đeo bám mình mãi và cũng là động lực cho mình quyết định liều, kể cả không ai ủng hộ. Nghèo mãi rồi, khổ mãi rồi, giờ có tệ hơn nữa cũng có sao đâu?" - Vinh tâm sự.
Nói là làm, cuối 2021 sau khi nhận được tháng lương cuối cùng, Vinh đòi nợ được thêm 2 công trình cá nhân nữa được 30 triệu và quyết định mở một doanh nghiệp nhỏ chuyên về dịch vụ trang trí thiết kế nội thất, làm biển quảng cáo.
Số tiền này tất nhiên không đủ cho anh chàng làm gì cả, Vinh nghĩ đến cách nhờ một người họ hàng đứng ra vay ngân hàng giúp số tiền 60 triệu với lãi suất 1,57% tháng (33% năm) và gửi tiền nhờ người ấy trả giúp hằng tháng. Sau đó, trong lúc thuê mặt bằng làm văn phòng, thiếu tiền cọc nhà anh chàng mượn thêm người chị họ 10 triệu nữa, nâng số vốn ban đầu lên tròn 100 triệu.
Uống nước lọc qua bữa, ngủ sofa tiết kiệm từng đồng tiền một để duy trì doanh nghiệp trên bờ vực hấp hối
Kinh doanh làm giàu không giống như một trò chơi, không có bất cứ nút làm lại nếu bạn đi sai. Bước chân ra ngoài tự lập, thứ Vinh có chỉ là một cái nghề, vài mối quan hệ và số vốn vừa đủ, còn lại kinh nghiệm vẫn nằm ở mức số 0. Điều này khiến giai đoạn đầu khởi nghiệp của Vinh gặp phải không ít gian nan và trái đắng.
"Đăng ký kinh doanh, có mã số thuế xong là mình đi thuê văn phòng trước nhất. Ròng rã 2 tuần trời mình mới thuê được một căn nhà nhỏ ở Quận Bình Thạnh với giá 9,5 triệu, cả tiền cọc nữa thì tổng chi phí mình dành cho mặt bằng là 20 triệu. Nhà 3 phòng ngủ nhưng tới giờ mình vẫn ngủ ở ghế sofa dưới trệt - nơi là văn phòng luôn vì đã cho các bạn sinh viên thuê lại phòng hết nhằm giảm bớt chi phí sống hằng tháng.
3 ngày sau khi bắt đầu hoạt động, nhờ chị họ mình nhận được công trình đầu tiên: Trang trí, set up 1 quán nhậu ở Quận 12 với giá trị hợp đồng là 250 triệu. Lúc đó mình rất là mừng, còn nghĩ sao mà mọi thứ suôn sẻ, thuận lợi quá" - Vinh chia sẻ.
Dù giá trị hợp đồng cao nhưng Vinh chỉ lấy cọc trước của khách 20 triệu. Ai ngờ, không còn người bác "bảo kê", nhà thầu không chấp nhận làm trước, trả sau cho Vinh như khi xưa nữa. Lần đi sai này khiến Vinh phải rút hơn 1/2 số tiền vốn ít ỏi còn lại để tạm ứng.
Sai lầm này khiến anh chàng bị hụt vốn, kéo theo rất nhiều hệ lụy khác. Một công trình thường kéo dài 1-2 tháng, thời gian đó Vinh có nhận thêm một vài công trình khác giá trị nhỏ hơn nhưng lại không đủ tiền tạm ứng cho vật liệu lẫn công thợ.
Chưa kể, một số công trình vì thuê thợ theo dự án, không đảm bảo tay nghề nên bị trì trệ tiến độ, khách không hài lòng. Lãi ngân hàng, chủ thầu đòi tiền để tiếp tục làm, thợ đòi lương, tiền sinh hoạt hằng ngày… mà các bên đối tác lại nợ, không thanh toán kịp, công việc bất ổn, hiệu suất không có, Vinh bất lực hoàn toàn.
Không nghe lời gia đình, nhất quyết ra ngoài vay tiền làm ăn riêng rồi vấp ngã đau ngay khi vừa bắt đầu. Vinh kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Có những ngày anh chàng chỉ uống nước lọc cầm hơi dù còn tiền trong tài khoản vì không biết ngày mai mình phải chi trả gì để duy trì doanh nghiệp nên không dám tiêu dù chỉ một đồng.
"Đi làm thuê lương 14 triệu, mình chỉ cần ngày làm 6 - 8 tiếng là về. Còn kinh doanh và vay nợ thì 24 tiếng, kể cả lúc ngủ mình đều phải suy nghĩ liên tục. Suy nghĩ làm sao để tiền vay mượn đẻ ra tiền mà trả bớt nợ nần, có thêm thu nhập phát triển việc làm ăn. Mọi khó khăn cứ ập đến, mình kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng không biết kêu ai mà cũng không dám kêu ai. Ba mẹ làm gì có tiền để phụ? Họ hàng cũng đã vay ngân hàng hộ rồi, sao dám mượn nữa? Lúc tuyệt vọng nhất mình từng ra cầu Sài Gòn đứng rất lâu, chỉ muốn nhảy xuống cho xong thôi. Vậy mà mẹ gọi, kéo mình lại.
Đêm đó mình tắt điện thoại, kệ luôn những vấn đề công việc nợ nần mà đi ngủ thật ngon. Sáng hôm sau tỉnh táo được tí, mình bắt đầu xem xét kỹ lại mình sai ở đâu, cần thay đổi cái gì. Việc đầu tiên mình làm là liên hệ nhà thầu, chuyển nhượng lại cái hợp đồng 250 triệu kia, không làm nữa mà chỉ lấy 10% hoa hồng. Cũng tiếc lắm chứ, nhưng đó là lối thoát duy nhất cho mình lúc này. Nhờ lấy lại được tạm ứng bên đó và hoa hồng, doanh nghiệp đang hấp hối của mình mới được ‘bơm máu’ để tiếp tục sống còn" - Vinh chia sẻ.
Từ sai lầm và cách giải quyết đó, Vinh học được bài học lớn. Với các hợp đồng giá trị cao, có thể đem lại khoản lời lớn nhưng không đủ khả năng, anh chàng không tham lam "cố nuốt trọn" nữa mà chấp nhận chuyển nhượng cho các bên khác chỉ lấy hoa hồng.
Mặt khác, anh chàng cũng chủ động kết nối với nhiều thầu xây dựng khác nhau để được thêm nhiều công trình và "cắt máu" bớt lợi nhuận cho các bên. Với các đối tác, Vinh cũng thỏa thuận rõ sẽ phải tạm ứng ít nhất 30 - 70% giá trị hợp đồng ngay từ đầu tuỳ theo giá trị hợp đồng.
"Số tiền tạm ứng từ các công trình và hoa hồng chuyển nhượng cho các bên thầu, đủ để mình xoay sở cho các dự án khác đang làm cũng như dư ra một khoản nhỏ giải quyết nợ nần, đắp vào chi phí duy trì doanh nghiệp. Song, mình biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, về dài hạn nếu chỉ như vậy thôi vẫn sẽ bị đứt hơi và doanh nghiệp sẽ chết hẳn" - Vinh tâm sự.
Để giải quyết dứt điểm các vấn đề của doanh nghiệp không phải là chuyện ngày 1 ngày 2 mà sẽ phải là một quá trình dài hơi. Sau khi nhận đủ trái đắng, Vinh bắt đầu đi chậm lại, tìm kiếm lời khuyên và tư vấn từ nhiều người đi trước để có các quyết định đúng đắn hơn trong công việc.
Vấn đề thợ gia công, thay vì chọn cách chỉ thuê bán thời gian cho tiết kiệm, Vinh đã bắt đầu chi tiền nhiều hơn để thuê thợ làm việc fulltime. Tốn kém hơn một chút nhưng đảm bảo hiệu suất công việc không có vấn đề, không trì trệ tiến độ công trình, dự án nữa.
Đồng thời Vinh cũng chấp nhận chuyện "kiếm chác" ít lại khi kêu gọi đầu tư, tăng vốn điều động từ các nhà thầu và san sẻ bớt lợi nhuận. Đến hiện tại, doanh nghiệp của Vinh đang dần ổn định lại.
Dù chưa sinh nhiều lợi nhuận nhưng đã đỡ vất vả hơn nhiều, gánh nặng tài chính cũng giảm bớt. Sắp tới, Vinh cũng có ý định tăng vốn doanh nghiệp bằng cách quyết toán nợ cũ, vay khoản lớn hơn ở ngân hàng uy tín.
"Làm giàu ở tuổi 20 không đáng sợ. Đáng sợ là định hướng của bản thân mình đi sai. Mình từng quá tham lam, vạch ra đủ thứ nhưng không tính đến chuyện chỉ cần một bước trong kế hoạch đó đi sai, toàn bộ mọi thứ mình kỳ vọng đều sẽ sụp đổ theo.
Bài học của mình sau hơn 6 tháng kinh doanh là làm gì cũng nên chậm rãi thôi, suy nghĩ cho kỹ càng, kiếm ít cũng được nhưng bù lại sẽ có nền tảng vững vàng cho những thứ khác. Còn đi nhanh, tham lời, vạch ra đủ thứ mà không tới đâu chắc chắn sẽ thất bại ngay" - Duy Vinh đúc kết.