Kỷ niệm 14 năm thành lập, đế chế đồ chơi Pop Mart công bố doanh thu nửa đầu năm 2024 tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, đạt 638,5 triệu USD, tương đương 15,8 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân phần lớn đến từ sự thành công của mô hình kinh doanh hộp mù (Blind Box) cũng như việc Lisa Blackpink đăng ảnh đập hộp bộ sưu tập Labubu của hãng.
Tờ Nation Thailand cho biết toàn bộ hàng hóa liên quan đến Labubu trên website chính hãng đã hết hàng.
Thành công của Pop Mart dù có sự góp sức từ Lisa Blackpink nhưng yếu tố chính vẫn đến từ nhà sáng lập 37 tuổi Wang Ning, người vốn khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng.
Vay mẹ 3 triệu khởi nghiệp
Sinh năm 1987 ở Hà Nam-Trung Quốc, cậu bé Wang Ning lớn lên trong một gia đình kinh doanh băng đĩa, đồng hồ và đồ câu cá.
Ngay từ nhỏ, Wang đã chịu ảnh hưởng từ công việc kinh doanh gia đình khi phụ giúp gia đình trông hàng cũng như chào hàng với khách. Đây cũng là tiền đề cho hành trình khởi nghiệp sau này của Wang.
Năm 2005, anh Wang đã phải vay mẹ 1.000 Nhân dân tệ, tương đương 3,5 triệu đồng để mua máy ảnh và thành lập studio chuyên kinh doanh băng đĩa CD, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
Bản thân Wang đã ghi lại cuộc sống sinh viên năm nhất sau 6 tháng đi học để đóng gói bán tại căng tin trường. Mỗi chiếc VCD có giá 5 Nhân dân tệ còn DVD là 8 Nhân dân tệ.
Trong số 4.000 sinh viên năm nhất vào trường khi đó đã có 2.300 người mua đĩa của Wang.
Dẫu vậy công việc kinh doanh này phải tạm dừng do thiếu tương lai phát triển và phụ thuộc vào nhà trường cũng như sinh viên năm nhất.
Đến năm 2008, Wang tiếp tục khởi nghiệp với cửa hàng tạp hóa Grid Street và nhanh chóng đem về lợi nhuận ròng 10.000 Nhân dân tệ mỗi tháng.
Thế nhưng mô hình kinh doanh quá đơn giản khiến chúng bị sao chép và doanh số nhanh chóng sụt giảm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Wang quyết định lên Bắc Kinh để trau dồi kiến thức, để lại Grid Street cho các bạn quản lý.
Tuy nhiên sau khi làm nhân viên cho một công ty giáo dục rồi chuyển qua làm thuê cho Sina, anh Wang nhận ra mình không phù hợp với việc văn phòng và quyết định quay trở lại khởi nghiệp.
Pop Mart
Nhận thấy mô hình kinh doanh đồ chơi thời thượng trong siêu thị của LogOn tại Hong Kong khá hấp dẫn nên Wang quyết định áp dụng ở Bắc Kinh.
Chàng thanh niên này bán Grid Street và kết hợp tiền tiết kiệm được 250.000 Nhân dân tệ để thành lập nên Bubble Mart, tiền thân của Pop Mart sau này.
Tuy nhiên hầu như chẳng trung tâm thương mại nào thời đó chấp nhận cho Pop Mart mở cửa hàng. Mãi đến tận cuối năm 2010, startup này của Wang mới khai trương thành công tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh.
Thế nhưng khó khăn chưa dừng lại đó, việc quản lý và vận hành Pop Mart cũng chẳng dễ dàng do thương hiệu này còn mới và cũng quá nhỏ, không có tiếng tăm gì trên thị trường.
Dù rất vất vả mới tuyển được nhân viên nhưng cuối cùng hầu như mọi người đều xin nghỉ, khiến đích thân Wang và các thành viên sáng lập phải tự mình làm nhân viên cửa hàng.
Công việc vất vả đến nỗi chẳng ai trong số các nhà sáng lập được về quê ăn Tết nhưng tình hình kinh doanh lại chẳng mấy khả quan.
Đến tận đây, Wang mới nhận thấy cần có sự cải tiến mô hình kinh doanh thay vì chỉ bán đồ chơi thời thượng.
Tại Hong Kong, đồ chơi thời thượng thiết kế, hay đồ chơi nghệ thuật là những món đồ được các nghệ sĩ tạo ra với số lượng rất hạn chế nên có giá rất cao và thường mang ý nghĩa sưu tầm.
Mô hình này có tại Hong Kong từ thập niên 1990 nhưng chúng lại chẳng được biết đến nhiều ở Trung Quốc. Tại thời kỳ đó, người dân chưa đủ sức mua những món đồ chơi thiết kế đắt đỏ và cũng không có nhu cầu sưu tầm.
Tuy nhiên sự bùng nổ về kinh tế khiến sức mua người tiêu dùng tăng lên, đặc biệt là việc Pop Mart tung ra chiến lược kinh doanh hộp mù (Blind Box) đã khiến công việc ngày càng thuận lợi.
Những chiếc hộp mù bọc nhiều lớp khiến người mua không biết mình đã mua được loại đồ chơi nào, kích thích cảm giác tò mò và sưu tập của giới trẻ. Vậy là khách hàng khi mua được một đồ chơi nào đó nằm trong bộ thiết kế sẽ cố gắng mua thêm hộp mù cho đến khi sưu tập đủ bộ.
Không dừng lại đó, Pop Mart còn cho ra mắt sản phẩm đặc biệt được thiết kế với màu sắc và hình dáng khác với 0,52% tỷ lệ trúng, qua đó càng kích thích khách hàng sưu tầm.
Thành công
Sức hấp dẫn của Pop Mart dần được quan tâm và đến năm 2012, hãng nhận được khoản đầu tư đầu tiên trị giá 2 triệu Nhân dân tệ.
Liên tiếp trong những năm sau đó, Pop Mart liên tục mua lại bản quyền thiết kế nhiều đồ chơi nhằm phục vụ chiến lược kinh doanh hộp mù của mình.
Năm 2017, doanh thu của POP MART là 158 triệu nhân dân tệ (hơn 553 tỷ đồng). Thương hiệu này liên tiếp xếp hạng đầu tiên về doanh số danh mục đồ chơi của Tmall và cũng là thương hiệu danh mục đồ chơi đầu tiên lọt vào "câu lạc bộ 100 triệu nhân dân tệ" trong lịch sử của Double Eleven.
Năm 2020, Pop Mart niêm yết trên sàn chứng khoán, thành công chuyển mình từ một cửa hàng không trung tâm thương mại nào chào đón đến chuỗi 288 cửa hàng khắp thế giới.
Năm 2020, anh được Fortune (bản Trung) bình chọn vào danh sách "40 doanh nhân ưu tú dưới 40 tuổi của Trung Quốc".
Năm 2022, Wang Ning đã đứng thứ 900 trong danh sách người giàu có trên toàn cầu và ngành công nghiệp lớn khi sở hữu khối tài sản 24,5 tỷ USD (hơn 623 nghìn tỷ đồng).
Tại Diễn đàn đổi mới kinh doanh Trung Quốc lần thứ 28 (tháng 3/2023), Wang Ning được vinh danh là "Lãnh đạo trẻ của doanh nhân Trung Quốc".
Hiện Wang Ning đang đứng thứ 945 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes với tổng tài sản 3,5 tỷ USD.
Rõ ràng, từ một chàng thanh niên phải vay tiền mẹ để khởi nghiệp, anh Wang ở tuổi 37 đã chứng minh cho cả thế giới thấy mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực.