Quyết định nghỉ việc văn phòng, đi bán trà trái cây vỉa hè
1 năm trước, Toàn Trung (26 tuổi, TP.HCM) còn làm nhân viên bất động sản, nhận tổng thu nhập là khoảng 300 triệu đồng/năm. Đang trên đà sự nghiệp ổn định, Trung quyết định nghỉ việc, dồn hết tiền đầu tư sức khỏe cho bản thân.
Đầu năm nay, Trung bắt đầu quay lại “thị trường lao động". Ban đầu anh chàng ứng tuyển công việc văn phòng, có mức lương ổn định. Tuy nhiên, Trung cũng không chọn gắn bó lâu dài với lĩnh vực này mà chọn khởi nghiệp bán xe trà trái cây vỉa hè. Một lựa chọn nhận về nhiều phản đối từ người thân và bạn bè. Còn về phía chính chủ, sau khoảng 4 tháng mở quán nước, anh vẫn thấy đây là quyết định đúng đắn và sống ổn với con đường mình tin tưởng.
Hình ảnh Toàn Trung khi còn làm nhân viên văn phòng
Trung chia sẻ, một phần nguyên nhân nghỉ việc bởi anh đánh giá tình hình kinh tế đang suy thoái nên nếu tiếp tục gắn bó với công ty cũ sẽ không có nhiều cơ hội phát triển lên cao. Lý do quan trọng hơn là Trung muốn theo đuổi đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực ăn uống.
Trung khởi nghiệp khi trong tay đã hết sạch vốn. Anh quyết định vay bạn bè và người thân 20 triệu đồng để mở quán bán nước. Về sản phẩm, Trung chọn bán xe trà trái cây bình dân, giá thành khoảng 20 - 30k/cốc.
Để chuẩn bị khởi nghiệp, Trung tự học cách pha chế đồ uống trên mạng, sau đó mời bạn bè và người thân dùng thử để đánh giá sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung còn mua số lượng lớn trà trái cây từ các cửa hàng để tự mình rút ra kinh nghiệm pha chế.
Trong 1 tháng đầu khai trương, Trung chi hết số tiền vay mượn để mua nguyên vật liệu pha chế, quầy bán hàng, ghế ngồi cho khách và một vài chi phí phát sinh khác. Bên cạnh đó, Trung cũng tốn khoản tiền kha khá để thuê mặt bằng là vỉa hè làm kinh doanh. Tất tần tật mọi công việc, từ bày biện đồ trong cửa hàng, chụp ảnh quảng cáo sản phẩm, đăng tải nội dung trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút khách hàng mới… Trung đều tự mình làm hết.
Một lý do khiến Trung chọn mô hình bán trà trái cây vỉa hè vì cần nguồn vốn thấp
Theo Trung, khi chọn bán trà trái cây vỉa hè, bạn phải chấp nhận công việc gắn liền với ba từ “không ổn định". Trung giải thích: “Đầu tiên là vấn đề thời tiết, chẳng hạn như những ngày mưa gió, quán rất khó bán.
Thứ hai đến từ mặt bằng quán. Dù mình đã nói chuyện với chủ nhà, mình cũng chịu nhiều rủi ro, vì quyền quyết định phần lớn ở phía đối phương. Đơn cử như ngày đầu mở bán, mình có thuê mặt bằng ở một bên khác, nhưng sau đó họ quyết định lấy lại mặt bằng và cho người quen thuê. Mình đành dời mặt bằng đến địa điểm hiện tại và bắt tay làm mọi thứ từ đầu".
Thời gian đầu mở bán, có những ngày Trung lãi lớn nhưng số ngày ế ẩm cũng không ít. Sau 4 tháng kinh doanh và vẫn đang học hỏi thêm kinh nghiệm, may mắn mọi thứ vẫn đều nằm trong tầm kiểm soát của Trung.
Trung kể: “Hiện tại, mình bán hàng vẫn chưa đủ kinh phí trả vốn bỏ ra ban đầu. Tuy nhiên, mỗi tháng thu nhập từ quán vẫn đủ để mình xoay vòng kinh doanh (khoảng 5 triệu đồng), thuê thêm một bạn nhân viên part-time và chi tiêu hàng ngày".
Xử lý sao khi bán hàng vỉa hè gặp ngày mưa, chủ nhà đòi lại mặt bằng
Với người lần đầu tiên khởi nghiệp như Trung, khó khăn liên tiếp ập đến là điều không tránh khỏi.
- Về thời tiết: Do mô hình quán bán trà trái cây vỉa hè nên chịu tác động lớn của thời tiết. Hiện tại, Trung vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý triệt để khi bán hàng gặp trời mưa.
Trước đó, Trung từng nghĩ đến lắp đặt mái hiên cho cửa hàng. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì cần nguồn vốn lớn. Ngoài ra, chủ nhà không đồng ý lắp đặt mái hiên trước cửa nhà. Cũng vì thế, trong tương lai anh chàng muốn tự mở một cửa hàng, để ổn định công việc kinh doanh.
- Về mặt bằng: Bản thân Trung từng trải nghiệm bị chủ nhà đòi lại mặt bằng khi kinh doanh vừa khởi sắc. Do đó, Trung gửi lời khuyên mọi người nên đàm phán kỹ hợp đồng với chủ nhà, trước khi bắt đầu bày gian hàng để tránh sự cố đã có lượng khách quen, nhưng phải rời quán đến nơi khác.
- Về cách tiếp cận khách hàng mới: Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình dịch vụ của xe bán trà trái cây vỉa hè, Trung nghĩ nền tảng mạng xã hội cũng là một công cụ tốt để thu hút khách hàng mới và truyền thông cho sản phẩm.
“Mình dùng mạng xã hội để chia sẻ suy nghĩ cá nhân, công việc và góc nhìn của bản thân, từ đó thu hút thêm khách. Ngoài kênh cá nhân, mình còn nhận được phản hồi tốt từ một vài bạn reviewer, nhờ đó lượng khách hàng biết tới quán nhiều hơn, cũng như thúc đẩy doanh thu tăng lên", Trung kể.
Với những người trẻ có dự định khởi nghiệp cùng mô hình bán đồ ăn thức uống vỉa hè, Trung tâm sự: “Mình nghĩ dù làm gì, bạn cũng cần chuẩn bị tốt về mặt tài chính và tâm lý. Bởi vài tháng đầu, khả năng bạn phải chịu lỗ từ công việc kinh doanh khá cao, khách hàng cũng ít. Từ đó, mình dễ bị nản và chịu nhiều khó khăn từ yếu tố bên ngoài nữa. Mình nghĩ nếu có thêm một người đồng hành, mọi thứ có thể diễn ra suôn sẻ hơn”.
Ảnh: NVCC