Theo Sci-News, một vật thể lạ đã được tìm thấy hồi tháng 5-2020 ở vùng Erg Chech của sa mạc Sahara ở Algeria vừa được nhóm nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) xác định là thiên thạch gần 4,6 tỉ năm tuổi - "già" hơn cả Trái Đất.
Vật thể Erg Chech 002 được xác định là một thiên thạch cổ đại - Ảnh: Nature Communications
Vật thể được đặt tên là Erg Chech 002, là một andesitic achondrite - nhóm thiên thạch đá thuộc loại lâu đời nhất từng được biết đến.
Các mảnh vỡ của nó chứa tinh thể lớn màu xanh lục đẹp mắt và quan trọng nhất là sự hiện diện của đồng vị phóng xạ Al-26 (nhôm-26), theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications. Đây là một nguyên tố được cho là thuộc về hệ Mặt Trời sơ khai và có thể có vai trò như một nguồn nhiệt đặc biệt cho sự tan chảy của các hành tinh và tiểu hành tinh sớm.
Theo lý thuyết được ủng hộ rộng rãi, Mặt Trời sơ khai đã tạo ra những vật thể giống hành tinh nhỏ hơn và sơ khai hơn, những vật thể này va chạm, vỡ ra, tan chảy, xáo trộn... cung cấp nguyên liệu cho lớp hành tinh thực thụ, bao gồm Trái Đất.
Ngoài Al-26, các nhà khoa học còn tìm thấy đồng vị của ma-giê là Mg-26. Tỉ lệ của 2 đồng vị này trùng với tỉ lệ trong các thiên thạch cổ đại khác từng được tìm thấy. Như vậy, đó là bằng chứng xác nhận Al-26 này thuộc về Tinh vân Mặt Trời.
Phát hiện này cho thấy Erg Chech 002 chính là báu vật mà các nhà khoa học bấy lâu tìm kiếm. Việc phân tích sâu hơn có thể mở ra "cánh cửa thời gian" để tìm hiểu bản chất Tinh vân Mặt Trời, hoàn thiện lý thuyết về cách mà thế giới của chúng ta đã ra đời.