Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam trong tháng 12 đạt hơn 2,53 triệu tấn, thu về gần 98 triệu USD, tăng 0,9% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng 11/2023.
Tính chung cả năm 2023, nước ta xuất khẩu hơn 31,3 triệu tấn clinker và xi măng, tương đương hơn 1,32 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng, giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân 12T/2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ.
Về thị trường, các quốc gia châu Á là những tay buôn lớn nhất mặt hàng này của Việt Nam. Dẫn đầu là Phillipines chiếm tỷ trọng 27% về kim ngạch xuất khẩu, thứ hai là Bangladesh (17%) và thứ ba là Malaysia (5,2%).
Xuất khẩu xi măng & clinker gần như đi ngang do Trung Quốc giảm nhập khẩu (giảm 90% so với cùng kỳ), nhu cầu trên thị trường bất động sản nước này vẫn còn yếu. Ngược lại, Bangladesh là thị trường ghi nhận tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 40% so với cùng kỳ nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Đáng chú ý, Úc đang là thị trường tích cực đẩy mạnh nhập khẩu trong năm 2023.
Cụ thể, lũy kế 12 tháng năm 2023, Úc đã nhập gần 470 nghìn tấn clinker và xi măng từ Việt Nam, tương đương 23,4 triệu USD, tăng 135% về lượng và tăng 120% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân 12 tháng đạt gần 50 USD/tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu sử dụng xi măng cao nhưng do sản xuất xi măng ảnh hưởng tới môi trường, giá thành sản xuất trong nước cao nên hàng năm Úc vẫn nhập khẩu một lượng lớn xi măng.
Nhập khẩu xi măng của Úc trước năm 2013 chủ yếu từ Trung Quốc (48%), Đài Loan (43%) và Thái Lan (7%). Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, xi măng và clinker của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Úc và thị phần ngày càng tăng mạnh.
Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, công suất sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Trung Quốc là quốc gia có công suất sản xuất xi măng lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có quy mô sản lượng xi măng lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Về thị trường nội địa, các doanh nghiệp ngành này đang đứng trước khó khăn nhất trong hàng chục năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò.
Đánh giá chung về khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhận định do tình hình thị trường bất động sản ảm đạm. Nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất. Kết quả chung đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ.
Tình trạng dư cung toàn ngành xi măng đã tăng từ 15% trong năm 2022 lên 30% trong năm 2023, cùng với mức tăng trưởng trái chiều trên kênh xuất khẩu, điều này làm gia tăng cạnh tranh trong nước. Trình trạng này đặc biệt xảy ra tại thị trường miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.
Hiện nay, giá xi măng vẫn đang có sự chênh lệch theo khu vực, giá xi măng tại miền Nam đang ở mức tương đối cao. Đây cũng là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng với công suất đạt gần 12 triệu tấn tại đây trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều.
Năm 2024, triển vọng của ngành xi măng vẫn chưa rõ ràng khi cung vẫn vượt xa cầu và thị trường xuất khẩu được dự báo còn nhiều khó khăn.