Một nhà hàng ở Hàn Quốc phục vụ giới hạn số lượng xà lách, tối đa là 5 lá/khách.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 18/7 đưa tin, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, vật giá tại Hàn Quốc trong nửa đầu năm nay đã đạt mức cao kỷ lục trong gần 24 năm.
Đài truyền hình YTN của Hàn Quốc đưa tin vật giá tăng vọt.
Chủ một nhà hàng ở quận Mapo (Seoul, Hàn Quốc) cho biết, giá xà lách đã lên mức 200 won/lá (khoảng 3.600 VNĐ), và giá tía tô xanh cũng đang tăng cao; để tránh bị lỗ vốn, nhà hàng đành phải loại bỏ một loại cơm cuộn đang bán chạy ra khỏi thực đơn.
Chủ một cửa hàng bán thịt ở quận Gangseo (Seoul, Hàn Quốc) phàn nàn rằng, xà lách đã trở thành "rau vàng"; cửa hàng vốn dĩ ít khách vì dịch bệnh, nay giá cả lại tăng cao, nên hoạt động kinh doanh chỉ có thể cầm chừng.
Ở một số siêu thị, xà lách được bán với giá 7.800 won/gói (khoảng 140.000 VNĐ).
Mới đây, một nhà hàng thịt nướng ở Seoul thậm chí đã đăng thông báo rằng xà lách được phục vụ giới hạn với số lượng 5 lá/khách.
Đài truyền hình YTN của Hàn Quốc đưa tin giá xà lách tại nước này đã tăng lên 7.800 won/gói.
Theo thống kê được Cổng thông tin Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố vào ngày 17/7, giá cả bình quân khi đi ăn nhà hàng tại nước này trong nửa đầu năm nay đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, giá thịt bò tăng 8,5%; sườn lợn tăng 7,9%; mì xào tăng 9,1%; thịt lợn chua ngọt tăng 6,1%; canh gà nhân sâm dưỡng sinh mùa hè tăng 4,4%; mì lạnh tăng 7,6%; gà rán tăng 8,8%; pizza tăng 8,4%; cơm cuộn tăng 9,1%; bánh gạo cay tăng 8%; mì ăn liền tăng 8,6% và cà phê tăng 4,2%. Ngoài ra, giá cả trong nhà ăn cơ quan cũng tăng 3,5%, cơm hộp tăng 7,4%.
Đài truyền hình YTN của Hàn Quốc đưa tin về việc các bà nội trợ Hàn Quốc phàn nàn về "bão giá".
Hãng thông tấn Yonhap và báo "Kinh tế Hàn Quốc" chỉ ra rằng, sự tăng giá đột biến gần đây ở Hàn Quốc có liên quan đến việc nguyên liệu thô quốc tế tăng giá; ngoài ra, còn do thời tiết nắng nóng cực đoan, rồi liên tục có mưa, và sâu bệnh gây hại, khiến cho sản lượng rau quả sụt giảm.
Theo truyền thông Hàn Quốc, mặc dù gần đây chính phủ nước này đã ban hành một loạt chính sách bình ổn giá nhưng không dễ để các chính sách này có hiệu lực ngay lập tức do chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài; và tình hình vật giá cao như hiện tại có thể trở thành chuyện bình thường trong tương lai.