Quyết định của Scholz
Rạng sáng, những người lính gác đánh thức các tù binh Nga và dẫn họ lên xe, rồi đưa tới sân bay. Tại đó, họ được các đặc vụ đeo mặt nạ hộ tống lên máy bay mà không hề hay biết điểm đến.
Sau 3 chuyến bay, những người này đáp xuống một sân bay nhỏ ở ngoại ô Cologne (Đức) và được chào đón bởi một người đàn ông vận bộ đồ sọc, đứng một mình trên đường băng. Ông giới thiệu mình là Olaf Scholz, Thủ tướng của Đức.
Scholz là nhân vật chính trong cuộc đàm phán kéo dài với Điện Kremlin với kết quả cuối cùng là đổi lấy tự do cho 16 tù nhân Nga, Mỹ và Đức, trong đó có phóng viên Evan Gershkovich của WSJ bằng cách trao trả Vadim Krasikov, công dân Nga hiện đang thụ án chung thân trong nhà tù ở Đức sau khi bị kết tội sát hại 1 người đàn ông ở Berlin.
Toàn bộ các cơ quan an ninh của Đức, các bộ trưởng hàng đầu, các nhà ngoại giao cao cấp và các luật sư chính phủ đều phản đối quyết định này nhưng cuối cùng, Scholz đã chiến thắng. Ông đảm nhận rủi ro chính trị và pháp lý khi quyết định trả tự do cho Vadim Krasikov.
Trong tuyên bố phát trên truyền hình, Scholz cho biết, đây không phải quyết định dễ dàng đối với bất kỳ ai nhưng theo ông, lợi ích của Đức trong việc thi hành án phải được cân nhắc với tự do và sự an toàn của những người bị giam giữ ở Nga.
Scholz cho hay, sự đoàn kết với Mỹ là động cơ quan trọng đối với quyết định của ông: "Xã hội chúng ta được định hình bởi chủ nghĩa nhân đạo". Tổng thống Biden đã điện đàm gửi lời cảm ơn tới ông Scholz một lần nữa trong khi Thủ tướng Đức chờ chiếc Gulfstream mang theo các tù nhân hạ cánh xuống sân bay quân sự ở Cologne.
Scholz và những cộng sự thân cận của ông đã nỗ lực phía sau hậu trường suốt gần một năm để thuyết phục nội các và các quan chức cấp cao, cũng như các lãnh đạo phe đối lập, WSJ dẫn nguồn tin thân cận với chiến dịch cho biết.
Hôm 2/8, nhà hoạt động dân chủ Vladimir Kara-Murza đã phát biểu trước những người phê bình Scholz rằng, từ "trao đổi" chỉ là một cách nói giảm nói tránh của việc cứu 16 mạng sống: "Không có gì quan trọng trong một chính phủ bình thường, nhân đạo, dân chủ hơn là cứu mạng người".
Khi được Scholz chào đón tại sân bay, Kara-Murza đã nhắc tới một dòng trong kinh Talmud của người Do Thái rằng cứu một mạng người là như cứu cả nhân loại.
Thanh socola trong cặp tài liệu
Quá trình đàm phán căng thẳng bắt đầu hơn 1 năm trước, sau khi phóng viên của WSJ Gershkovich bị bắt giữ.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã xử lý các cuộc đàm phán cho đến khi một thoả thuận được định hình mà Scholz đã sẵn lòng chấp nhận, bao gồm việc thả chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny. Thế nhưng sau khi ông Putin nhận được đề nghị, Navalny đã tử vong trong nhà tù Bắc Cực hồi đầu năm.
Cái chết của Navalny đã khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ nhưng Scholz, người từng khẳng định sẽ hỗ trợ Biden giải phóng các tù nhân Mỹ, đã phát tín hiệu thể hiện sự cam kết vào tiến trình. Nhưng lúc này, ông kiên quyết đưa các nhà thương thuyết của mình tham gia vào các cuộc đàm phán, vốn trước đó do CIA và FSB tiến hành.
Nhóm đàm phán của Đức được dẫn dắt bởi phó trưởng cơ quan tình báo nước ngoài (BND) Philipp Wolff, một cựu công tố viên. Người đàn ông 52 tuổi lịch thiệp này được biết đến như là một "nhà ngoại giao giữa các điệp viên". Wolff có một phương pháp độc đáo để giảm căng thẳng trong đàm phán: Đem socola mang theo trong cặp tài liệu ra mời những người tham gia thương thảo.
Nga muốn kết thúc trước bầu cử Mỹ
Các nhà đàm phán Đức nhìn thấy cơ hội khi các đối tác Nga nói rằng họ muốn kết thúc thỏa thuận trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11. Theo WSJ, một số quan chức suy luận rằng người Nga hoặc là lo lắng về sự khó đoán của Donald Trump, hoặc họ sợ Scholz sẽ không còn sẵn lòng giúp đỡ trong trường hợp ông Trump giành được chiến thắng.
"Sau đó chúng tôi quyết định đẩy nó tới giới hạn", một quan chức cấp cao tham gia vào cuộc đàm phán tiết lộ cho WSJ.
Thế rồi, trong một cuộc họp tại Ả Rập Saudi vào đầu mùa xuân, người Đức lần đầu tiên cho biết, họ sẵn lòng thả Krasikov, nhưng cảnh báo người Nga rằng cái giá sẽ cao hơn nhiều so với mức đã thảo luận trước đây, quan chức này nói. Họ đã loại bỏ chướng ngại vật chính khiến đàm phán trì trệ: quy tắc một - đổi - một.
"Chúng tôi nói rõ: Chúng tôi sẵn lòng nhưng chỉ khi giá cả hợp lý", một quan chức cấp cao có liên quan cho biết. Scholz chỉ đạo đoàn đàm phán đưa 4 người Đức vào danh sách trao đổi.
Người Nga đưa lời đề nghị của ông về Moscow. Nhiều tuần lễ căng thẳng trôi qua trước khi Điện Kremlin phản hồi: Thỏa thuận được chấp nhận. Nga sẽ thả tất cả những người có trong danh sách của Đức, bao gồm cả trợ lý của Navalny và Kara-Murza. Đổi lại, Nga sẽ nhận được Krasikov và 7 người khác bị giam giữ ở nhiều nước phương Tây.
Thực ra, bên nhóm đàm phán của Nga cũng có sự thay đổi về nhân sự, một nhân vật cấp cao của Nga tiết lộ cho WSJ.
Ngày 22/6, Alexey Komkov, một sĩ quan thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga đã tiếp quản vai trò dẫn dắt đàm phát từ Tướng Sergey Beseda, một cựu chiến binh từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo một sĩ quan Nga tham gia vào cuộc đàm phán, ngay sau đó, Komkov đã có cuộc gặp với Tổng thống Putin và hứa hẹn sẽ trở về với Krasikov.
Cuộc trao đổi phức tạp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh
Sau khi đường hướng của thỏa thuận được vạch ra, một số người tham gia nửa đùa nửa thật nhắc tới vụ trao đổi tù nhân Cầu Glienicke (Cầu Gián điệp), vụ trao đổi tù nhân gián điệp lớn nhất trong lịch sử diễn ra tại Berlin hồi 1985. Washington Post nhận định, đây là cuộc trao đổi phức tạp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Arkady Gostev, người đứng đầu Cơ quan Hình sự Liên bang Nga đã tự mình giám sát công tác chuyển giao tù nhân từ khắp cả nước đến một nhà tù của FSB ở Moscow, theo nguồn tin từ quan chức Nga.
Bản thân Gostev đã đảm bảo sẽ đưa Kara-Murza, người đang gặp vấn đề về y tế, đến bệnh viện vài tuần trước khi trao đổi. "Chúng tôi không định để ai chết trên máy bay", quan chức Nga nhấn mạnh.
Ngày 1/8, tù nhân Nga và phương Tây được đưa đến sân bay Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tới gần nửa đêm ở Đức, các tù nhân cuối cùng mới rời khỏi máy bay. Hầu hết họ chỉ có vài bộ quần áo trên người, một số còn không có bất kỳ loại giấy tờ nào. Thủ tướng Đức đã yêu cầu đưa máy ảnh, máy quay ra khỏi phòng khi ông ngồi xuống trò chuyện với những người mà ông đã giúp phóng thích.
Chánh văn phòng Thủ tướng Đức Wolfgang Schmidt đã đưa điện thoại của mình cho các tù nhân để họ có thể nói chuyện với người thân.
"Chúng tôi ổn, mệt mỏi, chúng tôi vừa có cuộc nói chuyện tốt đẹp với một người tử tế ở đây, ông ấy nói ông ấy là Thủ tướng Đức", một trong số họ nói với bạn bè.
Khi được hỏi liệu cô có cần thứ gì không, người phụ nữ, sau 4 năm trong tù, nói rằng cô ấy muốn nhuộm tóc.
Tất cả người Nga sau đó đã được đưa đến một phòng khám quân sự để kiểm tra sức khỏe, và như trường hợp của Kara-Murza, thì để điều trị y tế.
Cùng lúc đó ở Moscow, ông Putin đứng trên thảm đỏ trao cho Krasikov một cái ôm. "Tôi muốn cảm ơn anh vì lòng trung thành, sự phục vụ và danh dự của anh", Tổng thống Nga nói.
Còn tại Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland (Mỹ), Gershkovich được chào đón bởi cái ôm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trước khi quay sang ôm chầm lấy mẹ mình.