Một số nghiên cứu trước đây cho thấy trái đất đã xảy ra một giai đoạn đi từ chết chóc đến dễ thở, để rồi vì dễ thở, dễ sống mà trở lại chết chóc, bắt đầu khoảng 2,4 tỉ năm về trước, gọi là GOE – sự kiện oxy hóa vĩ đại.
Lý thuyết này, với một số bằng chứng chưa đầy đủ, cho thấy sự gia tăng của vi khuẩn lam và sự dịch chuyển các mảng kiến tạo đã thổi sức sống mới vào hành tinh bằng cách khiến nồng độ oxy – khí của sự sống – gia tăng nhanh chóng.
GOE đã giúp các sinh vật trái đất có điều kiện gia tăng dân số mạnh mẽ, phủ khắp địa cầu. Nhưng rồi số sinh vật ra đời lại quá nhiều so với lượng oxy thực có, dẫn đến "quá tải", trái đất lại trở nên ngột ngạt. Vậy là một cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử trái đất diễn ra, còn tồi tệ hơn thảm họa thiên thạch giết khủng long, biến hành tinh của chúng ta thành địa ngục thật sự.
Bằng chứng cho "trái đất địa ngục" là Sự kiện Lomagundi - Jatuli (LJE), giai đoạn một lượng lớn chất hữu cơ, rất có thể là xác sinh vật, được chôn vùi trong trầm tích.
Tuy nhiên, thứ vật chất bí ẩn ở Nga, một khoáng vật gọi là "shungite cổ đại" mà nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Kaarel Mänd, chuyên ngành khoa học trái đất tại Đại học Alberta (Canada) lại cho thấy điều trái ngược: "trái đất địa ngục" có thể chưa bao giờ tồn tại.
Hành tinh của chúng ta vẫn luôn dễ sống sau GOE. Vật chất lạ lùng này có tuổi đời ngay sau LJE, nhưng có dấu vết molypden, uranium, rhenium cực kỳ cao, những kim loại phải liên quan đến lượng oxy dồi dào.
Phát hiện này có nghĩa: trong giai đoạn vật chất này tồn tại, không thể có sự kiện trái đất bị sinh vật tranh nhau thở đến mức thiếu oxy. Thảm họa LJE có thể bị gây nên bởi một thứ bí ẩn khác! Vì vậy, có lẽ đến lúc phá giải lý thuyết cũ và đi tìm câu trả lời xác đáng hơn, đó là điều nhóm nghiên cứu dự định làm sau phát hiện ban đầu.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Goescience.