Siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mang tên "Vành đai và Con đường" hiện đang có chiều hướng lâm vào cảnh bế tắc khi các quốc gia bắt đầu cảm nhận thấy sức nặng từ các khoản nợ Trung Quốc.
Lần đầu tiên được giới thiệu hồi năm 2013 bởi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, sáng kiến Vành đai và Con đường được xem như "Con đường Tơ lụa" thời hiện đại, mở ra triển vọng xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ và cảng biển trên khắp các châu lục, và Bắc Kinh là nhà đầu tư chính, cung cấp hàng tỉ USD vốn vay cho những quốc gia trong dự án.
Năm năm sau, ông Tập hiện đang phải bảo vệ sáng kiến này khi ngày càng có nhiều quốc gia quan ngại rằng Trung Quốc muốn đưa họ vào "bẫy nợ" khó thoát.
"Vành đai và Con đường là dự án mở cho tất cả các quốc gia," ông Tập phát biểu trong lễ kỉ niệm.
Ông Tập cho biết giao dịch thương mại với các nước thuộc sáng kiến nói trên đã vượt qua mốc 5 nghìn tỉ USD, với vốn đầu tư trực tiếp hơn 60 tỉ USD.
CGTN giới thiệu về sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Phản ứng từ các quốc gia
Tuy nhiên nhiều nước đã bắt đầu bày tỏ e ngại về cái giá phải trả.
Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng 8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết sẽ hoãn ba dự án lớn được Trung Quốc hỗ trợ, bao gồm một dự án xây dựng đường sắt có giá trị 20 tỉ USD.
Đảng cầm quyền của tân thủ tướng Pakistan Imran Khan đã yêu cầu có thông tin minh bạch hơn giữa lúc quốc gia này lo sợ không đủ khả năng để trả các khoản nợ Trung Quốc liên quan tới Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Trong khi đó nhà lãnh đạo phe đối lập của Maldives - Mohamed Nasheed - đã gọi những hành động của Trung Quốc tại quần đảo Ấn Độ Dương là "chiếm đất đai" khi 80% khoản nợ của Maldives là nợ Trung Quốc.
Điển hình, Sri Lanka đã trả giá đắt vì nợ Trung Quốc quá nhiều. Năm ngoái, đảo quốc này buộc phải cho Bắc Kinh thuê một cảng biển chiến lược vì không thể trả khoản nợ cho dự án với giá trị 1,4 tỉ USD.
Về mặt lý thuyết, sáng kiến Vành đai và Con đường đem lại sự cải thiện không nhỏ về mặt cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển trong khi cung cấp cho hàng hóa Trung Quốc những đích đến mới để tiêu thụ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, lại phát hiện ra "những vấn đề nghiêm trọng" trong sự ổn định tại 8 quốc gia nhận được nguồn vốn từ sáng kiến này.
Các quốc gia đó là Pakistan, Djibouti, Madives, Mông Cổ, Lào, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Tại Djibouti, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng quốc gia tại khu vực Sừng Châu Phi này đang đối mặt với "nguy cơ khủng hoảng nợ" khi nợ quốc gia từ 50% GDP vào năm 2014 tăng lên tới 85% GDP vào năm 2016.
Trong khi đó, các quốc gia Châu Phi từ lâu đã đón nhận nguồn đầu tư từ Trung Quốc, góp phần giúp Bắc Kinh trở thành đối tác lớn nhất của châu lục trong thập kỉ qua.
"Bữa trưa không miễn phí"
Hiện Trung Quốc đang chịu nhiều chỉ trích vì sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tại buổi họp báo hôm 31/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phủ nhận Bắc Kinh đang đưa các đối tác vào bẫy nợ, và khẳng định khoản cho vay tại Sri Lanka và Pakistan chỉ là một phần nhỏ trong tổng số nợ nước ngoài mà các quốc gia này đang phải trả.
"Thật bất hợp lí khi cho rằng những khoản đầu tư từ những quốc gia phương Tây là tốt đẹp trong khi khoản tiền từ Trung Quốc lại bị coi là xấu xa và cạm bẫy," bà nói.
Bà Christine Lagarde, giám đốc IMF, bày tỏ quan ngại về những rắc rối nợ nần tiềm năng từ hồi tháng 4 vừa qua và yêu cầu các bên trong sáng kiến Vành đai và Con đường cần minh bạch hơn nữa.
"Đây không phải là bữa trưa miễn phí, ai cũng buộc phải tham gia," bà Lagarde kết luận.