Vắng như... trung tâm thương mại

Không thể phủ nhận các trung tâm thương mại đã phần nào làm thay đổi bộ mặt, thói quen thương mại ở đô thị, song thực tế cũng cho thấy, không như kỳ vọng của các nhà đầu tư, khá nhiều trung tâm thương mại vẫn trong tình trạng đìu hiu, ế ẩm.

Mua bán ảm đạm

Tại Hà Nội hiện có khá nhiều trung tâm thương mại đã và đang đi vào hoạt động.

Bên cạnh một số trung tâm thương mại có tỷ lệ lấp đầy cao và lượng khách ghé chân tương đối lớn như chuỗi trung tâm thương mại Vincom, Lotte Center , trung tâm thương mại Aeon Mall, thời gian qua có khá nhiều khu trung tâm thương mại rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm thậm chí phải ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình (như trường hợp Parkson tại Keangnam, Grand Plaza).

Nhiều trung tâm vẫn duy trì hoạt động song lượng khách vào mua sắm chỉ đếm được trên đầu ngón tay và khá nhiều người vào các trung tâm này chỉ để... dạo mát trong những ngày nóng nực.

Dạo qua một số trung tâm thương mại trong những ngày cuối tuần, theo ghi nhận của phóng viên, không khí mua sắm tại các trung tâm này là khá ảm đạm.

Tại trung tâm thương mại Parkson, trên 7 sàn của trung tâm này hàng hóa chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo giày dép thời trang, đồ gia dụng của các thương hiệu lớn như Lacoster, Bobbi Brown, MAC, Christan Dior, Levis, G-Factory…

Tuy nhiên, dù vào dịp cuối tuần, đối lập với sự sầm uất của khu phố Thái Hà, Tây Sơn, bên trong khu trung tâm thương mại này khá vắng vẻ, yên bình.

Tầng hầm để xe cũng như sân của trung tâm này chỉ lác đác xe của một số khách vào đây chủ yếu để đi dạo, số khách mua sắm là rất ít, có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Nhiều gian hàng treo biển khuyến mãi lên tới 50% song vẫn không hút được khách vào mua sắm.

Theo lời nhân viên của một gian hàng chuyên giày dép túi xách có thương hiệu nổi tiếng, bình thường có khá ít khách hàng vào đây mua sắm, nhưng ngày cuối tuần thậm chí còn ít hơn ngày thường.

“Vì trung tâm này có diện tích tương đối nhỏ, lại không có khu ăn uống, giải trí như các trung tâm khác cho nên không hấp dẫn khách hàng”, nhân viên này bình luận.

Tuy nhiên, bên cạnh lý do này, có lẽ lý do quan trọng nhất là trung tâm phương mại này chủ yếu bán hàng hóa của các thương hiệu cao cấp, giá cả đắt đỏ so với thu nhập của đại đa số người dân.

Cùng chung cảnh ngộ với Parkson là khu trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.

Tọa lạc tại một vị trí đắc địa bậc nhất tại Hà Nội, đây được xem là khu trung tâm thương mại sang trọng vào bậc nhất của cả nước, tuy nhiên, ngay sau dịp khai trương, các gian hàng luôn vắng vẻ, người tham quan thưa thớt.

Mở của trở lại vào năm 2014 sau khi được “tái cơ cấu”, không khí mua sắm tại trung tâm này không nhộn nhịp hơn là mấy.

Chỉ vì đứng chân thương hiệu?

Tuy không rơi vào tình trạng đìu hiu, ế ẩm như những trung tâm thương mại vừa nêu, song tại các trung tâm như Lotter Center (Đào Tấn), Vincom (Nguyễn Chí Thanh), Royal City…, dù lượng khách vào ra có vẻ tấp nập hơn nhưng nếu so với thời điểm mới khai trương, số lượng đã giảm đi đáng kể.

Theo quan sát của phóng viên, tại trung tâm thương mại Vincom, là tối thứ Bảy (ngày 6-8) nhưng khách vào tham quan mua sắm không đông đúc. Nhiều gian hàng, đặc biệt là của các thương hiệu lớn khá vắng lặng.

Lý do bởi nhiều người vào đây chỉ để đi dạo chơi, ngắm hàng hóa. Toàn bộ tầng 1 là khu vực bán mỹ phẩm ít người qua lại.

Cả trung tâm chỉ sôi động tại tại gian hàng của Công ty Việt Thương nhờ có triển lãm nhạc cụ. Tại khu Royal City, không khí mua sắm cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm cho thấy, ở Việt Nam những trung tâm thương mại hút khách thường là mô hình kết hợp, lồng ghép với các dịch vụ khác như ăn uống, vui chơi giải trí.

Những trung tâm thương mại mới mở như Lotte Center (Đào Tấn), Aeon (Long Biên) hiện nay khá đông khách do biết khai thác mô hình này.

Vắng như... trung tâm thương mại - Ảnh 1.

Quang cảnh vắng vẻ tại khu mua sắm Royal City. Ảnh: H.Anh.

Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty Savills Việt Nam cho biết, theo khảo sát có nhiều trung tâm thương mại đang phải tái cấu trúc, nhiều ngành hàng phải đóng cửa.

Đáng kể ở một số trung tâm thương mại, một loạt mặt hàng đóng cửa rời khỏi trung tâm do thua lỗ trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu về ăn uống, sức khỏe, làm đẹp đang gia tăng nên diện tích mặt bằng thuê của các ngành này vẫn tốt.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện nay việc các trung tâm thương mại ế ẩm là do sức mua của xã hội còn yếu. Sức mua kém dẫn tới đã có một số trung tâm phải đóng cửa, rút bớt doanh số hoặc chuyển đổi mô hình.

Bên cạnh đó, hàng hóa tại các trung tâm thương mại chủ yếu là hàng cao cấp với giá cả đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân.

Theo ông Phú, hiện nay có tới 80% khách hàng là người có thu nhập trung bình, do đó số khách hàng có nhu cầu mua sắm thực sự tại các trung tâm thương mại là rất ít, vào khoảng 10-20%.

Chưa kể, các shop nhỏ kinh doanh hàng nội địa Nhật, Bản, Thái Lan hiện đang rất cạnh tranh và họ đã và sẽ “rỉa” bớt khách hàng, doanh số cũng như lợi nhuận của các TTTM.

Cũng theo ông Phú, nhiều trung tâm thương mại tỷ lệ lấp đầy lớn nhưng thực tế nhiều gian hàng không có khách ghé thăm, không có khách mua hàng.

Điều này là do nhiều DN chỉ đặt mục tiêu đứng chân thương hiệu tại các trung tâm này để quảng bá thương hiệu, để người dân biết đến thương hiệu của mình là chính chứ không đặt mục tiêu doanh số, nên vẫn chấp nhận thuê gian hàng với giá thuê đắt đỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại