Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tháng 3/2024 giảm 13,1% về lượng và giảm 11,7% về kim ngạch so với tháng trước, đạt 188.808 tấn, trị giá 160,1 triệu USD.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đạt 631.310 tấn, trị giá 532,02 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 8,9% về trị giá.
Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, đạt 119.761 tấn, trị giá 100,8 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và giảm 30,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 18% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu; riêng trong tháng 3/2024 đạt 30.847 tấn, trị giá 25,9 triệu USD, giảm 31,7% về lượng và giảm 34,4% về trị giá.
Sau đó là thị trường Hàn Quốc chiếm 9-10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 60.946 tấn, kim ngạch 55,5 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 4,9% về trị giá; riêng tháng 3/2024 đạt 19.352 tấn, trị giá 17,8 triệu USD.
Xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 8-9% trong tổng lượng và kim ngạch, đạt 55.447 tấn, kim ngạch đạt 52,8 triệu USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 33,7% về trị giá trong 3 tháng đầu năm 2024; riêng tháng 3/2024 xuất khẩu giảm 8,4% về lượng và giảm 7,04% về trị giá.
Trong số các thị trường xuất khẩu, Thái Lan là quốc gia tích cực nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam nhất trong quý I vừa qua.
Cụ thể, trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan 1.840 tấn, tương đương gần 1,8 triệu USD, tăng mạnh 3.307% về lượng và tăng 3.144% về trị giá so với tháng 3/2023.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xứ sở chùa vàng nhập khẩu 5.490 tấn, trị giá hơn 5 triệu USD, tăng 2.287% về lượng và tăng 1.955% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 915 USD/tấn, giảm 13,9%.
Dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường nhưng Thái Lan chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 0,8-0,9%.
Theo Global Petrol Price, Việt Nam hiện có giá xăng đứng thứ 35 thế giới và rẻ hơn Thái Lan (đứng thứ 76). Giá xăng tại đây đạt 48,23 THB/lít, tương đương 1,31 USD/lít.
Dù xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm và chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.
Mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một loại dầu nhất định, hoặc một hỗn hợp dầu có tính chất nhất định. Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến. Còn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thiết kế để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ.
Còn Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được thiết kế cho hỗn hợp dầu Kuwait hàm lượng lưu huỳnh 2,52. Do đó dù có khai thác được dầu trong nước nhưng không phải dầu thô nào cũng phù hợp với công nghệ lọc của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Do phụ thuộc lớn, nên hoạt động nhập khẩu xăng dầu cũng chịu sự tác động mạnh khi thế giới biến động, đặc biệt là về giá.