Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới

Thu Hằng |

Một cuộc khủng hoảng vàng mác giả đang âm thầm xâm lấn ngành công nghiệp vàng thế giới.

Vàng thỏi đóng giả logo của các thương hiệu tinh chế vàng có tiếng đang được tuồn vào thị trường nhằm “rửa sạch” vàng buôn lậu hoặc phi pháp. Đây là cảnh báo được các giám đốc ngân hàng và doanh nghiệp tinh chế vàng đưa ra với hãng tin Reuters. Vàng giả khó phát hiện, khiến chúng trở thành “người” chạy quỹ lý tưởng cho các tay buôn ma túy hoặc thủ lĩnh phiến quân.

Trong ba năm qua, số vàng thỏi trị giá ít nhất 50 triệu USD đóng logo vàng Thụy Sĩ, dù không được sản xuất bởi những cơ sở uy tín này, đã được phát hiện bởi bốn nhà tinh chế vàng hàng đầu Thụy Sĩ, thậm chí được phát hiện cả trong kho của JPMorgan Chase & Co, một trong những ngân hàng quan trọng, nằm ở trung tâm của thị trường vàng quốc tế.

Bốn giám đốc điều hành của các nhà tinh chế vàng Thụy Sĩ cho biết, ít nhất 1.000 thỏi vàng đóng mác giả, với kích thước tiêu chuẩn 1 kilobar (tương đương 1kilogam vàng), đã được phát hiện. Đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng sản lượng của ngành công nghiệp vàng, vốn sản xuất gần 2 triệu-2,5 triệu thỏi vàng như vậy mỗi năm. Nhưng vàng giả được làm rất tinh vi, vì thế hàng ngàn thỏi khác có thể đã lọt qua các khâu kiểm soát.

“Những thỏi vàng giả mới phát hiện được chế tạo rất chuyên nghiệp”, ông Michael Mesaric, Giám đốc điều hành công ty tinh chế vàng Valcambi, Thụy Sĩ cho biết. Theo ông, có thể hàng ngàn thỏi vàng giả đã được phát hiện, nhưng một lượng nhiều hơn thế có thể vẫn đang được lưu hành trên thị trường”.

Vì sao vàng thật đóng dấu giả?

Vàng thỏi giả, được làm từ vàng trộn với nhiều kim loại rẻ hơn – khá phổ biến trong ngành công nghiệp vàng và thường dễ phát hiện.

Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới - Ảnh 1.

Vàng chảy ra từ nồi lấu tại nhà máy Argor Heraeus ở miền Nam Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Nhưng những loại vàng mác giả trong các vụ việc trên lại được sản xuất tinh vi hơn. Vàng là thật, với độ tinh khiết cao, chi có dấu logo là giả. Các thanh vàng giả thương hiệu là một cách thức tương đối mới để qua mặt các biện pháp toàn cầu về ngăn chặn kim loại hiếm từ các cuộc xung đột, bạo lực, và nạn rửa tiền. Kiểu làm giả này đặt ra một thách thức mới với các nhà tinh luyện vàng quốc tế, các nhà điều hành và thể chế tài chính trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép vàng thỏi trên thế giới.

Giá vàng cao đã thúc đẩy hoạt động khai thác trái phép và không chính thức kể từ giữa những năm 2000. Nếu không có dấu logo của các nhà tinh chế vàng uy tín, số vàng đó sẽ buộc phải lưu thông vào thị trường ngầm, với giá thấp hơn. Bằng cách đóng dấu giả các thương hiệu vàng Thụy Sĩ hoặc các thương hiệu danh tiếng khác, những thỏi vàng được khai thác và tinh chế ở nhiều nơi, có thể bất hợp pháp như ở một số vùng châu Phi và các nước đang bị trừng phạt, có thể được bơm vào thị trường, tạo ra một kênh tài chính cho giới tội phạm hoặc cho các thể chế đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.

Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới - Ảnh 2.

Đãi vàng thủ công tại một mỏ không phép gần thành phố Doropo, Bờ Biển Ngà ngày 13/12/2018. Ảnh: Reuters

Cho đến nay vẫn chưa rõ ai là người đang chế tạo các thanh vàng đóng dấu giả, nhưng các giám đốc và chủ ngân hàng ở Thuỵ Sĩ cho rằng có thể liên quan đến Trung Quốc, nhà nhập khẩu và sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Số vàng này đã bước vào thị trường thông qua các thương nhân và nhà giao dịch tại Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan. Một khi được chấp nhận bởi một nhà buôn vàng lớn tại những nơi này, số vàng đó sẽ nhanh chóng tỏa vào các chuỗi cung cấp toàn cầu.

Vàng giả được phát hiện ra sao?

Những thỏi vàng đóng mác giả được phát hiện lặng lẽ lưu hành trong ngành công nghiệp vàng từ giữa năm 2017, khi JP Morgan, một trong năm ngân hàng đạt giao dịch trị giá 10 nghìn tỷ USD một năm tại thị trường vàng London, nhận thấy kho của họ chứa ít nhất hai kilobar vàng được đóng dấu cùng số nhận dạng.

Trong khi đó, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, nơi điều tiết thị trường vàng Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố rằng họ không biết các thỏi vàng giả được sản xuất hoặc vận chuyển qua Trung Quốc. Sàn giao dịch vàng Thượng Hải khẳng định họ đã thiết lập một hệ thống giao hàng và lưu trữ kỹ lưỡng. Quá trình đưa vàng vào kho được quản lý chặt chẽ và tuân thủ nghiêm các quy định.

Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới - Ảnh 3.

Vàng trước khi đưa vào đóng thỏi tại nhà máy tinh chế Valcambi ở Balerna, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Khi những ngân hàng hoặc sàn giao dịch tìm thấy các thỏi vàng giả như vậy, họ đã trả lại chúng cho các nhà tinh chế vàng có liên quan, trong đó có một số hoạt động ở châu Á. Các thanh vàng trả lại cho Thụy Sĩ thì được các nhà tinh chế báo lại cho chính quyền để tiến hành thu giữ.

Hải quan Thụy Sĩ cho biết năm 2017 và 2018, 655 thỏi vàng giả đã được báo cho công tố viên địa phương ở Ticino, một khu vực giáp ranh với Italy có ba nhà máy tinh chế vàng lớn của Thụy Sĩ. “Trong tất cả các trường hợp, việc đóng dấu mác các thanh 1 kg đều là giả”, một quan chức Hải quan nói với Reuters.

Công tố viên ở Ticino cũng xác nhận đã nhận được ba báo cáo về các thỏi vàng với số sê-ri đáng ngờ, nhưng cho biết họ không thể tiết lộ thêm thông tin.

Thị trường châu Á sôi động

Các kilobar vàng có kích thước nhỏ - chỉ tương đương kích thước và độ dày của một chiếc điện thoại di động - không giống như các thỏi vàng nặng khoảng 12,5 kilogam thường được lưu trữ trong kho của các ngân hàng trung ương thế giới.

Kilobar là dạng vàng phổ biến nhất đang lưu hành trên toàn thế giới, lưu thông giữa các ngân hàng, nhà máy tinh chế, các đại lý và cá nhân. Các đặc điểm nhận dạng được đóng dấu trên bề mặt thỏi vàng bao gồm logo của nhà máy đã chế tạo ra nó, độ tinh khiết, trọng lượng và số nhận dạng duy nhất. Mỗi kilobar trị giá khoảng 50.000 USD theo giá hiện tại.

Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới - Ảnh 4.

Dấu mác Sicpa Oasis xuất hiện trên mỗi thỏi vàng nặng 1 kg, thương hiệu Metalor, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Ở một số nơi tại Đông Nam Á, việc người dân sử dụng vàng thay cho tiền mặt trong các giao dịch mua bán lớn như bất động sản không phải là hiếm. Còn tại Trung Quốc, gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu vàng đều bị cấm vì nằm trong chương trình kiểm soát chặt chẽ, lâu dài của chính phủ đối với các dòng vốn. Các nhà phân tích thị trường cho rằng, chính điều đó đã thúc đẩy nhu cầu của những người Trung Quốc giàu có muốn đưa tiền ra nước ngoài để tìm cách buôn vàng.

Ước tính 400 đến 600 tấn vàng mỗi năm được đưa qua biên giới từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong, phần lớn là vàng đóng theo kilobar. Tuy nhiên Hải quan Hồng Kông cho biết họ đã không nhận được khiếu nại nào trong cả thập kỷ qua về những thỏi vàng có nhãn hiệu giả mạo.

Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới - Ảnh 5.

Hong Kong, một trong những thị trường giao dịch vàng lớn tại châu Á. Ảnh: Reuters

Theo giám đốc điều hành một nhà tinh chế vàng, Nhật Bản cũng tồn tại tình trạng buôn lậu vàng, trong đó các thương hiệu giả mạo có thể được sử dụng,

Các thương hiệu Thụy Sĩ không phải là những công ty duy nhất bị vi phạm bản quyền vàng thỏi, nhưng họ là mục tiêu được nhắm đến nhiều nhất do uy tín và phạm vi lưu hành toàn cầu. Bốn nhà máy lọc vàng lớn nhất của Thụy Sĩ - gồm Valcambi, PAMP, Argor-Heraeus và Metalor - xử lý khoảng 2.000-2.500 tấn vàng mỗi năm, trị giá khoảng 100 tỷ USD. Thương hiệu của họ nằm trong số những nhãn hiệu vàng phổ biến nhất và đáng tin cậy nhất. PAMP và Metalor hiện từ chối bình luận về điều tra của Reuters; trong khi đại diện Argor-Heraeus cho biết luôn có rủi ro một thương hiệu sẽ bị làm giả và mọi người chỉ nên mua vàng thỏi từ các nhà phân phối đáng tin cậy.

Thách thức từ vàng lậu

Vàng thỏi đóng mác giả đặt ra mối đe dọa: Bất kỳ ai nắm giữ kim loại đó - bao gồm cả thợ kim hoàn, ngân hàng và các công ty điện tử (sử dụng vàng cho các linh kiện, vi mạch), cá nhân - đều có nguy cơ vô tình vi phạm các quy tắc toàn cầu được thiết kế để kiểm soát, ngăn chặn lưu hành kim loại quý không rõ nguồn gốc hoặc liên quan đến hoạt động tội phạm.

Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đang xây dựng các quy định để buộc các ngân hàng và nhà sản xuất trang sức, điện tử phải có trách nhiệm hơn đối với các nhà cung cấp khoáng sản. Ví dụ, một điều khoản trong Đạo luật Dodd-Frank được Mỹ thông qua bắt buộc các công ty Mỹ phải khai báo để chứng minh vàng mà họ sử dụng không đến từ các quốc gia chìm trong xung đột ở Trung Phi.

Richard Hayes, Giám đốc điều hành của Perth Mint ở Australia, một trong những nhà tinh chế vàng lớn nhất thế giới, cho biết công ty của ông không phát hiện những thỏi vàng giả nhãn hiệu Perth Mint. Nhưng, từ những phát hiện của các nhà tinh chế vàng khác, ông Hayes không nghi ngờ gì nữa việc vàng đóng dấu giả đang lưu hành.

“Đó là một trong những cách khôn ngoan để rửa vàng xung đột”, ông nói. "Vàng là thật, nhưng nó không có nguồn gốc về mặt pháp lý và đạo đức ... Chúng trông hoàn toàn chính hãng, được thử nghiệm chính xác và cũng có trọng lượng chính xác”.

Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới - Ảnh 6.

Thợ mỏ tại một mỏ vàng không phép ở Nsuaem, Ghana ngày 24/11/2018. Ảnh: Reuters

J.P. Morgan cung cấp vàng từ các nhà tinh chế lớn cho nhiều ngân hàng, thợ kim hoàn và nhà đầu tư lớn nhất thế giới, và việc phát hiện ra các thỏi vàng đóng dấu giả trong kho của họ đã kích hoạt một cuộc tổng kiểm tra về số vàng mà tập đoàn này nắm giữ, một số nguồn tin cho biết. Chiến dịch kiểm tra này đã phát hiện khoảng 50 thỏi vàng làm giả nhãn hiệu. Nguồn tin khác cho rằng con số có thể lên tới hàng trăm, nhưng J.P. Morgan không đưa ra bình luận.

Những người thạo việc trong ngành vàng cho biết, vàng thỏi đóng mác giả có chất lượng cao, có nghĩa là chúng được tổ chức sản xuất tốt. Một phân tích về luồng dịch chuyển của các thỏi vàng giả cho thấy chúng đã được sản xuất ở châu Á. Nhưng vàng bên trong những thỏi đó có thể đã được nấu chảy nhiều lần sau khi được khai thác ở bất cứ đâu trên thế giới.

Vàng ‘bẩn’ đội mác giả luồn vào thị trường thế giới - Ảnh 7.

Nhân viên xếp các thoi vàng lên máy trước khi đóng dấu tại nhà máy tinh chế vàng Argor Heraeus SA ở Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Số lượng các thanh vàng giả được tìm thấy đã giảm kể từ năm 2017. Nhưng các nhà tinh chế nói rằng vàng giả mạo đang ngày càng tinh vi, vì vậy thực tế vấn đề có thể đã nghiêm trọng hơn.

Năm 2017, nhà phân tích Mesaric thuộc hãng tinh chế vàng Valcambi (Thụy Sĩ) cho biết, hàng trăm thanh vàng được tìm thấy đóng dấu với cùng một số nhận dạng. Các dấu khắc cũng có lỗi chính tả, sai sót trong hình ảnh logo, hay bản khắc quá sâu hoặc nông.

Ngày nay, các dấu đóng trên thỏi vàng giả được chế tạo chính xác hơn, có thể nhờ sử dụng máy móc tinh vi, ông Mesaric nói. Vẫn có thể có những lỗi, chẳng hạn như vết lõm từ dụng cụ kẹp tự động hoặc sự không hoàn hảo trong khuôn đúc. Nhưng những điều này rất dễ bị bỏ qua.

Cách đáng tin cậy nhất để xác định hàng giả là kiểm tra độ tinh khiết của chúng. Vàng có sẵn trên thị trường thế giới được sản xuất ở các mức độ tinh khiết khác nhau: Đối với các thỏi vàng kilobar được sản xuất chuyên nghiệp, tiêu chuẩn phổ biến nhất là 99,99% - hay còn gọi là vàng “bốn số 9”. Một phân tích về ba thanh vàng giả có nhãn hiệu của một nhà máy tinh chế Thụy Sĩ cho thấy hai trong số đó đạt 99,98% vàng nguyên chất và thanh thứ ba đạt 99,90%.

Hải quan Thuỵ Sĩ cho biết trong 655 thỏi vàng nghi giả được báo cáo lên công tố viên ở Ticino, độ tinh khiết của một số thỏi giảm xuống dưới 99,99%.

“Mức độ làm giả đang trở nên rất tinh vi. Ngay cả với chúng tôi cũng khó phát hiện. Tuy nhiên, vàng giả vẫn kém tinh khiết hơn bởi những người làm giả không có đủ thiết bị như chúng tôi có”, một giám đốc nhà máy tinh chế vàng Thuỵ Sĩ không công khai danh tính cho biết.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại