Trong bài thơ Quốc tộ, Thiền sư Pháp Thuận đã khẳng định giang san bền vững với một nền thái bình muôn thuở, trong đó nhà vua lấy đức để trị.
Bài thơ mang ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện tập trung qua những nhãn tự như Quốc tộ, thái bình, vô vi…
1.
Bài thơ Quốc tộ ra đời dưới triều đại vua Lê Đại Hành - Lê Hoàn. Sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc do nội chiến “Mười hai sứ quân” và sự thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng sau khi đánh tan cuộc xâm lược nhà Tống năm 981, đất nước ta bước vào thời ổn định. Vua Lê Đại Hành muốn xây dựng một vương triều phong kiến vững mạnh, một quốc gia hùng cường.
Xuất phát từ niềm ước mong và trăn trở đó, một lần Lê Hoàn đã hỏi Thiền sư Pháp Thuận về vận nước. Thiền sư trả lời nhà vua bằng bài thơ Quốc tộ.
Quốc tộ
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh
Dịch thơ:
Vận nước
Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Chốn chốn dứt binh đao
Nội dung bài thơ có liên quan đến người hỏi và người trả lời. Vấn đề là tại sao vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước đoản trường (nguyên văn “Đế thường vấn sư dĩ quốc tộ đoản trường”) đây cũng có dụng ý ngấm ngầm hỏi về sự dài ngắn của ngôi vị đế vương (dòng họ Lê làm vua được bao lâu) và trong câu trả lời của Đỗ Pháp Thuận lại có hai chữ vô vi?
Tranh vẽ Thiền sư Pháp Thuận. Ảnh minh họa 2.
Quốc tộ là bài thơ giàu sắc thái chính luận, viết về vấn đề chính trị xã hội của đất nước. Để trả lời nhà vua “hỏi về vận nước ngắn dài”, nhà thơ đã lấy ngôn từ giản dị mà thâm thúy, bày tỏ chính kiến của mình.
Hai câu thơ đầu mượn hình tượng thiên nhiên để nói về vận nước. Nghệ thuật so sánh như dây mây leo quấn quýt nói lên sự bền chặt, dài lâu và phát triển thịnh vượng.
“Quốc tộ như đằng lạc” (Vận nước như mây cuốn). “Quốc tộ” có nhiều nghĩa, nhưng trong văn cảnh cụ thể này được hiểu là vận mệnh quốc gia. Quốc tộ là vận nước mà vua Lê Đại Hành thao thức trông chờ, có gì khác hơn sự quấn quýt của những sợi dây mây? Sự kết hợp hài hòa giữa nhân dân và vua. Vận nước được dài lâu, thịnh trị khi biết kết hợp lòng người. Dây mây mong manh nhưng rất bền chặt lại biết tương thân tương ái cộng sinh, khác với nhiều cây khác. Dù là cây đại thụ nhưng mọc nơi cố định, biệt lập đứng riêng một mình một cõi, mất khả năng di động, biến hóa khi tương sinh, còn dây mây tuy nhỏ nhưng có thể trói cả rừng già.
Đó là ý nghĩa đoàn kết dân tộc, kết hợp toàn dân, trong câu thơ đầu mà cũng là trách nhiệm ưu tiên của người cầm quyền. Nhờ sự đoàn kết bất phân nguồn gốc, giới tính, chính kiến, ý thức tự chủ dân tộc mới được hình thành, mở ra nước Việt Nam thái bình và hùng cường dưới cõi trời Nam: “Nam thiên lý thái bình” (Trời Nam mở thái bình).
Thái bình là rất bình yên, thịnh trị. Nghĩa là một đất nước thanh bình, yên vui, không bạo lực, không xung đột chiến tranh. Câu thơ thể hiện niềm tin của tác giả vào vận nước. Hai câu thơ đầu phản ánh một tâm trạng phơi phới một niềm vui, niềm tự hào lạc quan.
3.
Hai câu thơ cuối nói về đường lối trị nước. Chữ cư trong “…cư điện các” không hiểu đơn thuần là “ở nơi điện các”, mà còn có nghĩa là cư xử, điều hành. “Điện các” là chỉ nơi cung điện, triều đình - ở đây có nghĩa là nơi triều chính điều hành chính sự.
Hai chữ quan trọng nhất của bài thơ Quốc tộ là hai chữ vô vi trong câu thơ thứ ba. Vô vi là nhãn tự hàm ý uyên thâm.
Thông thường nói đến vô vi, nhiều người quan niệm là không làm chi cả, theo điệu: “Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lo kỳ sinh” (Đời như giấc mộng lớn, chuyện chi lo lắng dấn thân cho mệt?). Trong Đạo đức kinh Lão Tử định nghĩa vô vi là “làm cái không làm tức chẳng điều gì mà không sửa sang” (vi vô vi tác vô bất trị) hoặc đạo thường vốn không làm gì nhưng chẳng việc gì là nó không làm. Nếu bậc Hầu vương nào giữ được đạo như thế, muôn loài sẽ tự biến hóa đổi thay” (Đạo thường vô vi nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa).
Như vậy, cách hiểu vô vi của Đạo Lão là không can thiệp, không áp đặt mà thuận theo tự nhiên. Con người cần phải “nương theo tự nhiên” mà hành động ứng xử, coi vô là trên hết, là cội nguồn đáng quý trọng hơn cả - Lão Tử chủ trương “thượng vô” (quý trọng cái vô).
Cho nên, từ vô vi, chúng ta thấy trong tư tưởng Đạo gia còn có cả “vô kỉ” (không lấy bản thân mình làm điểm xuất phát, làm đích, làm chuẩn; lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, “dĩ bách tính tâm vi tâm”; không phân biệt ta với người, hòa nhập mọi cảnh huống của đồng loại); vô thân (quên cả thân mình vì đạo lớn); vô công (làm việc thành công không kể công lao); vô danh (làm việc thành công nhưng lại không muốn được nêu danh tiếng với đời); vô tư (không chỉ vì mình, không hành động chiến hữu cho riêng mình).
Trong những điều kể trên có tư tưởng xuất thế, lánh đời, không phù hợp với quan điểm của vua Lê Đại Hành, người mang tư tưởng Nho gia vốn là tư tưởng nhập thế. Hai chữ vô vi trong bài thơ Quốc tộ không chỉ mang tinh thần của Đạo Lão, mặc dù Đạo Lão thường được hiểu gắn liền với hai chữ vô vi.
Vấn đề tiếp theo là hai chữ vô vi có trong Phật giáo không? Chúng ta đều biết Pháp Thuận là một thiền sư còn Lê Hoàn là một hoàng đế mang trong mình tư tưởng kinh bang tế thế của Nho gia, song cũng là một tín đồ của đạo Phật. Ông rất coi trọng các nhà tu hành, nhất là các bậc đại giác, thông hiểu Nho học, tài cao đức cả như thiền sư Đỗ Pháp Thuận (thân xuất gia nhưng lòng vẫn quan tâm đến chính sự vì bản chất của đạo Phật, đặc biệt đạo Phật ở Việt Nam thường có tư tưởng nhập thế). Đó là lí do tại sao Lê Hoàn lại hỏi Pháp Thuận về vận nước.
Ánh sáng của đạo Phật đến Việt Nam từ thế kỷ thứ I và đã hòa nhập vào lòng dân tộc Việt Nam tạo nên trang sử oanh liệt, mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc vững vàng cho đất nước. Trong lịch sử Việt Nam các vị thiền sư của Phật giáo luôn luôn có mặt và gắn bó với các triều đại: Nhà Đinh, nhà tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần… trong đó có các vị thiền sư mà bất cứ một người viết sử nào cũng không thể bỏ qua. Chính lúc Lê Đại Hành ở ngôi đã có nhờ Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận… là những vị thiền sư bác học, đạo đức cao thâm, cùng chung giúp sức, cố vấn, tham mưu.
Các thiền sư Phật giáo đem thân cứu độ sinh linh, trần thế với quá trình dựng nước, mở nước, rồi giữ nước từ thời Hai Bà Trưng trải đến thời đại thống nhất cơ đồ Đinh, Lê. Lẽ nào các thiền sư lại chủ trương sự tự thủ bàng quan, dửng dưng sống chết mặc dân, vô vi như thế? Huống chi quan điểm Phật giáo không hề chủ trương vô vi theo nghĩa đen không làm gì cả.
Vô vi không có nghĩa là không làm gì hết, mà có nghĩa là làm mà không có tư dục, không có tư tâm. Ngồi ở ngôi cao cai trị muôn dân với một tinh thần vô vi, vị tha trị nước, không có tư dục, không có tư tâm, tất nhiên nước sẽ yên dân sẽ bình, không có sự rối rắm và không có giặc giã nổi lên.
Như vậy theo tinh thần Nho giáo, hai chữ vô vi mà Thiền sư Pháp Thuận nói trong bài Quốc tộ có nghĩa là khuyên Lê Hoàn muốn thiên hạ thái bình thì còn cần phải lấy tinh thần nhân nghĩa của Nho gia làm trọng, lấy đức để cảm hóa dân, xuất phát từ lợi ích chung của quốc gia mà hành xử, đặt lợi ích của xã tắc, của nhân dân trên hết. Vô vi của Khổng Tử là không bày đặt ra, không tổ chức cái gì làm phiền hà, làm khó nhọc người dân. Đây cũng là thiên nhân hợp nhất, có đức thì trị được, thì người ta hóa theo.
Vô vi ở trong bài thơ chủ yếu là thể hiện theo phương châm đức trị - cai trị bằng cách phát huy tác dụng đức độ của người cầm quyền: “Cai trị dân bằng chính lệnh, đưa dân vào khuôn phép bằng hình phạt, người dân sợ mà tránh điều tội nhưng trở nên vô sỉ. Dắt dẫn dân bằng đức độ, đưa dân vào khuôn phép bằng lễ, người dân sẽ biết xấu hổ (mà không làm bậy) mà lại có chí hướng vươn lên đến chỗ hoàn thiện” (Khổng Tử).
Trong bài thơ Quốc tộ, Thiền sư Pháp Thuận đã khẳng định giang san bền vững với một nền thái bình muôn thuở, trong đó nhà vua lấy đức để trị. Trả lời vua với bốn câu thơ như thế, với nội dung như thế, Đỗ Pháp Thuận là thiền sư - thi sĩ đầu tiên thể hiện lí tưởng thái bình muôn thuở của Cồ Đại Việt thời đại vua Lê Đại Hành.
Ý nghĩa vô vi trong “Vô vi trên điện các” của bài “Vận nước” biểu hiện con đường hành động trong truyền thống phương Đông, đề xuất một mẫu người lý tưởng lắng diệt các niệm (tức là vứt bỏ các cố chấp, thiên kiến, nhị biên), có trí và đức để lãnh đạo đất nước, thì mới chấm dứt tranh chấp, chiến tranh, mở ra kỷ nguyên thái bình thịnh trị. Bài học này không chỉ mở ra con đường chính trị cho đất nước ta ở thế kỷ thứ X mà đến nay vẫn còn giá trị tư tưởng và hành động.