Các hành vi hack tài khoản, ăn trộm danh tính hay phá vỡ bảo mật đã trở nên quá đỗi phổ biến với chúng ta.
Điều này đã càng thôi thúc nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Binghamton công bố công trình đầy tính đột phá của mình trong lĩnh vực nhận dạng điện tử, với tính năng thay thế mật khẩu, số PIN và thậm chí cả vân tay.
Cụ thể, họ cho 50 tình nguyện viên nhìn vào 500 bức ảnh khác nhau, từ hình một miếng pizza cho đến hình diễn viên Anne Hathaway. Cùng lúc đó, họ ghi lại hoạt động não bộ của các tình nguyện viên. Họ nhận thấy rằng bộ não của từng cá thể phản ứng rất khác nhau đối với mỗi hình ảnh.
Phần mềm máy tính các nhà nghiên cứu sử dụng giúp họ có thể phân tích các kết quả đáp ứng và dùng những kết quả này để xác định "con dấu não bộ" của một người với độ chính xác 100%.
Phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Binghamton, Sarah Laszlo giải thích rằng, việc nhận dạng qua các đặc trưng của não bộ có nhiều lợi thế hơn so với việc quét vân tay điện tử. Với dấu vân tay, nếu mật khẩu bị đánh cắp, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất nó vĩnh viễn.
Nhưng, khác với dấu vân tay vốn mang những đặc trưng về thực thể và hình ảnh, các đặc trưng về não bộ lại mang tính chất thông số nhiều hơn, do đó, nếu bị mất, bạn chỉ đơn giản xóa đi và đặt lại mật khẩu khác.
Nhưng một hệ thống “vân não” hoàn chỉnh vẫn là một thứ cần phải chờ đợi.
Tuy nhiên, ngay lúc này đây, nhà nghiên cứu Violeta Tulceanu tại Đại học Iasi, Romania, cũng đang phát triển một hệ thống phân tích sóng não của người, không chỉ để xác minh danh tính, mà còn để đánh giá trạng thái tinh thần của họ.
Ý tưởng ở đây là phát triển một loại cảm xúc đặc trưng cho mỗi người - nghĩa là các mẫu sóng não của người đó khi học trải nghiệm những cảm xúc khác nhau như hạnh phúc hay sợ hãi hoặc những cảm xúc khác.
Hệ thống này có thể từ chối truy cập nếu người sử dụng đang căng thẳng thần kinh, ví dụ như khi bị ép mở máy rút tiền tự động hoặc mở khóa điện tử.
Không chỉ vậy, hệ thống vân tay cảm xúc này còn có thể nhận ra tình trạng không đáng tin cậy khi người dùng say hay dùng các loại chất kích thích.
Bài báo của Tulceanu trên tạp chí International Journal of Advanced Intelligence Paradigms cho biết hệ thống nhận dạng sóng não dựa trên cảm xúc có thể trở nên ngày càng tinh vi hơn khi nó thu thập được nhiều dữ liệu hơn về cảm xúc của con người.
Nếu thành công, đây sẽ là bước đột phá nền tảng cho sự bảo mật trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quân sự, y tế, giáo dục… Hãy cùng chờ xem, sau 5 năm nữa, liệu “con dấu não bộ” này có được ứng dụng trên chiếc iPhone đời mới nhất hay không.
Tham khảo: Howstuffworks