Sau khi “Giai điệu tự hào” được phát sóng trên VTV, trên các diễn đàn, nhà văn Trang Hạ (khách mời bình luận chương trình) bị công chúng phản ứng mạnh mẽ, bị cư dân mạng “ném đá” tơi bời vì họ cho rằng những nhận xét của cô đã lãng quên quá khứ...
Nhà văn “ăn”… mắng!
Trên các diễn đàn đã có hàng trăm bình luận “sốc” liên quan đến các khách mời. Nhiều cư dân mạng còn thả cửa văng tục, chửi bậy để thể hiện sự bức xúc. Rất nhiều những bình luận kiểu như: “Không khác gì lấy pizza chấm vào mắm tôm. Người ta cảm thụ nghệ thuật phải đặt vào hệ quy chiếu của quá khứ, của lịch sử chứ…”; “Bài ca năm tấn hay như vậy mà nhà văn Trang Hạ nói làm tôi quá thất vọng”…
“Những năm tháng ấy cả dân tộc ở hậu phương dành dụm từng hạt thóc để tiếp sức cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là xấu hổ trong thế hệ hiện nay có người mang danh là nhà văn mà lại hồ đồ quên hết quá khứ xương máu mà cha ông để lại cho thế hệ chúng ta…'', nickname Doan Hieu bức xúc.
Có những bình luận mang tính mai mỉa như: “Trang Hạ nói, mà mấy anh chị ngồi trên phải quay lại nhìn. Nhà văn kiểu gì mà đến cái tinh thần cũng không nhận ra, chỉ nhìn thấy cái xác của câu chữ, cân đo đong đếm câu chữ. P/S: Vâng, chị ấy là người thành phố có trách nhiệm”, nickname Lavie Ngọc nói.
“Trang Hạ nói khó nghe quá! Nhà văn khi nói trước công luận thì phải nghĩ một chút? Giai điệu bài hát này, thập kỷ đó khi đất nước chìm trong bom đạn, tiền tuyến cần lương thực, bài hát có tác dụng phát động phong trào. Cô nhà văn này sinh sau đẻ muộn không trân trọng thành quả ông bà đã phải gánh chịu mà chỉ biết hưởng thụ...”, nickname Hoa Nguyen phản ứng.
Có người còn tỏ ra bức xúc khi phân tích cả một đoạn dài: “Làm tổn thương xã hội này”, nhà văn tên Hạ nói như đấm vào tai. Bài hát “Bài ca 5 tấn” cổ vũ tinh thần người nông dân hăng say sản xuất, cấy cày. Sao lại có thể làm tổn thương xã hội ngày nay? Liệu cổ vũ cho người nông dân hăng say sản xuất là làm tổn thương xã hội ngày nay chăng?... Trang Hạ liên tưởng hình ảnh “lấy cái mông con trâu làm thước ngắm” thật là thô thiển và khiếm nhã.
Bình thường đang ngồi tán gẫu bạn bè, nói câu ấy cũng không sao, nhưng đang bình luận về bài hát thì thật là quá xúc phạm tác giả… Ôi thật là thảm họa. Từ bài hát “Bài ca năm tấn”, Trang Hạ liên tưởng tới mông trâu và thế hệ trẻ... Từ kỷ vật chiếc kẻng, Trang Hạ phán một câu “còn các bạn trẻ thành phố chưa nhìn thấy, nghe thấy tiếng kẻng thì thể nào các bạn cũng nghe tới câu nói “ăn cơm trước kẻng”. Ừ nhỉ? Nghe cũng có từ kẻng đấy! Nhưng kẻng đấy nói toạc ra là tình dục, là chuyện chăn gối. Sự liên tưởng quái dị?”…, nickname Suaxungxinh bình luận.
“Sau khi nghe 2 lần chương trình “Giai điệu tự hào” tôi thấy chương trình cần phải xem xét nhân cách một số khách mời. Nhà văn Trang Hạ không hiểu sự khó khăn của thời chiến tranh, bài hát cổ vũ tinh thần của bà con nông dân...”, nickname Vu Dinh Hien gay gắt. Thậm chí, một nickname khác mang tên Yêu Việt Nam còn bức xúc “đề nghị” một số khách mời “ra khỏi chương trình này”!
Chính Trang Hạ cũng thấy… phản cảm!
Nhà văn Trang Hạ, sau khi chương trình “Giai điệu tự hào” phát sóng, đã vấp phải những phản hồi của người xem truyền hình cả nước, nghĩ gì và sẽ tiếp tục nhận xét như thế nào trong các chương trình tiếp theo?
“Tôi không đọc các diễn đàn nhưng tôi có theo dõi trên fanpage của chương trình và đối với các diễn đàn thì tôi biết chắc chắn sẽ bị khán, thính giả phản ứng như thế. Chính tôi còn thấy phản cảm nữa là người xem truyền hình”, nhà văn Trang Hạ không hề ngạc nhiên khi được hỏi có biết cư dân mạng đang phản ứng dữ dội về phần bình luận của chị.
Trang Hạ khẳng định: “Ngay khi xem chương trình đầu tiên, tôi đã bị “sốc nặng”. Không khí của chương trình thực tế và chương trình trên truyền hình khác hẳn nhau. Khi quay ở trường quay, cả ekip phải làm việc 9 tiếng đồng hồ liên tục để quay xong được một chương trình nhưng khi lên sóng thì tất cả thời lượng chỉ có 90 phút, cho nên việc dẫn đến sự phản ứng của khán giả như thế là hoàn toàn dễ hiểu. Có những câu nói, hoặc những kỷ vật lẽ ra phải cần đến sự bình luận nhiều chiều và đủ thời lượng nhưng khi sóng nhà đài không cho phép thì thành ra như thế. Ở chương trình số 2, kỷ vật chiếc khăn tay còn không được nói đến một câu nào, chỉ có đúng một lời giới thiệu. Còn câu chuyện liên quan đến chiếc kẻng trong chương trình số 1 của tôi thì bị cắt hết, chỉ còn lại mỗi câu “ăn cơm trước kẻng”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều khán giả “ném đá” khách mời, dòng chủ lưu khán giả là những người yêu thích chương trình “Giai điệu tự hào”. Họ cho rằng các ca khúc cách mạng trước đây chỉ được trình diễn trong những chương trình mang tính chất cổ động và không thu hút được nhiều khán giả trẻ yêu thích, thì nay trở thành chất dẫn truyện, đưa đến cho người xem những cảm xúc tuyệt vời, cộng thêm cả những bình luận trái chiều đối lập nhau như vậy nên họ thấy rất thú vị.
Sẽ chỉ nói trong vòng… 20 giây
“Ngay khi khi xem chương trình đầu tiên, tôi đã hiểu rằng với các chương trình sau, mình chỉ có thể nói trong vòng 20 giây thôi. Không thể tham lam nói dài được. Tôi không có hy vọng trình diễn bản thân, trình diễn cá tính trên truyền hình hoặc trở nên khác người. Tôi mong muốn câu trả lời của tôi phải có đủ năm yếu tố: Quan tâm đến thời cuộc, hiểu biết về lịch sử, có cảm xúc về nghệ thuật, trân trọng những giá trị của các thế hệ đi trước và muốn gửi gắm thông điệp với giới trẻ rằng ca khúc là cầu nối khiến chúng ta hiểu nhau hơn”.
(Nhà văn Trang Hạ)