Các đài truyền hình trên khắp thế giới đang bị "thao túng" bởi các Reality TV show (show truyền hình thực tế) và khán giả đang dần quay lưng với những gameshow cổ điển đã từng là "mốt" ở những thập niên trước. Thực tế này cũng đang đúng với tình hình hiện tại của các đài truyền hình Việt.
Tuy chúng ta chỉ thực sự biết đến khái niệm "các trò chơi trên truyền hình" từ cuối thập niên 90 (trong khi đó là quãng thời gian cả thế giới đã bước sang một khái niệm hiện đại hơn là "truyền hình thực tế") nhưng các công ty truyền thông tại Việt Nam cũng rất bắt nhịp khi liên tục nhập ồ ạt về các reality show để phục vụ cho nhu cầu thay đổi chóng mặt của khán giả. Như vậy là, chưa đến 10 năm, các gameshow cổ điển đã gần như "hấp hối" và nhường vị trí thống lĩnh nhu cầu giải trí cho reality show. Nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi đến chóng mặt này?
Format của gameshow đã quá cũ kĩ
Khi SV96 bắt đầu lên sóng VTV cách đây 17 năm, gameshow này gần như đã tạo nên một hiện tượng trên khắp cả nước. Lần đầu khán giả truyền hình được xem một chương trình mang đậm tính giải trí, có tính tương tác giữa các đội chơi và hừng hực khí thế của người trẻ - thứ mà các chương trình thường thức và mang tính giáo điều đến buồn ngủ thời đó không làm được. Những tên tuổi như MC Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan hay các nghệ sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung, Bức Tường cũng nổi lên hẳn từ ảnh hưởng của chương trình này. Ngay sau đó, VTV tiếp tục cho ra đời loạt những gameshow hấp dẫn không kém như Đường Lên Đỉnh Olympia, Chiến Nón Kì Diệu đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu với các gia đình Việt.
Tuy nhiên, khi mà reality show - một format "thông minh" hơn gameshow ra đời, một sự so sánh của khán giả đã xảy ra, và người ta rõ ràng thích reality show hơn. Sự khác nhau đầu tiên là tính tương tác. Nếu gameshow chỉ là tương tác giữa các người chơi, khán giả truyền hình đóng vai trò thụ động thì reality show, quyền lực của khán giả nhiều hơn: họ có quyền thể hiện sự ủng hộ người chơi bằng tin nhắn, bằng các cơn bão truyền thông, thậm chí nhà sản xuất sẵn sàng thay đổi kịch bản đề chiều lòng khán giả. Thứ 2 là đối với gameshow, khán giả truyền hình không cảm nhận được sự gần gũi bằng các show thực tế. Người ta có thể ngưỡng mộ một thí sinh đoạt giải nhất Olympia nhưng số lượng người nhớ tên Xuân Lan dữ dằn trong Vietnam's Next Top Model hay "cuộc chiến HLV" tại The Voice Việt lại nhiều hơn rất nhiều.
VTV "thất bại" trên sân nhà
Nhìn vào lịch phát sóng những giờ vàng hay cuối tuần của VTV có thể thấy đài truyền hình lớn nhất Việt Nam này đã hoàn toàn bị "thao túng" bởi tất cả các show thực tế của các hãng truyền thông tư nhân. Những gameshow thuần Việt hay các show thực tế do đài này nghĩ ra format vừa không thể cạnh tranh được về độ hấp dẫn của những chương trình có format nước ngoài, vừa chả có giờ đẹp để "nhảy" vào. MC Lại Văn Sâm cũng đã phải thốt lên: "Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thua “trắng bụng” trước các công ty truyền thông tư nhân ngay trên sóng của mình". Và cũng chính vì chỉ là một đơn vị cho "thuê sóng" nên VTV không thể kiểm soát được những scandal - "đặc sản" mà hầu hết các reality show nào về Việt Nam cũng "chiêu đãi" khán giả.
Với tình trạng như vậy thì các reality show còn phải cạnh tranh khốc liệt với nhau thì làm gì đến lượt các gameshow cũ kĩ nhảy vào cuộc chiến tranh giành rating. Thậm chí, đôi khi các show không ăn khách còn bị "đá" ra khỏi VTV để nhường giờ đẹp cho các reality show hàng top như trường hợp Sao Mai - Điểm Hẹn đã bị chuyển từ VTV3 sang VTV6.
Reality show có át chủ bài là sao giải trí
Nếu các phần thi của gameshow chỉ chú trọng nội dung và các kiến thức muốn truyền đạt đến khán giả thì show thực tế còn có thêm thành phần người chơi là các ngôi sao giải trí. Thử hỏi, chưa kể đến format mới lạ, cho dù chỉ so sánh về một bên là các người chơi bình thường (gameshow) và một bên là người của công chúng (reality show) thì kết quả cũng biết rating sẽ nghiêng về phía nào.
Những mùa Bước Nhảy Hoàn Vũ, Cặp Đôi Hoàn Hảo ồn ào với người chơi đều là nghệ sĩ giải trí đã chứng minh được độ ăn khách của chương trình qua các slot quảng cáo ngập chương trình. Các gameshow họa may các nghệ sĩ chỉ đến góp vui làm khách mời chứ ít khi có các trường hợp sẽ tham gia xông xáo như những gì diễn ra trong reality show. Chính vì sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các reality show nên trong thực tế, các ngôi sao còn phải xếp hàng chờ đến lượt được tham gia chương trình vì đây là cơ hội hâm nóng tên tuổi hiệu quả nhất.
Kết
Gameshow hay các reality show đều có những vị trí nhất định trong thực đơn giải trí của khán giả Việt. Tuy cán cân có nghiêng về những người làm show thực tế thì các gameshow vẫn giữ được một bộ phận khán giả trung thành với mình. Cái cần thiết lúc này có lẽ là những giá trị mà những chương trình này mang lại cho công chúng. Thời gian sẽ chứng minh đâu là lựa chọn của khán giả.