Trai đẹp, bức hình dây điện Bill Gates và... rổ đá!

Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam |

(Soha.vn) - Hai sự kiện nhìn bề ngoài chẳng ăn nhập gì nhau nhưng thực ra lại có liên hệ mật thiết. Câu chuyện thứ nhất là anh chàng Ả rập đẹp trai và bức hình dây điện Bill Gates.

LTS: Nhân sự kiện ' trai đẹp bị trục xuất' sang Việt Nam, ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện quản lý Việt Nam đã có góc nhìn thú vị gửi tới BBT. Chúng tôi xin được đăng tải lại bài viết này.

"Truyền thông và sự kiện luôn luôn đi cùng với nhau như hai mặt của một vấn đề. Truyền thông cần sự kiện để tồn tại và sự kiện cần truyền thông để lan tỏa. Quan hệ nhân quả này như con gà và quả trứng.

Trong tuần này có hai sự kiện nhìn bề ngoài chẳng ăn nhập gì nhau nhưng thực ra lại có liên hệ mật thiết. Câu chuyện thứ nhất là anh chàng “đẹp trai” từ xứ huyền bí Trung Đông ghé thăm Việt Nam và sự kiện Bill Gates đưa tấm hình “mạng nhện” của Việt Nam lên Facebook.

Không ít nam thanh nữ tú Việt Nam hân hoan chào đón anh chàng “ đẹp trai” tới Việt Nam. Tuy chưa đạt như mức fan cuồng nhưng cũng gây xôn xao dư luận và khá hot trên các phương tiện thông tấn, báo chí. 

Tuy nhiên, tình hình lại trái ngược với tấm ảnh “mạng nhện” của Bill Gates khi bị lãnh nguyên một rổ gạch đá thậm chí một số từ ngữ Đan Mạch từ giới Facebook Việt Nam.

Hiện tượng “ trai đẹp” bị xẹp  không như mong muốn của ban tổ chức.
Hiện tượng “ trai đẹp” bị xẹp không như mong muốn của ban tổ chức.

Hai câu chuyện trên đã thể hiện một vấn đề rất đáng quan ngại đó là những giá trị sống bị đảo lộn trong giới trẻ. Các dân tộc và thế hệ có thể khác nhau về những quan điểm nhưng giá trị chung và cốt lõi cần phải giống nhau. 

Quan trọng hơn các cá nhân trong xã hội cần phải có đủ minh triết đánh giá cái gì tốt, cái gì xấu để bày tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối hoặc chí ít là không tán thành.

Sự minh triết trong giới trẻ Việt Nam ngày nay dường như rất thấp so với mặt bằng đáng phải có. Đây chính là kết quả và cũng là dấu hiệu cảnh báo của hệ thống giáo dục của chúng ta khi chỉ tập trung dậy về phần “xác” kết quả - điểm thi, thay vì phần “hồn”– năng lực công dân.

Một suy nghĩ chân tình và thiện chí của Bill Gates khi muốn giúp Việt Nam và các nước phát triển có thể thay đổi hệ thống điện để có cuộc sống tốt đẹp hơn, lại bị giới trẻ Việt Nam chiêm nghiệm như lời phê phán không tốt về Việt Nam để rồi liên tiếp “ném gạch đá”.

Trong khi, một giá trị không mang lại những lợi ích cho xã hội như quảng cáo một “ trai đẹp” lại được hâm mộ. Cũng thật may, hiện tượng “trai đẹp” bị xẹp không như mong muốn của ban tổ chức. 

Tuy nhiên, theo tác giả, hiện tượng xẹp không phải vì giới trẻ Việt Nam tốt mà lý do vô tình, giới trẻ không thấy trai đẹp hot như mơ ước. Khả năng minh triết vẫn là câu hỏi nhức nhối tại đây.

Sự kiện trai đẹp bị xẹp hoặc Bill Gates bị
Sự kiện trai đẹp bị xẹp hoặc Bill Gates bị "ném đá" truyền tải một thông điệp đáng lo ngại.

Ông cha ta có câu “Đẹp tốt phô ra - xấu xa đậy lại”, internet, facebook, youtube truyền tải những mặt tốt của dân tộc Việt Nam đi xa nhưng các điểm xấu xa còn lan truyền nhanh gấp bội.

 Chắc chắn những tiếng Đan mạch từ một vài thành viên trẻ Việt Nam sẽ bôi xấu hình ảnh nước nhà. Sự tầm thường trong việc đón tiếp một anh chàng đẹp trai sẽ làm tầm thường hóa thương hiệu của Việt Nam – điều mà chúng ta mất rất nhiều công sức xây dựng và vun đắp.

Có nhiều ý kiến lên án ban tổ chức vì sự kiện đem trai đẹp về nước hoặc lên án các bạn trẻ ném gạch đá Bill Gates. Kinh doanh là lợi nhuận. Các nhà kinh doanh luôn luôn đi tìm những cơ hội.

Nếu giới trẻ vẫn tầm thường như vậy thì chắc chắn sẽ còn nhiều sự kiện “trai đẹp” khác tới Việt Nam. Sự kiện trai đẹp bị xẹp hoặc Bill Gates bị ném đá cả rổ truyền tải một thông điệp đáng lo ngại.

Tập thể bạn trẻ với năng lực minh triết như vậy làm thế nào có thể trở thành trụ cột cho Việt Nam trong những năm tới. Giáo dục là gốc rễ của một dân tộc, tuy nhiên, hệ thống giáo dục của chúng ta đang hàng ngày hàng giờ cải tiến nhưng chưa bao giờ thấy ổn trong suốt thời gian qua.

Theo tôi nghĩ, rào chắn bền vững và lâu dài nhất để giải quyết tận gốc hai câu chuyện nói trên chính là việc nhìn nhận hệ thống giáo dục của chúng ta một cách thấu đáo. Có thể 100 % tốt nghiệp THPT làm hài lòng toàn bộ xã hội và các cấp quản lý giáo dục nhưng đó chỉ là con số cho bản thân chúng ta. 

Những gì thế giới bên ngoài nhìn người Việt Nam không phải là tỷ lệ tốt nghiệp THTP hay bao nhiêu phần trăm dân số có bằng đại học. Thước đo giá trị lớn nhất đó chính là học thức - cách ứng xử trong cuộc đời. Đây mới là thước đo chính xác nhất và hiệu quả nhất hệ thống giáo dục của chúng ta".

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại