Trong năm qua, "bác sĩ Cát Tường" là cụm từ gây chấn động dư luận. Từ sự việc một bác sĩ thẩm mỹ làm chết người rồi vứt xác phi tang, đến những cuộc tìm kiếm trong vô vọng của gia đình nạn nhân ở sông Hồng đều thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân và các cơ quan chức năng.
Chưa bàn đến mức độ nghiêm trọng của vụ án và những sai phạm của bác sĩ thẩm mỹ Cát Tường, nhưng câu chuyện về đạo đức ngành y và những hệ lụy từ "cơn khát" làm đẹp bằng phẫu thuật vẫn khiến nhiều người hoang mang. Đây cũng được cho là một trong những sự kiện nóng nhất đã xảy ra trong năm vừa qua.
Chính bởi lẽ đó, từ trước khi Táo Quân được công chiếu, nhiều người đã đoán già đoán non, thậm chí khẳng định chắc nịch rằng năm nay nhất định năm nay "Cát Tường" sẽ phải xuất hiện trong chương trình đặc biệt này.
Trong suốt 11 mùa Táo Quân, mô tuýp quen thuộc và chưa bao giờ thay đổi của chương trình này chính là tổng kết hoàng loạt sự kiện nóng xảy ra trong năm. Táo Quân vẫn được cho là tấm gương phản ánh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội... Những bản báo cáo của các Táo giống như một bản tổng kết hoạt động của từng lĩnh vực trong suốt một năm với những vấn đề nổi cộm, nhức nhối.
Không ít người dự đoán rằng Táo Y tế Vân Dung năm 2014 sẽ bị một phen "mất mặt" với hàng loạt lời vạch tội, đá xoáy bởi những vấn đề Y tế nổi cộm gây gây nhức nhối trong năm qua, mà nổi bật là vụ "bác sĩ Cát Tường".
Táo Y tế Vân Dung (áo trắng) trong màn chầu 2014
Tuy nhiên, trong suốt màn báo cáo của Táo Y tế Vân Dung, sau hơn 2 tiếng đồng hồ diễn ra Táo Quân trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam, "bác sĩ Cát Tường" vẫn mặc nhiên không được đề cập sâu.
Vậy, tại sao Táo Quân không đả động đến sự việc?
Thành Trung (người trực tiếp tham gia diễn xuất trong ekip Táo Quân năm nay) cho biết: "Tôi không phải là đạo diễn, càng không phải là người viết kịch bản, vì thế tôi không trả lời được câu này. Đó không phải là quyền hạn của tôi. Quyền quyết định nội dung thuộc về đạo diễn, chúng tôi chỉ là những người làm theo sự chỉ đạo của đạo diễn.
Quan điểm cá nhân tôi thì nghĩ rằng đó chỉ là một hiện tượng chứ không phải là một vấn đề mang tính hệ thống. Nó chỉ là vấn đề đạo đức của cá nhân thôi. Chứ không liên lụy, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của cả xã hội. Người xấu thời nào chẳng có.
Vả lại, đâu phải lúc nào cũng cười được. Có những cái không cười được chứ! Nếu như cứ bóp méo ra để lấy tiếng cười thì chúng tôi không làm được".
Các Táo Quân trong buổi chầu với Ngọc Hoàng
Tự Long - danh hài vào vai Táo Giao thông nêu quan điểm: "Nếu như năm nay mà khoét sâu vào quá thì nó chẳng có gì khác mọi năm. Nhức nhối về mặt Y tế thật đấy, nhưng mà nói ra thì ăn Tết không ngon. Mà những cái đấy là do sự xuống cấp của đạo đức. Tình hình chính trị - kinh tế - xã hội cùng chung như vậy, chứ không riêng gì Y tế đâu".
Táo Y tế Vân Dung (áo trắng)
Táo Quân không đả động tới vụ Cát Tường - có thể vì một lý do khác - đề cao tính nhân văn, không muốn khơi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân. Điều này cũng chính là lý giải của chính Táo Y tế Vân dung khi trả lời câu hỏi trên.
"Theo suy nghĩ của tôi, chúng ta không nên khơi lại nỗi đau mất mát của gia đình chị Huyền. Tôi theo dõi thông tin khá nhiều về sự việc, tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy thi thể chị. Vậy nên, nếu chúng ta lại đưa lại khơi nó lên có lẽ là điều không hay", Vân dung nói.
Táo Y tế cũng tâm sự, trong Táo quân 2014, nỗi khổ của chị là cảnh bị treo ngược trên cao. Khi đó, Vân Dung bị sợi dây thắt vào bụng khiến cho chị tức ngực, nghẹt thở.
"Mỗi lần diễn xong cảnh đó, tôi đã phải ra ngoài để nôn ra vì không chịu nổi", Táo Y tế chia sẻ.