Khi công chúng đã bắt đầu ngán với những bộ phim Việt Nam “na ná Hàn Quốc” thì sự xuất hiện của “Trò đời” nhận được sự quan tâm và chờ đợi của khán giả là điều dễ hiểu. Theo trailer ban đầu thì “Trò đời” được chuyển thể từ 4 tác phẩm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây, Làm đĩ. Nhưng khi phát sóng chính thức thì nội dung trong “Làm đĩ” đã bị loại ra khỏi danh sách.
“Trò đời” hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một “tác phẩm lớn”: Nội dung được chuyển thể từ 3 tác phẩm nổi tiếng của “ông vua ký sự” đất Bắc - Vũ Trọng Phụng, kinh phí đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Hãng phim Đài truyền hình Việt Nam (VFC), một trailer hấp dẫn và lời tự đánh giá của đạo diễn Nhuệ Giang: “phim toàn diện hơn bản phim Số đỏ trước đó”.
Trong tập đầu tiên phát sóng ngày 9/8 vừa qua, bộ phim đã kể ba câu chuyện với những bối cảnh riêng được đan xen vào nhau. Cách làm này thường được sử dụng khi đạo diễn muốn kể nhiều câu chuyện trong cùng một bộ phim. Tuy nhiên, nếu không tiết chế cảnh một cách khéo léo và tạo ra những mối liên kết hợp lý sẽ rất dễ khiến tình tiết câu chuyện bị ngắt khúc và khó theo dõi, thậm chí khiến tính cách nhân vật trở nên mờ nhạt.
Có thể thấy, “Trò đời” đã có sự thay đổi khá rõ bố cục cũng như một số tình tiết trong ba tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Đầu tiên là nhân vật Đũi – một nhân vật chính trong phóng sự “Cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng – đã được thay đổi một phần bối cảnh trên con đường “biến chất”. Theo nguyên tác, năm 13 tuổi Đũi bị một tên Tây – nhân tình của bà chủ đầu tiên - hãm hiếp dưới sự tiếp tay của chính bà chủ để rồi sau đó tha hóa dần, trở thành một kẻ đầy lòng hận thù, sống cuộc đời với mong muốn lớn nhất là trở thành một ả cô đầu, một thứ gái bao cao cấp.
Nhân vật Đũi trong phim (do Bảo Thanh thủ vai) đã được “tăng tuổi” thành một thiếu nữ xinh đẹp khi bắt đầu bước chân đi ở đợ. Có nhiều ý kiến cho rằng, điều này đã làm giảm đi tính chân thực và giá trị tố cáo sự tha hóa của xã hội bấy giờ trong ký sự của Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sự thay đổi này là cần thiết và hợp lý bởi không thể đưa một đứa trẻ 13 tuổi lên phim với những cảnh “nhạy cảm” như vậy.
Bối cảnh đưa đẩy nhà báo Phan Vũ tới với câu chuyện của những “người làm nghề lấy chồng Tây” cũng khác và Xuân tóc đỏ xuất hiện lần đầu tiên với hình ảnh của một tên bán thuốc dạo chứ không phải một kẻ làm nghề nhặt banh trong sân quần vợt. Sự thay đổi này khiến khán giả rất tò mò về ý đồ phát triển câu chuyện của đạo diễn.
Đây là lần đầu tiên hai ký sự “Cơm thầy cơm cô” và “Kỹ nghệ lấy tây” lên phim nên có lẽ khán giả sẽ không có nhiều sự so sánh và đánh giá. Tuy nhiên, với việc chọn tiểu thuyết “Số đỏ” làm cốt truyện trung tâm, “Trò đời” sẽ được khán giả soi xét khắt khe hơn nhiều bởi bộ phim “Số đỏ” trước đó đã rất thành công và được coi là “cái bóng quá lớn” để có thể vượt qua, đặc biệt là với diễn xuất của vai Xuân tóc đỏ.
Trong “Trò đời”, vai diễn khó khăn này được giao cho một diễn viên rất trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề: Việt Bắc. Đây là một sự mạo hiểm và một thách thức lớn bởi Việt Bắc chủ yếu được biết đến với hình ảnh của một diễn viên hài, nhưng Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng không đơn giản chỉ là một kẻ biết pha trò.
Hơn nữa, diễn xuất của diễn viên Quốc Trọng, vai Xuân tóc đỏ - trong phim “Số đỏ” sản xuất năm 1990 của hãng phim Gia Định – vẫn còn in đậm dấu ấn và khó có thể thay thế trong lòng công chúng tới tận bây giờ.
Để “Trò đời” thành công, cái khó là đạo diễn và biên kịch sẽ xoay chuyển như thế nào để tạo một mối liên kết hợp lý cho ba câu chuyện vốn nói về những khía cạnh khác nhau, những vấn đề khác nhau, những tầng lớp khác nhau của xã hội đương thời. Trong khi đó, phim “Số đỏ” trước đó đã có sẵn một cốt truyện thống nhất và toàn vẹn.
“Trò đời” khiến công chúng liên tưởng tới một tác phẩm có thể nói là mẫu mực trong việc tạo sự thống nhất cho những câu chuyện khác nhau trên màn ảnh là “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Đây là bộ phim được chuyển thể từ ba tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao: Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn. Cách mà đạo diễn Phạm Văn Khoa sử dụng để thống nhất bối cảnh của ba câu chuyện là đưa về cùng một không gian (làng Vũ Đại) và có cùng một người kể chuyện (nhân vật thầy giáo Thứ). Nếu theo cách thức này, có thể “Trò đời” sẽ có bối cảnh chung là Hà Nội, và người kể chuyện là nhà báo Phan Vũ – nhân vật đã xuất hiện từ tập đầu tiên.
Một cái khó nữa là sử dụng ngôn ngữ thế nào để khán giả ngày nay có thể hiểu và cảm nhận được sự châm biếm hài hước và sâu sắc trong từng tình tiết, từng lời thoại của những tác phẩm được viết theo lối viết những năm 30 của thế kỷ trước (“Kỹ nghệ lấy Tây” được đăng báo năm 1934, “Cơm thầy cơm cô” và “Số đỏ” đăng báo năm 1936).
Trong “Số đỏ”, lời thoại của các nhân vật được lấy nguyên vẹn từ tiểu thuyết. Còn trong “Trò đời”, các tình tiết mới khi pha trộn ba câu chuyện khác nhau sẽ buộc biên kịch phải sáng tạo nên những lời thoại mới đúng chất Vũ Trọng Phụng.
Khán giả có thể nhận thấy trang phục của các nhân vật được đầu tư khá kỹ lưỡng và phim đã phần nào tái hiện lại thành công những hình ảnh xưa. Tuy nhiên, bối cảnh phim chủ yếu diễn ra trong một không gian hẹp, tại các gian phòng trong các ngôi nhà cổ hoặc một góc phố nhỏ khiến khung cảnh trong phim có phần gò bó. Điều này cũng dễ hiểu khi khó mà tìm ra những không gian rộng lớn hơn để diễn tả hình ảnh của Hà Nội thủa xưa.
Với sự quảng cáo rầm rộ và những nhận xét đầy tự tin của ekip làm phim, khán giả sẽ chờ đợi “Trò đời” liệu có thể ghi tên lên danh sách “phim vàng” của điện ảnh Việt Nam.