Phim Ngọc Trinh đóng nhận nhiều "gạch đá" nhất 2013

Hit: Hoàng tử & Lọ Lem nằm trong danh sách 5 bộ phim dở không thể...dở hơn.

Mùa hè lạnh

phim thảm họa, hài nhảm, mâm xôi vàng, phim Việt
 

Dù được ưu ái lịch chiếu vào một trong những thời điểm lý tưởng nhất trong năm, giáng sinh 2012 và tết dương lịch 2013, tất cả những gì mà Mùa hè lạnh làm được là... dội nước lạnh vào mặt khán giả bằng sự cẩu thả trong cách làm, và một nội dung cố tỏ ra nguy hiểm như cái tên phim. Khán giả gần như "hoa mắt", lạc lối theo hành trình của Hà Việt Dũng trong vai Kiên. Thoắt phút trước anh lao đi tìm mẹ, thì phút sau đã cuốn vào vòng tay của bà chủ khách sạn (Lý Nhã Kỳ đóng) trẻ trung, gợi cảm và có ông chồng "chỉ biết cào cấu vào da thịt" cô.

Để phục vụ ý đồ "nguy hiểm", đùng một cái, phim rời bỏ trật tự tuyến tính để dựng theo cấu trúc các cuộc hỏi cung nhằm lần lại các chi tiết của vụ án xảy ra trong khách sạn. Đến lúc này thì khán giả chỉ biết ngao ngán nhìn nỗ lực ngây ngô đến tội nghiệp của một cơn giật gân hình thức và giả hiệu.

Lọ Lem Sài Gòn

phim thảm họa, hài nhảm, mâm xôi vàng, phim Việt
 

Trước ngày ra mắt 28/5, phim này quảng bá rầm rộ bằng chiêu "hợp tác Hàn Quốc", đặc biệt có sự xuất hiện cậu bé Hàn gốc Việt Psy nhí. Nhưng chú ý càng nhiều, thất vọng càng lớn, bởi tất cả sự ngớ ngẩn và cẩu thả trong nội dung lẫn cách thể hiện của bộ phim gần như lồ lộ, không còn gì để bàn cãi.

Truyện phim đi theo mô típ xưa như trái đất: một ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc phải lòng một cô hầu phòng Việt Nam và gặp nhiều trở ngại trước khi đến được với nhau. Nhưng cũ hay mới không đáng nói bằng cách thể hiện. Bộ phim là thất bại toàn tập từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, đến quay phim, bối cảnh... khiến người xem phải kinh ngạc vì sao người ta có thể làm nên một phim gượng ép và không cần logic như thế!

Hit: Hoàng tử & Lọ Lem

phim thảm họa, hài nhảm, mâm xôi vàng, phim Việt
 

Lại thêm một Lọ Lem nữa khiến người xem phải thất vọng chỉ trong vòng hơn một tháng hè! Nếu đem so với Lọ Lem Sài Gònvề độ ngây ngô và phi logic, bộ phim tiếp theo của đạo diễn Ngô Quang Hải (sau Mùa hè lạnh) hẳn phải một chín một mười. Phim có những yếu tố để PR như đề cập thế giới của dòng nhạc underground, có đủ mặt các hotboy, hotgirl như Yanbi,Midu, Andrea và thậm chí cả Ngọc Trinh trong một cảnh tắm vô thưởng vô phạt câu khách trắng trợn.

Thế nhưng, tất cả không thể cứu vãn nổi và khiến người xem tạm quên đang theo dõi một câu chuyện ngô nghê đến nực cười. Công bằng mà nói Hit: Hoàng tử & Lọ Lem được làm chỉn chu hơn Lọ Lem Sài Gòn. Nhưng câu chuyện nhạt nhẽo, chẳng để lại tí cảm xúc nào ngoài sự bực mình, là yếu tố xứng đáng để phim lọt vào top những phim Việt dở nhất năm 2013.

Săn đàn ông

phim thảm họa, hài nhảm, mâm xôi vàng, phim Việt
 

Không được quảng bá rầm rộ nhưng phim vẫn được báo giới để ý trong tình hình phim Việt ít ỏi và thua thiệt so với phim nhập. Hơn nữa, đây lại là bài tập tốt nghiệp của một sinh viên điện ảnh nhà giàu, có điều kiện làm một phim dài và được phát hành như bất cứ bộ phim của đạo diễn chuyên nghiệp nào. Nhưng nếu phải chọn ra một phim tồi tệ nhất trong năm thì Săn đàn ôngchiếm ưu thế hơn hẳn so với ba phim trên. Bởi chữ “tồi tệ” ở đây không chỉ bao hàm ý nghĩa phim chán, ngớ ngẩn, gượng ép, mà còn cả chuyện thô thiển và nông cạn trên những giá trị nhân văn.

Câu chuyện về bốn cô gái độc thân đi tìm tình yêu gần như làm méo mó hình ảnh của cả một thế hệ trẻ, khi những cô gái có học thức, xinh đẹp, tuổi đời mới chỉ 25, 26 mà “thèm” đàn ông đến nỗi bỏ qua mọi giới hạn của lòng tự trọng để thuê tiếp viên nam khi đi hát karaoke, mê mẩn cả anh chàng thầy bói đồng tính. Không rõ với bài tập này thì chàng đạo diễn trẻ có được tốt nghiệp không, nhưng ít nhất là với công chúng, anh đã mất những điểm đầu tiên trên đường bước tới chuyên nghiệp.

Đại náo học đường

phim thảm họa, hài nhảm, mâm xôi vàng, phim Việt
 

Bộ phim của đạo diễn Lê Bảo Trung có thể chọc cười được khán giả ở một vài chi tiết vụn vặt nhưng tổng thể bộ phim là một phim nhảm nhí đúng nghĩa. Phim có sự tham gia của Hoài Linh, Hoàng Sơn, Chí Tài, trong vai những tay giang hồ mù chữ muốn đi học để cạnh tranh với băng nhóm đối thủ. Đại náo học đường dù không mắc phải những lỗi ngô nghê nhưng vẫn khiến khán giả khó chịu bởi cách làm tô màu, phóng đại đến mức trở thành lố bịch.

Thật khó mà xếp bộ phim dành cho đối tượng khán giả nào vì đạo diễn cố tình lồng chất trẻ con vào bộ dạng những người lớn nhằm tạo tiếng cười. Và điều này khiến phim rất nên dán nhãn "chống chỉ định" dành cho những khán giả không đủ nhảm nhí và hời hợt trước khi vào xem phim.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại