Người trong giới ai cũng biết, cô Bạch Diệp là một đạo diễn cực kỳ nghiêm túc, kỹ tính và rất “dữ” trên trường quay. Với tôi, thì đó còn là một đạo diễn vô cùng tự tin, quyết đoán, có thừa bản lĩnh, và hễ nói là làm. Vì thế, mỗi khi vào việc, cô Bạch Diệp luôn có được lòng tin tuyệt đối từ đồng nghiệp, nhưng cũng khiến cả đoàn phim phải mệt nhoài chạy theo. Ai không bắt kịp, là bị “vĩnh biệt” ngay. Làm phim nào, cô cũng tuyên bố “vĩnh biệt” không ít người, nhưng thực ra có vĩnh biệt được ai đâu.
Tôi rất thương cô Bạch Diệp vì nhiều lẽ, sự mạnh mẽ, quyết liệt và gai góc ấy chỉ là bề ngoài, và chỉ thấy trong công việc. Còn khi về với đời thường, cô yếu đuối lắm, luôn thiếu thốn tình cảm, luôn thèm có người để chia sẻ vui buồn, mà lại phải sống cô đơn quá, bao năm trời cứ thui thủi một mình trong căn nhà vắng lặng.
Nhiều người thắc mắc, cách nhau cả mấy thế hệ, sao chúng tôi lại chơi thân được với nhau, sao mà tôi “Chiều được một người khó tính như cô Diệp”. Mọi người không hiểu đấy thôi. Với những ai thực sự quý mến, cô Diệp luôn đối đãi hết lòng. Tôi nhớ những khi tôi gặp buồn phiền, đêm hôm mưa gió, ngay tức khắc cô có mặt, nhiều khi chỉ là để uống với nhau một cốc rượu cho vơi buồn. Và, đó là một người kỹ chứ không phải khó tính.
Tôi thương cô Bạch Diệp còn vì suốt cả cuộc đời, cô quá yêu công việc. Lúc trẻ, khỏe thì làm phim truyện nhựa, tới khi về hưu, tuổi cao rồi cũng không chịu nghỉ ngơi, lại lao vào phim truyền hình. Cô từng nói với tôi, ước nguyện lớn nhất là được chết trên trường quay. Mấy năm trước, đài truyền hình mời cô làm một một bộ phim về Hà Nội xưa. Nhưng rồi phát hiện bệnh nặng, cô không thể làm phim tiếp được nữa. Chúng tôi đều biết, sớm hay muộn rồi cũng đến ngày chia biệt này. Hôm kia, khi đưa cô Diệp đi cấp cứu, gia đình gọi cho tôi. Tôi đến ngay, nhưng không kịp gặp cô lần cuối. Đêm hôm ấy tôi không thể nào ngủ được. Tôi nghĩ đến căn nhà vắng lặng của cô, nơi biết bao lần mình ghé chân, mà trào nước mắt…
NSND Bạch Diệp tên thật Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội. Năm 1959, bà theo học lớp đạo diễn điện ảnh dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, giải Bông sen bạc tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai. Những bộ phim tiếp theo của bà là Người về đồng cói, Ngày lễ thánh, Câu chuyện làng Dừa, Người chưa biết nói, Huyền thoại mẹ, Ai giận ai thương... Người chồng đầu tiên của bà là thi sĩ Xuân Diệu. Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, bà nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Bà là một trong số nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô.