Cuối năm thường là dịp mà các bầu show rất bận rộn. Ấy vậy mà khán giả vẫn thấy Hồng Vân vừa làm đạo diễn, vừa đóng kịch lại vừa làm MC đều đặn. Phải chăng danh hài Hồng Vân sợ khán giả sẽ dần quên mình khi chị lui vào hậu trường làm bầu show?
Trời ơi! Sao mọi người không nghĩ rằng, tôi miệt mài chạy show đủ các lĩnh vực như vậy để kiếm tiền bù cho sân khấu nhỉ?
Tất nhiên, với những chương trình nghệ thuật thực sự có ý nghĩa, đơn vị tổ chức không làm việc theo kiểu chụp giật thì tôi sẽ tham gia; để những khán giả yêu mến mình vẫn luôn nhớ đến mình. Đây cũng là một mục đích nhưng không phải là tất cả.
Việc tham gia nhiều hoạt động, chương trình như vậy còn là một cách mà tôi đang bươn chải với cuộc sống vốn nhiều thứ phải lo toan đấy chứ!
Hồng Vân bên các con.
Nghe chị nói, chị “chạy show nhiều lĩnh vực khác để lấy tiền bù vào sân khấu,” có vẻ như, bức tranh sân khấu phía Nam tồn tại nhiều “mảng xám?”
Theo cảm quan của riêng tôi, năm 2013, trong khi sân khấu phía Bắc có nhiều bước chuyển mình tương đối rõ rệt (so với năm 2012) thì sân khấu phía Nam lại đang bị chững lại.
Nếu thực tế này tiếp tục diễn ra trong năm nay thì sẽ có một cuộc di chuyển ngược: Điểm sáng của sân khấu kịch sẽ chuyển từ miền Nam ra miền Bắc (trước đó, điểm sáng này di chuyển từ Bắc vào Nam).
Những bước chuyển của sân khấu phía Bắc được thể hiện trước hết qua nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật trong việc đưa các vở diễn đến gần hơn với công chúng: Nhà hát Tuổi trẻ “Nam tiến” giới thiệu đến khán giả miền trong những sản phẩm kịch Bắc; Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát kịch Hà Nội đưa sân khấu vào các trường học…
Kết quả cụ thể đến đâu là chuyện “hạ hồi phân giải” nhưng trước tiên, những cố gắng đó của những người làm nghệ thuật phía Bắc cần được ghi nhận. Những món ăn ban đầu có thể là lạ, không hợp khẩu vị nhưng nếu cứ cho người ta ăn mãi thì chắc chắn, họ sẽ quen và dần thấy thích. Cái gì cũng cần thời gian!
Còn ở phía Nam, những vở kịch mang tính chính luận, kịch nghệ thuật chính thống ngày càng thưa vắng. Khán giả của dòng kịch này cũng ngày một ít hơn.
Nhìn chung, những thứ đáng ra phải là món chính thì lại bị đẩy xuống hàng phụ; còn những sản phẩm đáng ra chỉ nên ở vai phụ thôi thì thành sản phẩm chủ đạo! Nghe thì thật bi hài nhưng nếu không như vậy thì sân khấu lại không tồn tại được.
Chị có thể nói rõ hơn về sự đổi ngôi chính-phụ này?
Đây là một thực tế đáng buồn! Thông thường, các vở chính kịch, kịch nghệ thuật phải là những món chính trên bàn tiệc; còn những vở diễn mang tính giải trí là những món phụ thêm vào cho phong phú, để khán giả có nhiều sự lựa chọn.
Hàng năm, mỗi đơn vị có thể dựng rất nhiều vở diễn giải trí nhưng điểm nhấn, điều đọng lại thực sự trong lòng công chúng phải là những vở kịch nghệ thuật, đậm chất văn học.
Thế nhưng, sự dễ dãi trong tâm lý tiếp nhận của khán giả ngày càng thể hiện rõ. Họ nghiêng hẳn về những vở diễn mang tính giải trí đơn thuần như các vở kịch ma, kịch kinh dị hay đơn giản là những chương trình hài kịch gây cười theo kiểu “bông phèng.” Những vở kịch nghệ thuật, chính luận trở thành “món ăn độn,” trong khi đáng lẽ, chúng phải là món chính.
“Thuyền trưởng già rồi!”
Theo chị, nguyên nhân là do đâu?
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một trong những lý do là: Ngày càng có nhiều đơn vị tư nhân ra đời và họ bán vé theo các nhóm mua. Vé bán theo nhóm mua sẽ giảm được một nửa giá thành so với vé bình thường.
Ưu thế của những đơn vị như vậy là rạp của họ có nhiều ghế. Ví dụ, rạp của họ có 700 ghế, rạp của tôi chỉ có 350-360 ghế. Khi bán đi một nửa số lượng vé theo hình thức mua chung, họ vẫn còn lại một nửa số lượng ghế để bán vé với mức giá bình thường. Một nửa số ghế còn lại đó của họ bằng tổng số lượng ghế của mình khi không bán đi một ghế nào. Như vậy, họ vẫn thu lợi hơn mình.
Tuy nhiên, để phục vụ cho những nhóm mua đó thì các vở diễn phải dễ dãi; bởi tâm lý đám đông vẫn thường thích những gì “giật gân,” không cần đi vào chiều sâu. Chuyện cứ tiếp diễn như thế và kết quả là: Những vở diễn càng mang tính chính thống thì càng khó bán vé. Số lượng khán giả đến xem những vở kịch nghệ thuật, kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng giảm đi rõ rệt.
Khi đã mất khán giả thì nó không thể là dòng chủ đạo được nữa.
Hiểu rõ tâm lý khán giả như vậy, chị xoay xở ra sao để nuôi quân, giữ nghề?
Hàng năm, tôi đều cố gắng cân bằng những suất diễn của hai loại hình kịch này với nhau.
Đơn vị của tôi có hai địa điểm biểu diễn: Sân khấu Phú Nhuận chuyên để diễn những vở kịch nghệ thuật và sân khấu Superbowl dùng để diễn những vở kịch giải trí, kịch ma. Những vở kịch giải trí tạo nên nguồn thu chính và tôi dùng nó để nuôi sàn diễn kịch nghệ thuật. Việc này cũng giúp tôi phân loại được khán giả.
Đấy là chúng tôi còn có địa điểm diễn để mà nuôi quân, giữ nghề. Nhiều đơn vị xác định kịch nghệ thuật là dòng chủ lưu, lại chỉ có một địa điểm diễn (như sân khấu 5B hay sân khấu Hoàng Thái Thanh…) trở nên rất khó khăn. Vé không bán được thì làm sao có kinh phí để hoạt động! Họ muốn đan cài vào những chương trình kịch giải trí thì cũng không có địa điểm diễn.
Những khán giả của dòng chính kịch không phải là đã mất hết. Vấn đề là phải có sự đầu tư, chung tay góp sức để dựng những vở diễn chính thống như vậy. Bởi lẽ, ở đó, truyền thống văn hóa, thông điệp về lối sống… được thể hiện rõ nét. Trong khi đốm lửa đó vẫn còn thì phải tìm cách giữ và dần thổi bùng lên.
Trong thời gian tới, nếu không có sự hỗ trợ của Thành phố thì mô hình sân khấu xã hội hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rơi vào tình trạng thoái trào.
Sau khoảng hai thập kỷ “tự bơi,” những ông bầu bà bầu tư nhân cũng đã dần kiệt sức! Những thuyền trưởng đều đã ở lứa tuổi U50, U60 cả rồi. Họ đã già và đã mệt rồi!
Hồng Vân trong 1 vở kịch.
Xuất quân đúng mồng Một Tết
Bận rộn với công việc như vậy, chị thu xếp thời gian chuẩn bị Tết cho gia đình thế nào?
Năm nào chúng tôi cũng ăn Tết trước mọi người (cười)!
Năm nào cũng vậy, từ 23 tháng Chạp, sân khấu Hồng Vân sẽ nghỉ diễn và mọi người chuẩn bị, sắm sửa cho năm mới trong khoảng một tuần sau đó.
Đúng mồng Một Tết, nghệ sỹ xuất quân! Chúng tôi khai Xuân bằng một suất diễn vào 4 giờ chiều ngày mồng Một và sau đó diễn liên tục trong những ngày Tết.
Vốn là con gái miền quan họ, ký ức về Tết Bắc trong chị có gì đặc biệt không?
Tôi theo gia đình vào Nam từ năm 9 tuổi. Thế nhưng, ký ức về những năm tuổi thơ đón Tết ở quê nội Bắc Ninh vẫn luôn in đậm trong tâm thức tôi.
Vì còn nhỏ nên tối 30 Tết, mặc dù mọi người tất bật chuẩn bị các món đồ lễ, dọn dẹp lại nhà cửa một lần nữa nhưng tôi díp mắt buồn ngủ từ khoảng 9 giờ.
Khi gần tới giao thừa, ông bà nội sẽ đánh thức tôi dậy để thắp hương tổ tiên, nghe chúc Tết và xem bắn pháo hoa trên tivi.
Hồi nhỏ, cứ đến Tết là tôi được bố mẹ mua cho một bộ quần áo mới. Thế nên, tôi rất háo hức chờ đến sáng mồng Một để được diện quần áo mới, cùng ông bà đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Cảm giác háo hức đó của con nít rất thú vị; đến giờ, khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy lâng lâng!
Trân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ! Chúc chị năm mới nhiều sức khỏe và thành công!