Lê Hoàng đối đáp cụt ngủn với doanh nhân bằng 110 từ

T.N |

(Soha.vn) - Trong tiểu phẩm về cuộc trò chuyện của một đạo diễn và một doanh nhân, Lê Hoàng đã đưa ra 1 góc nhìn khác khá thực tế về thực trạng nền văn hóa hiện tại. Tiểu phẩm được rút từ tập Phỏng vấn con bò.

Doanh nhân: Chào đạo diễn, sao mặt mũi bạn buồn thế kia ?

Đạo diễn: Ô, buồn là một trạng thái rất tự nhiên của người làm nghệ thuật mà.

Tại sao thế ?

Anh biết rồi đấy, phim ảnh ít người xem, kịch nói vắng khán giả, băng đĩa bị in lậu tràn lan… có quá nhiều vấn đề!

Vấn đề lớn nhất của ông, đạo diễn ạ, là không biết cách nhìn nghệ thuật dưới góc độ kinh doanh.

Kinh doanh?

Đúng. Xin hỏi nhé: Theo ông, kinh doanh là gì ?

Là bán hàng.

Đơn giản nhất là như thế. Vậy phim ảnh,sách báo, băng đĩa làm ra có phải để bán không?

À, có. Nhưng tất nhiên, loại hàng hóa đó còn có thêm mấy đặc thù…

Bất cứ cái gì cũng có đặc thù cả, cho nên chả cần nhấn mạnh. Ngay doanh nhân, bán thịt khác, bán lúa khác, bán thuốc diệt ruồi lại càng khác… Nhưng tóm lại, nếu chúng ta nhất trí coi cái sản phẩm văn hóa cũng là hàng hóa thì quá trình sản xuất và tiêu thụ cũng nằm trong hệ thống kinh tế.

Và đạo diễn hay nhà văn, nhạc sĩ cũng có thể gọi là doanh nhân?

Lê Hoàng lý giải ‘nỗi buồn của những người làm nghệ thuật’
 

Phải! Và các nguyên tắc dành cho doanh nhân cũng dành cho các nhà văn hóa.

Ờ!

Mà doanh nhân cần nhất là gì? Tất cả mọi người đều hiểu: Cần 1 môi trường kinh doanh lành mạnh.

Công nhận.

Một môi trường như thế, thưa đạo diễn, cần 3 yếu tố cơ bản.

Đó là…?

Thứ nhất, luật phải rõ ràng: Cái gì đương làm, cái gì định bán, bán cho ai và bán ở đâu, bán lúc nào luôn luôn vô cùng minh bạch.

Đúng vậy.

Kinh doanh mà không có luật lệ, hoặc luật lệ mập mờ, thay đổi thường xuyên có thể hiểu thế nào cũng được thì kinh doanh chắc chắn sẽ lâm nguy.

Ừm.

Tiếp theo, kinh doanh phải công bằng. Không có chuyện phân biệt quốc doanh hay tư nhân, không có lối đối xử khác nhau giữa các doanh nghiệp hay nhà máy khác nhau. Một bộ phim tư nhân hay 1 bộ phim nhà nước, 1 bát phở mậu dịch hay 1 bát phở gánh đầu đường đều phải do chất lượng quyết định chứ không do tên gọi.

Đồng ý!

Lê Hoàng lý giải ‘nỗi buồn của những người làm nghệ thuật’
 

Cuối cùng, nếu toàn bộ công việc của doanh nhân làm nên nền kinh tế thì nền kinh tế đó phải được đầu tư chính xác.

Xin ông nói rõ hơn ý này?

Công việc của nhà nước là dùng ngân sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp sao cho thật đúng. Vậy nếu cứ đổ mãi tiền vào những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ chỉ vì nó mang 1 cái mác công, ắt sẽ chẳng khi nào khá nổi.

Cụ thể?

Cụ thể như không thể cứ tài trợ mãi cho các xưởng phim, các nhà hát, các nhà xuất bản mà sản phẩm làm ra không có người mua. Đơn giản thế thôi.

Đơn giản quá!

Đấy, nếu nhìn bằng con mắt của tôi, thì các ông đạo diễn, ông nhà văn, ông nhạc sĩ cũng là 1 dạng doanh nhân và các sản phẩm văn hóa, dù có đặc thù tới đâu, cũng mang đầy các yếu tố của sản phẩm hàng hóa như bất cứ 1 doanh nghiệp nào thôi.

Tôi công nhận.

Cho nên việc thấy các anh cứ loay hoay, cứ ngơ ngác và cứ buồn khiến tôi bật cười. Các anh cứ hớt hải đi tìm 1 mô hình ở đâu xa, trong khi nó lù lù ra đấy.

Tại sao thế nhỉ?

Nói thẳng nhé! Vì các ông vừa… kém lại vừa kiêu. Các ông nghĩ sản phẩm của mình rất cao sang, rất phức tạp và đặc thù khiến các “nhà buôn” không sao hiểu nổi. Nếu áp dụng những quy luật kinh tế đúng đắn vào văn hóa thì nhiều vấn đề đã được giải quyết từ lâu rồi!

À, đấy là ngài tưởng vậy…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại