- Đĩa hài Tết của Vượng râu có gì mới không?
Năm nay tôi làm cùng với NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Quang Tèo, chị Minh Hằng, anh Hán Văn Tình và 1 số diễn viên trẻ nữa. Đĩa hài có tên là “Kỳ phùng địch thủ phần 2”, tiếp nối câu chuyện “Kỳ phùng địch thủ phần 1” mà năm ngoái tôi đã làm.
Nó vẫn là câu chuyện của anh Cả Lắc – một nhân vật dân gian, vô cùng thông minh, đại diện cho người nông dân và quan Chánh tổng (do Vượng Râu thủ vai – PV) – đại diện cho thói tham lam cường quyền của quan lại ngày xưa.
Ông Chánh tổng tìm mọi cách bóc lột sức lao động, sử dụng đủ mưu mẹo để không phải trả lương người giúp việc. Tuy nhiên, bằng chính trí thông minh của mình, anh Cả Lắc đã khiến tay quan tham đó phải trả giá. Không những vật chất bị mất, mà cả người vợ 3 “nguyên zin” của quan Chánh tổng cũng bị anh Cả Lắc (do Quang Tèo đóng – PV) “thừa nước đục thả câu” làm cho chửa. Quan Chánh tổng chết cay chết đắng vì mắc mưu.
Vượng Râu vào vai quan Chánh tổng trong đĩa hài Tết năm nay
- Sao làm vợ 3 của quan Chánh rồi mà vẫn còn trong trắng?
Đó là do bà vợ cả (do Minh Hằng thủ vai – PV) lúc nào cũng tìm cách quát mắng, ngăn cấm. Bọn tôi còn dự định năm sau sẽ làm phần tiếp theo nữa. Có thể câu chuyện sẽ được tiếp nối bằng việc bà vợ cả sẽ kén vợ khác cho Chánh tổng.
Nội dung câu chuyện này thì không mới, đều là của dân gian cả. Tôi kết hợp truyện cười của làng Ngọc Tiên – Nam Định quê mình với một số truyện tiếu lâm Việt Nam để xâu chuỗi thành kịch bản.
- Những hình ảnh hậu trường vừa được hé lộ có vẻ nhiều cảnh "nóng bỏng"?
Trong tập 2 này sẽ có cảnh sex của một diễn trẻ rất đẹp với nghệ sĩ Quang Tèo. Đương nhiên là mình không làm nó quá, có những cảnh cởi trần thật, ôm ấp thật nhưng chỉ đủ để khán giả hiểu là mọi việc đã xong hết rồi.
Tôi cũng đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Một là hài Tết thường có rất nhiều trẻ em xem. Hai là tôi cũng không muốn câu khán giả bằng những thứ rẻ tiền ấy.
- Vậy anh định sẽ dùng cái gì để công chúng chịu “móc túi” trả tiền mua đĩa?
Tôi quan điểm làm hài Tết là làm cái việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi làm hài 9 năm rồi, về độ lâu cũng chỉ sau mỗi đạo diễn Phạm Đông Hồng. Tôi khẳng định những người đạo diễn có tên trong cái làng hài đất Bắc này đều là những người đang gìn giữ văn hóa Việt.
Thế nên, cả năm ngoái lẫn năm nay tôi đều đầu tư rất nhiều ở phần bối cảnh, đặc biệt là cảnh chợ Tết quê. Những nét cổ truyền ấy giờ ở ngay chính đất nước mình cũng đã bị mai một đi nhiều quá rồi. Năm ngoái tôi làm “Kỳ phùng địch thủ phần 1” có khán giả ở nước ngoài gọi điện về khóc rưng rức bảo ở ngay cả khi ở Việt Nam cũng không thấy lại được những cảnh như thế nữa.
Khi làm thì tiết kiệm một chút cũng chẳng sao, nhưng quan điểm của tôi đã làm thì phải thật sinh động, nhìn một cái là ra ngay không khí Tết, dù tốn kém cực kỳ. Ở những phân đoạn như thế, thậm chí bọn tôi không cần lồng thêm bất cứ một âm thanh gì nữa, cứ để âm nhạc song hành cùng hình ảnh cho khán giả mãn nhãn.
Mà đến khi phải dỡ cái chợ đã mất công dựng lên hoành tráng như thế, bọn tôi tiếc đứt ruột. Ngoài công, ngoài tiền ra nó còn là cái kỷ niệm được khơi gợi lên trong chính mình nữa. Làm cái hài đôi khi nó ám ảnh vào mình đến thế…
- Không phải lúc nào khán giả cũng hiểu được những điều đó, họ chỉ nhìn vào những gì anh thể hiện được trên phim thôi…
Những khán giả hiểu thì sẽ cảm thông, đặc biết những năm gần đây tôi cảm thấy sự chia sẻ của khán giả với mình rất tốt. Rất nhiều người hiểu rằng làm được ra một sản phẩm như thế là bao nhiêu công sức chứ không phải cái chuyện cứ quay là xong.
Hài Tết nó khác ở điểm đấy, ngoài chất hài ra nó còn là cái không khí, là 1 món ăn tinh thần ngày Tết. Những người làm hài Tết bọn tôi đều muốn đem đến cho khán giả những điều tốt nhất. Còn những người không hợp gu thì vẫn chê thôi.
- Còn trong vai trò diễn viên thì sao? Vượng Râu làm gì để khẳng định mình với khán giả?
Vai diễn Chánh tổng năm nay là sự thay đổi của tôi. Nhân vật tôi đóng phải bộc lộ cho bằng được một kẻ vừa gian ác mà lại vừa ngu. Mà cái vai này thú vị ở chỗ nó có cái hài thâm thúy của dân gian. Đây đúng là cái chất cổ ngày xưa tôi từng được học. Tôi nghĩ làm hài dân gian thì phải như thế cơ chứ không giống như mấy anh diễn dân gian vai dốt mà mặt cứ khôn như gì ấy!
Nhân vật Chánh tổng cũng một tay tôi tự hóa trang bằng sự cẩn thận. Trang phục thì “đo ni đóng giầy” tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Trong phim có đoạn Chánh tổng bị ngã xuống nước, đoàn phim quay cảnh đó trong những ngày lạnh nhất vừa qua Tôi nhẩy xuống một cái ao ở Nam Định, ngâm nước hàng tiếng đồng hồ, người ngợm tím lại vì lạnh. Ngay sau đó lại phải lập tức về Đường Lâm, tiếp tục dội nước lên người đóng luôn cảnh tiếp theo. Nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Ai mà biết được những đoạn diễn cách nhau có vài giây đồng hồ thôi mà xảy ra ở 2 nơi cách nhau đến hàng trăm cây như thế.
Những cảnh quay khiến Vượng Râu vừa run cầm cập vừa diễn
- Mọi năm thấy Vượng Râu thường mời các cây hài miền Nam góp mặt, nhưng năm nay trong danh sách dàn diễn viên của “Kỳ phùng địch thủ” không thấy ai cả. Vì sao thế?
Do bận quá thôi. Dạo này tôi đi diễn liên miên, chạy nhiều show nước ngoài nên không thể chu toàn được với các nghệ sĩ phía Nam Đặc sản hài Tết của tôi mọi năm là món “Bắc Nam cùng cười” mà. Năm nay không làm nhưng đã là thương hiệu của mình rồi thì cũng chẳng ai lấy được. (Cười).
Nhiều người hỏi tôi rằng làm sao để hòa chung được những con người, những nét văn hóa đó vào với nhau. Tôi thì nghĩ mỗi một vùng miền đều có những cái hay riêng thì mình cứ giữ những cái đấy sao cho nó đẹp chứ không nhất thiết phải giữ khư khư một cái chuẩn nào cả.
Tôi không co cụm lại một chỗ. Tôi muốn chinh phục cả khán giả ở cả nông thôn, thành thị, miền Bắc, miền Nam, cả khán giả ở nước ngoài nữa. Khán giả là những người nuôi sống mình mà. (Cười).
- Với tình trạng đĩa lậu tràn lan như vậy thì liệu có “sống” nổi không?
Cứ tình hình như thế này thì những năm sau nữa sẽ chẳng mấy ai còn dám làm hài Tết. Ngày xưa thì sợ đĩa lậu, nhưng bây giờ thì nó nhan nhản trên mạng ấy, chỉ click một cái vào là xem được hết rồi. Nản vô cùng!
Giả dụ mà mỗi một cái click chuột đấy thu lại cho chúng tôi 1.000 đồng thôi là 1 năm cũng có cả vài trăm triệu rồi. Năm ngoái tôi đã phải nhờ luật sư can thiệp, yêu cầu gỡ phim hài Vượng Râu ra khỏi nhiều trang mạng. Dù biết là càng nhiều khán giả xem thì mình càng được yêu mến, các nghệ sĩ đôi khi cũng chỉ đi diễn, nhận cát- xê thôi còn khi đã dính vào sản xuất như bọn tôi rồi thì cũng phải tính đến chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Ai làm đĩa ra chẳng mong được hòa vốn, hoặc có thêm 1 tí gì đó...
Hiềm khích làm gì, cuộc sống này cứ yêu nhau nhiều hơn đi
- Cái scandal "nhận đứng nhất" ngày xưa có làm ảnh hưởng nhiều đến tên tuổi của Vượng Râu không?
Nhiều nghệ sĩ miền Bắc không thích báo chí, một phần cũng là vì không phải nhà báo nào cũng đủ sâu sắc khi viết, trong khi hầu hết các nghệ sĩ đều muốn giữ 1 hình ảnh tốt đẹp.
Sau vụ đó, thi thoảng cũng có người gọi đến cho tôi bảo “hay làm bài chém nữa cho bốc nhé” nhưng thú thật tôi đâu cần đến những điều như thế. Ngay cả Facebook của tôi cũng không ghi tên riêng để tiện cho quảng bá. Tôi muốn mọi người nhìn vào những cái tôi đã làm, đã làm được chứ không phải qua những gì tôi có thể đem ra khoe.
- Cũng từ vụ đó mà anh bị rất nhiều đồng nghiệp "ném đá", thậm chí buông ra những lời phũ phàng ..
Tôi yêu nhiều hơn ghét, hầu như tôi chẳng bao giờ ghét ai cả. Đó cũng có thể là lý do khiến Vượng Râu mời được rất nhiều nghệ sĩ đình đám, cả những người khó mời như chị Minh Vượng, Minh Hằng, Phạm Bằng... Tôi mời bằng đúng tình cảm của mình chứ không phải bằng cái gì khác.
Nhiều người còn tưởng sau vụ đó tôi không làm ăn được gì nữa nhưng đến giờ công việc của tôi vẫn tốt. Tôi cũng chẳng để ý xem những ai đã "đánh" mình để mà thù hằn hay hiềm khích. Tôi giữ cho mình một cuộc sống 6 chữ "th": thanh thản, thong thả, thư thái.
Biết đâu một ngày đẹp trời tôi lại mời chính họ tham gia những đĩa hài của tôi, biết đâu họ sẽ nhận lời, họ sẽ hiểu con người Vượng Râu như thế nào. Chả ai nói trước được điều gì. Khi chúng ta không cướp miếng cơm của nhau, không đi tranh đôi giầy của nhau, không hại gì nhau thì chả lý gì mà ghét nhau cả. Cuộc sống này vốn dĩ vậy, cứ yêu nhau nhiều hơn đi.
- Nhiều người không phục cách làm hài của Vượng Râu, họ cho rằng nó hơi "nông", và nhẹ nhàng quá ...
Những người sâu sắc một chút, họ vẫn thích xem hài Vượng Râu bởi cảm thấy tư tưởng của mình được thỏa mái. Hài của tôi được nhiều người xem đi xem lại, những câu nói trong hài Vượng Râu cũng được mang ra ngoài đời sống rất nhiều.
Chính vì cái nhẹ đó nên họ mới xem, ai hiểu được những cái nhẹ nhàng đó thì mới thấy sâu sắc. Còn cuộc sống này thì đừng ai dậy ai. Tôi không thích dùng hài để dậy.
Tôi quan niệm làm hài là để giải trí, lồng thêm chút chủ đề tư tưởng và ý nghĩa vào thôi. Mình khai thác theo hướng tích cực, lấy cái đẹp để đập cái xấu còn nếu bêu cả cái xấu lên thì thì nó không hay.