Đỗ Thanh Hải sợ nhất điều gì khi làm Táo quân?

Táo quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đêm Giao thừa.

NSƯT Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam có cuộc trò chuyện về những thông tin xung quanh chương trình này.

 

táo quân, hài

 

Quay trở lại năm đầu tiên của Táo quân, sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo khán giả có khiến ê-kíp cảm thấy quá bất ngờ không, thưa ông?

Thực ra năm đầu tiên, chúng tôi làm việc trong tinh thần hoàn toàn hồn nhiên. Đây là một chương trình hài lại chạm vào vấn đề tương đối nổi cộm trong xã hội thì liệu có hiệu quả và được khán giả đón nhận hay không, có được khán giả chấp nhận để mình tiếp tục hay không. Và khi nhận được phản hồi đầu tiên của khán giả ở những năm đấy, đúng là ê kíp cảm thấy rất thú vị.

Sau đó, chúng tôi mới giật mình vì chương trình được sự cộng hưởng rất lớn của công chúng. Và lãnh đạo Đài cũng quyết định tiếp tục duy trì chương trình này. Đó là điều chúng tôi hoàn toàn bất ngờ nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ tiếp theo mà ê-kíp sẽ đi. Cuối cùng không ai nghĩ đi hành trình suốt 10 năm như vậy.

Táo quân đã bước sang năm thứ 11 và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả cả nước trong đêm Giao thừa. Là chương trình nhận được sự quan tâm rất lớn của khán giả, ắt hẳn đó là niềm tự hào. Nhưng đi đôi với đó là áp lực rất lớn. Áp lực đến từ nhu cầu của phía khán giả và yêu cầu của lãnh đạo Đài đối với người đầu tàu là anh đã phần nào vơi bớt hay ngày càng tăng lên?

Khi đã định hình thành thể loại chương trình, sự bỡ ngỡ, băn khoăn của ê-kíp làm không còn như lúc đầu. Quy trình làm đã trở thành công nghệ. Điều duy nhất mọi người rất băn khoăn là có hay hay không. Có nghĩa là mỗi một năm, nội dung trong năm mang tính hệ thống và chúng tôi phải chuẩn bị, lựa chọn, để ý nó trong suốt một năm, sau đó phân tích, lựa chọn và thể hiện nó như thế nào.

Táo quân lại có một đặc thù là chương trình hài nên tất cả yếu tố phải nói đúng, nói trúng, nói phù hợp với sự quan tâm của số đông khán giả nhưng đồng thời phải nằm trong phạm vi thể loại báo hình. Tức là báo chí phản ánh nhưng mình phải biết sàng lọc và biến nó trở thành ngôn ngữ hài riêng của mình. Những thứ đó trở thành áp lực hẳn thì không phải mà trở thành sự lo lắng cho những người làm. Liệu năm nay mình làm thế nào, liệu có hiệu quả hay không rồi những vấn đề nói ra có hấp dẫn, sinh động hay không. Táo quân không phải là chương trình nói lại các vấn đề trong một năm. Việc của chúng tôi là hình tượng hóa, nghệ thuật hóa nó lên.

Một phần áp lực cũng do chính mình tạo ra. Chúng tôi biết là mọi người kỳ vọng, chờ đợi và rất muốn được xem chương trình. Áp lực của chúng tôi là làm thế nào để thỏa mãn được nhu cầu đòi hỏi của khán giả. Thứ hai nữa, càng ngày mình càng ý thức được sự ảnh hưởng của nó là có thật. Sự ảnh hưởng này không phải chỉ là thu hút người xem mà chúng tôi còn muốn nói được nỗi niềm, bức xúc của khán giả, đồng thời góp phần xây dựng, chứ không phải bới móc, chọc ngoáy, chỉ vào chuyện tiêu cực. Ranh giới giữa hai việc ấy rất quan trọng.

táo quân, hài

Nghe đồn rằng, cứ đến thời điểm Táo quân chuẩn bị ghi hình cũng là lúc anh đau đầu nhất bởi những cuộc điện thoại với nhiều mục đích khác nhau từ báo giới, lãnh đạo các Bộ, ngành hoặc các cuộc điện thoại xin vé. Anh có cảm thấy khó xử?

Thực ra, chuyện điện thoại của các Bộ, ngành nào đó như mọi người vẫn đồn thổi không có. Có chăng đi nữa là những mối quan hệ, mọi người muốn biết xem năm nay là Táo gì. Sự cộng hưởng của chương trình có một sự thú vị là rất nhiều người muốn dò đoán xem nội dung năm nay có gì hấp dẫn. Đó là sự cộng hưởng mọi người quan tâm đến chương trình.

Tuy nhiên, mệt mỏi nhất là quá trình tập luyện cộng với sự mong muốn của khán giả muốn đến xem trực tiếp chương trình nên mọi người rất có mong muốn lấy vé Táo quân. Vé Táo quân là vé tặng và phát miễn phí cho nên ai cũng muốn có vé vào. Tuy vậy, lượng vé có hạn và trở thành sự khó xử cho mình đưa người này hay người khác. Rồi ai cũng có nhu cầu thì làm thế nào để hài hòa hết việc ấy. Cuối cùng, giai đoạn cuối năm bận rộn nhiều việc rồi thông tin, chuyện quản lý, tập luyện của các nghệ sỹ. Những người tham gia Táo quân hầu hết đều là người bận rộn khiến cường độ làm việc của ê-kíp bị ảnh hưởng thôi.

10 năm làm Táo quân, điều anh sợ nhất là gì? Tại sao?

Đó là chất lượng có hay không bởi vì những người làm truyền hình, cái lo lắng nhất là sự ổn định, sự đi đều của một chương trình. Mỗi một năm qua đi, kể cả năm làm hay, năm làm chưa hay nhưng sau đấy, chúng tôi như được xả xong thì ngay lập tức đã nghĩ năm sau mình làm cái gì, có hay hay không.

Nếu một chương trình mà khán giả cảm thấy có cũng được, chẳng có cũng "ok" thì lại là chuyện khác. Khán giả luôn kỳ vọng và chờ đợi mỗi một năm Táo quân sẽ như thế nào. Sự kỳ vọng ấy cũng trở thành áp lực khiến chúng tôi cũng chờ đợi năm sau mình sẽ làm thế nào. Mặt khác, Táo quân cũng khác các chương trình khác. Đôi khi sự can thiệp của tôi chỉ ở mức độ, còn chủ yếu ở quá trình tập luyện và diễn xuất. Và chỉ đến khi diễn trước công chúng, chúng tôi mới biết hiệu quả đến đâu.

Vẫn biết rằng, mỗi mùa Táo quân, các nghệ sỹ phải sáng tạo và luyện tập không ngừng nghỉ. Tuy vậy, sự sáng tạo và vất vả đôi khi vẫn chưa làm hài lòng khán giả. Những lúc nhận được phản hồi không mấy tích cực từ phía dư luận có khiến anh và ê-kíp nản lòng? Hay ngược lại, đó lại là động lực để ê-kíp tiếp tục phấn đấu và hoàn thiện?

Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Bất cứ một công việc sáng tạo nào không phải là công thức để rập khuôn. Sự sáng tạo bao giờ cũng phải đòi hỏi sự cộng hưởng và đánh giá từ khán giả. Mà đã ý kiến của khán giả thì mình phải chấp nhận, đừng hồn nhiên và lãng mạn hóa một cách tuyệt đối là 100% khán giả sẽ thích. Dù là tác phẩm kinh điển, các phim được giải hay tác phẩm được giải bao giờ cũng có ý kiến này ý kiến khác.

Cho nên, đối với chúng tôi, đó là việc phải chấp nhận và phải hiểu bản chất của sự việc. Một là để mình tự tin làm, hai là mình biết lắng nghe có chọn lọc, thứ ba là tự mình phải có kênh để kiểm chứng và sàng lọc rồi rút kinh nghiệm cho mình tốt hơn. Chứ nếu như mình lại nghe và mỗi một đối tượng khán giả có cách cảm nhận khác nhau, có cách đón nhận khác nhau.

Ngay như Táo quân giờ cũng là một sự thách thức của những người làm chương trình. Vì có những đối tượng khán giả rất chờ đợi những vấn đề được nêu trong Táo quân nhưng cũng có đối tượng khán giả chỉ muốn được cười, được xem và nghe những bài hát chế, những phần các nghệ sỹ tung hứng để tạo ra tiếng cười… Và mỗi một đối tượng khán giả, nhu cầu khán giả sẽ quyết định việc họ đánh giá nó thế nào.

táo quân, hài

Tiêu chí chọn lựa nghệ sỹ tham gia Táo quân có gì khác so với các chương trình hài khác, thưa ông?

Điều đầu tiên, đó phải là những người có khả năng diễn hài hước theo đúng tinh thần và mục đích của chương trình đặt ra. Đó là chuyển tải nội dung qua hình thức giải trí hài hước. Thứ hai nữa là đòi hỏi sự cộng hưởng trong quá trình tập luyện. Khán giả trước đây cứ nói tại sao cứ lặp đi lặp lại những gương mặt quen thuộc. Nhưng vừa rồi, chuyện anh Chí Trung nói sẽ không đóng Táo giao thông nữa thì lại ào ào lên tại sao lại thay đổi, tại sao lại thế.

Táo quân đã trở thành một chương trình mọi người có nhu cầu được biết, được quan tâm đến nó. Và bất cứ động tĩnh của chương trình cũng khiến cho khán giả là người bị kéo vào cuộc.

Vì vậy, cách lựa chọn của chúng tôi là không muốn khán giả bị nhiễu loạn thông tin cho nên việc đưa thông tin ra công chúng rất cẩn trọng. Thứ hai nữa là trước thời điểm diễn, khi chúng tôi còn việc phải điều tiết, phải thay đổi thì cũng không nên nói sớm quá làm ảnh hưởng đến sự quan tâm của khán giả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại