- Có những người lợi dụng hiệu ứng đám đông lập ra fanpage hay antifanpage để trục lợi, câu like rồi kinh doanh. Anh nghĩ gì về điều này?
Ai cũng có thể nhìn thấy, người bình thường thích nói về những điều mình ghét hơn. Những antifanpage hoạt động mạnh, người ta bỏ công đi vận động từng nơi để nói xấu người mà mình không thích.
Tôi thấy đó là mặt rất tiêu cực trong xã hội ngày nay. Tôi thấy các anticlub được lập ra rất vô nghĩa, phí thời gian. Nếu không thích thì quan tâm đến nó làm gì? Đằng này tìm mọi cách để bêu giễu, cản trở nó. Có vẻ, điều này không văn minh lắm.
- Người cứng rắn sẽ không quan tâm đến việc hàng ngày có cả ngàn người lên mạng chế giễu mình, nhưng người nhạy cảm, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh sống, họ sẽ thế nào nhỉ?
Mỗi người có cách giải quyết, xử lý khác nhau. Khi dám đứng ra để nhiều người biết thì cũng phải sẵn sàng hứng những mũi giáo chĩa về mình. Ứng xử thế nào còn phụ thuộc vào bản lĩnh từng người.
Tôi thấy trong thời buổi hiện nay, nhiều người biết cách lợi dụng, kinh doanh trên các antifan club, lợi dụng những sự ghét ấy để làm lợi thế cho họ. Ví dụ, có rất nhiều việc xấu diễn ra thường xuyên và thu hút được quá nhiều sự quan tâm, đó là scandal.
Những scandal khiến người ta bị ném đá, nhận được chỉ trích nhưng kèm theo đó sự quan tâm hơn rất nhiều so với những người hoạt động nghệ thuật đứng đắn. Vì thế, người ta càng làm những việc xấu xí để câu view trên báo mạng, để được tìm kiếm trên google.
Họ lấy đó là mục tiêu phấn đấu. Hiện đang có nhiều ngôi sao, không từ chuyên môn đi lên mà vin vào những scandal, những tai tiếng. Đó là những điều tôi thấy rất xấu xí đang diễn ra trước mắt.
- Anh có thấy đám đông là một con dao hai lưỡi. Hiệu ứng đám đông đưa người ta lên đỉnh cao thành công hoặc giết chết sự nghiệp của một người. Anh nghĩ gì về tính hai mặt của hiệu ứng đám đông ?
Tôi nghĩ tính hai mặt của hiệu ứng đám đông thì ở xã hội nào cũng có. Nhưng, nhiệm vụ của những người làm nghệ thuật chân chính là thu hẹp khoảng cách giữa hiệu ứng đám đông với nhận định chuyên môn.
Khi hiệu ứng đám đông tiến lại gần với những nhận định của giới chuyên môn thì sự nhận thức xã hội đã được thu hẹp, chúng ta có một xã hội văn minh, dân trí cao.
Ngược lại, khán giả không thấy sự tương đồng giữa ý kiến của mình với ý kiến của giới làm chuyên môn thì đó là thiếu xót của giới chuyên môn, lỗ hổng của đào tạo để nghệ thuật không đến được với nhân dân.
- Anh có thấy, hiệu ứng đám đông là một ranh rới mong manh, nếu không chắc chắn, họ sẽ lái theo suy nghĩ của đám đông?
Tôi thì nghĩ, khi không chắc chắn điều gì thì tốt nhất đừng nói ra. Tại sao phải thể hiện mình? Không biết thì dựa cột mà nghe, tại sao phải góp tiếng nói khi mình không biết việc đó là đúng hay sai? Điều này vô tình khiến mình thành con dao ngôn ngữ, chĩa vào người khác khiến người ta gặp nhiều bi kịch.
- Anh đã chứng kiến bi kịch do hiệu ứng đám đông đem lại?
Đấy, anh cũng nhìn người ta chỉ trích một em bé còn ngây thơ bằng những lời cay nghiệt. Có gì tồi tệ hơn chứ?
- Trong đời sống, nhiều người chạy theo đám đông chỉ để khẳng định mình có phong cách mà điều ấy khác hẳn con người, nhu cầu của họ. Người ta sắm đồ, đi xe đẹp bằng tiền đi vay, hoặc mượn đồ để chưng diện!
Anh cũng có thể bắt gặp rất nhiều chuyện buồn cười là đi thuê Iphone cho một cuộc hẹn, đi thuê SH để đi chơi cùng bạn. Tôi thấy buồn cười và tội nghiệp cho các bạn trẻ không xác định nổi vị trí và nhu cầu của mình.
Có nhiều người nghĩ rằng giá trị con người nằm ở vật chất xung quanh chứ không phải trí tuệ. Tôi là người yêu thích công nghệ và phục vụ tốt công việc của mình. Nhưng tôi lại rất thích mặc đồ made in Vietnam. Đó là những thứ phù hợp bản thân và thấy thoải mái nhất.
- Đôi khi sự cố gồng mình lên để chứng tỏ mình mà adua khiến người ta trở nên tội nghiệp!
Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, mục tiêu khác nhau trong đời sống. Có nhiều người muốn đời sống tốt hơn bằng việc phấn đấu học tập, lao động. Tôi đánh giá đó là lối sống rất tích cực.
Có những người thì muốn thay đổi cuộc sống của mình bằng những thứ bề ngoài, lợi dụng kết giao với những người bạn giàu có, đầy đủ về vật chất. Họ đi cùng nhau, lên bar chơi, check in facebook. Nhưng họ vất vả bởi phải gồng lên trong dáng hình không phải là mình.
Đôi khi tự cảm thấy mình lạc lõng, không phù hợp với nhóm người kia. Vất vả để có vỏ bọc như mình mong muốn, vay mượn những thứ của người khác để đắp lên mình mà không biết rằng nếu không cố gắng từ bên trong thì theo thời gian, chiếc vỏ bọc bị cuốn trôi, họ trở lại tàn tạ, không còn là mình như xưa nữa.
- Nói sáo rỗng như vậy nhưng trong giới nghệ thuật của anh là chỗ khiến người ta dễ thay đổi và đánh mất mình nhất?
Chẳng phải chỉ là môi trường nghệ thuật mà ở chỗ nào cũng thế. Nhiều người sẵn sàng đánh đổi, lao vào cuộc vui mà cứ tưởng rằng nó đang đi lên nhưng kỳ thực đang đứng yên.
- Nhìn những người adua lại thành công, giàu có hơn mình, anh có thấy tủi thân?
Tôi thấy sự thành công của một người đâu nhất thiết phải được đo bằng kinh tế. Mỗi người thành công một cách và cảm thấy hài lòng với chính mình. Tôi bằng lòng với mình bởi con đường của tôi không phải chỉ là kinh tế. vì thế, tôi cũng cảm thấy, chẳng có gì đáng hổ thẹn nếu có ít tiền hơn bạn bè.
Xin cảm ơn anh!