Đích thân Đại tướng nhờ Tổng thống Pháp chữa bệnh cho tôi!

Vân Anh |

(Soha.vn) - Dù đôi mắt không còn sáng nữa, nhưng người họa sĩ vẫn luôn cặm cụi vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả lòng yêu kính.

Gặp Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng tại nhà riêng của ông tại con phố Lĩnh Nam khi ông đang hoàn thành những nét vẽ cuối cùng trên bức tranh chân dung vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã khiến ông say mê vẽ suốt mất chục năm qua.

Đôi mắt của họa sĩ dù đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật nhưng vẫn không thể nhìn thấy được mọi thứ, đặc biệt là những chi tiết nhỏ. Tuy vậy, chiếc cọ vẽ trên tay ông vẫn di chuyển khá sống động đầy biểu cảm trên bức tranh chân dung vị anh hùng của dân tộc.

Những bức ký họa về tướng Giáp ông vẽ tặng mọi người lên đến cả nghìn bức. Đã từng có vài  vài lần Đại tướng đích thân ngồi làm mẫu để vẽ.

 	Học sĩ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng năm 1993 (sách ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - NXB Thông tin & Truyền thông (2011)

Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng năm 1993 (sách ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - NXB Thông tin - Truyền thông (2011)

Ngay khi hay tin Đại Tướng qua đời, họa sĩ Lê Duy Ứng đang trên đường về quê tại Quảng Bình đã tức tốc trở lại Hà Nội, cùng gia đình đến số nhà 30 Hoàng Diệu để kính hương đưa tiễn người. Cả ông và vợ của mình đều đã bật khóc thành tiếng trước bài vị của Đại Tướng.

Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn còn nhớ mỗi lần vẽ chân dung Đại tướng - dù chỉ độ vài chục phút  nhưng lần nào cũng được người trò chuyện, động viên, hỏi han và khích lệ tinh thần của người họa sĩ khiếm thị trong lúc ngồi 'làm mẫu'.

 	Bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo trang trọng tại phòng khách gia đình họa sĩ Lê Duy Ứng

Bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo trang trọng tại phòng khách gia đình họa sĩ Lê Duy Ứng

Sau lần đầu tiên được gặp Tướng Giáp tại bệnh viện Quân Y 108 với đôi mắt bị hỏng, Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng đã coi Đại tướng là người đã hồi sinh mình sau những tháng ngày tuyệt vọng, buồn chán.

"Chú có biết Betthoven sáng tác những bản nhạc hay nhất vào giai đoạn nào không? Đó là khi nhạc sĩ điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả 2 tai cũng như 1 họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu”, những lời động viên của Đại tướng đã khiến ông cảm thấy mình "sống lại". 

Câu chuyện đó đến bây giờ đã mấy chục năm, những lời Tướng Giáp nói ra ông vẫn khắc sâu trong tâm khảm.

Sau lần gặp gỡ 'định mệnh' đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên thăm hỏi bệnh tình của ông.

"Chính Đại tướng là người đích thân nhờ Tổng thống Pháp đưa tôi sang Pháp chữa bệnh nhân chuyến thăm Việt Nam, cũng là ông đích thân viết thư cho hãng hàng không Vietnam Airline đề nghị hỗ trợ vé máy bay sang Nhật cho vợ chồng tôi để mổ mắt", vị Đại tá thổ lộ.

Mắt sáng trở lại, 2 bức vẽ đầu tiên của Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người mà ông và cả gia đình hàm ơn.

 	Họa sĩ Lê Duy Ứng đang hoàn thành những nét cuối cùng trong bức tranh chân dung Đại tướng ông vẽ sau ngày biết tin Đại tướng từ trần

Họa sĩ Lê Duy Ứng đang hoàn thành những nét cuối cùng trong bức tranh chân dung Đại tướng ông vẽ sau ngày biết tin Đại tướng từ trần

Ông kể lại lần đầu tiên vẽ bức chân dung Đại tướng: Năm đó, Đại Tướng đến thăm triển lãm ảnh và điêu khắc của tôi tại Hàng Bài. Sau khi xem tranh, trò chuyện và đề tặng tranh của họa sĩ, Đại tướng đã yêu cầu họa sĩ vẽ một bức chân dung ngay lúc đó.

 “Khỏi phải nói là tôi đã run và mừng như thế nào, tất cả mọi người ở cuộc triển lãm vây quanh Đại tướng và xem tôi vẽ” - họa sĩ rưng rưng nhớ lại.

Lần tiếp theo, cũng là lần cuối cùng ông được Tướng Giáp ngồi làm mẫu để vẽ, cũng là lần thứ 2 ông trở về từ một cuộc phẫu thuật mắt. Ông đến thăm Đại tướng và vẽ tặng người một bức chân dung khác. "Lúc đó, mọi người muốn tôi vẽ theo trí nhớ và tưởng tượng của mình nên đã bịt mắt tôi bằng một chiếc khăn quàng. May là tất cả các bức vẽ của tôi đều được Đại tướng khen là rất giống", Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng nhớ lại bức vẽ hôm đó trong sự xúc động.

Trong suốt thời gian cầm bút cầm cọ vẽ của mình, họa sĩ Lê Duy Ứng không nhớ nổi mình đã vẽ đích xác bao nhiêu bức ký họa chân dung Đại tướng. Ông chỉ nhớ rằng ở các buổi họp, buổi hội thảo .. là ông đều ký họa chân dung Tướng Giáp tặng mọi người. Số lượng tranh ước chừng khoảng trên dưới 1.000 bức.

Khi được hỏi tại sao lại vẽ Đại Tướng say mê, vẽ nhiều như vậy, Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng chỉ giản dị trả lời: "Tôi luôn nghĩ về Đại tướng, mỗi bức tranh đều là tình cảm, là sự biết ơn tôi gửi đến người".

 	Do đôi mắt kém nên Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng phải lần theo từng đường sần của mầu để vẽ gương mặt đại tướng

Do đôi mắt kém nên Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng phải lần theo từng đường sần của mầu để vẽ gương mặt đại tướng

Mấy ngày sau khi nghe tin Đại Tướng qua đời, ông đã bắt tay vào thực hiện một bức chân dung sơn dầu để tưởng nhớ người. Lúc tìm đến nhà họa sĩ, Đại tá Lê Duy Ứng, ông đang hoàn thành những đường nét cuối cùng trên khuôn mặt của Đại Tướng.

Một điều đặc biệt, là ông sử dụng cây bút dạ viết bảng để vẽ. Đôi mắt không nhìn rõ, ông phải lần theo từng nét sần của màu trên tranh để vẽ, đôi tay run run và đôi mắt bắt đầu ngấn lệ.

Ông luôn miệng hỏi: "Mực có ra không", "nhìn có giống Tướng Giáp không" nhưng dường như ông hỏi vậy chứ chẳng cần nghe câu đáp, ông cặm cụi vẽ nốt tác phẩm của mình, như thể ông tin chắc rằng những đường nét trên gương mặt của vị Đại tướng ông đã vẽ hàng chục năm qua, đã vẽ hàng ngàn bức tranh không thể nào nhầm lẫn được ...

Khi được hỏi ông có định tặng bức tranh này cho gia đình Đại tướng hay một nơi nào khác không, ông ngừng tay, nói chậm rãi: "Không, tôi sẽ giữ lại, cho tôi và gia đình mình để luôn ghi nhớ cái đầy khoảnh khắc đầy nghẹn ngào và xúc động hôm nay"...

Ông cũng cho biết đây không phải là lần cuối cùng vẽ chân dung Tướng Giáp, mà ông sẽ còn vẽ mãi, vẽ mãi ...

Đại tá, họa sĩ khiếm thị vẽ hơn 1.000 bức chân dung đại tướng
 

Ngoài vẽ tranh, họa sĩ Lê Duy Ứng còn điêu khắc tượng về Tướng Giáp. Hiện đang có một bức tượng chân dung Tướng Giáp bằng đồng đặt ngay ngắn ở phòng khách, dưới bức tranh cả gia đình ông chụp cùng, có cả chữ ký và lời đề tặng của chính Đại Tướng.

"Tôi mong muốn được làm một bức tượng chân dung Đại tướng lớn hơn, cỡ chừng 10 m bằng chất liệu đá để thỏa sự kính yêu và sự biết ơn đối với người.

Nói vừa dứt lời người họa sĩ khiếm thị đọc liền bài thơ ông sáng tác tặng Đại tướng từ lâu với sự tiếc nuối và nỗi buồn đau vô hạn:

"Văn là anh, võ là em

Anh là Đại tướng lừng danh muôn đời

Như đại thụ giữa đất trời

Ngát xanh thẳng đứng sáng ngời thiên xuân".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại