Do có lịch hẹn từ trước nên vừa thấy tôi đứng trước cửa người nghệ sĩ ấy tất bật chạy ra kéo cổng, hỏi han: "Cậu tìm nhà có khó lắm không? Vào nhà đi, vào đi kẻo lạnh", trong tôi bỗng dấy lên một cảm giác thân thuộc đến khó hiểu.
Nụ cười hiền từ của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn
Đây là lần thứ hai tôi có hân hạnh được tiếp chuyện cùng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn. Lần đầu là ở đám tang của diễn viên Tuấn Dương.
Hôm ấy tôi và ông cũng chỉ kịp chào hỏi qua loa rồi ông cũng chỉ kịp dúi vào tay tôi tấm card visit giản dị và nói: "Dạo này mình ở nhà suốt, già rồi nên cũng ít người mời đi đóng phim, lúc nào nhà báo rảnh mời nhà báo đến chơi chúng ta cùng nhau trò chuyện nhé".
Lần thứ hai chính là lần gặp này, nhưng sao tôi cảm giữa chúng tôi dường như không tồn tại khoảng cách giữa một người nghệ sĩ và một nhà báo, và cũng chẳng hề thấy khoảng cách của hai thế hệ với tuổi tác cách biệt nhau.
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn cùng nghệ sĩ Tuấn Dương trong một lần đi chơi cùng đoàn làm phim năm 2011.
Căn nhà của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn đang được tu sửa, mọi thứ đều ngổn ngang bề bộn, người nghệ sĩ già nhìn tôi ái ngại nói “Ngồi xuống đi cháu, nhà tôi đang sửa mọi thứ đều khá là bề bộn, chẳng biết đến Tết có xong được nữa không, đấy ở cái chỗ này năm ngoái thằng Tuấn Dương còn đến đây chơi vậy mà…” đôi mắt nghệ sĩ đượm buồn nhìn ra hướng cửa, một cảm xúc nặng nề đè nén lên tâm trí của cả hai chúng tôi.
Sau khi rót cho tôi một chén rượu đầy và trầm ngâm rít điếu thuốc lá trên tay, người nghệ sĩ nói “Cát bụi rồi lại trở về với cát bụi, cháu ạ, ở cái tuổi như của tôi chẳng biết lúc nào còn, chẳng biết lúc nào mất, tôi lên bàn thờ nhiều lắm rồi cháu ạ, đã 5 bộ phim đạo diễn dùng hình ảnh của tôi để đặt lên bàn thờ, 3 bộ phim hình ảnh của tôi được làm bia mộ, cũng nằm trên bàn để xác rồi, nhiều người bảo như thế là không tốt phải kiêng kỵ, nhưng với bác đã diễn xuất là không kiêng kỵ gì cả, phải cho khán giả thấy được những hình ảnh chân thực nhất và gần gũi nhất đấy là nhiệm vụ của người diễn viên.”
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn hồi trẻ với diện mạo đẹp trai
Ở tuổi 73, với 83 bộ phim đã tham gia, mỗi một bộ phim nghệ sĩ Mai Ngọc Căn coi đó là sự trải nghiệm một cuộc đời và mỗi một vai diễn ông luôn tìm được chính mình trong vai diễn đó. Mỗi một bộ phim ông đều có thói quen viết nhật ký rất tỉ mỉ từ mấy chụp năm nay.
Ông ghi đầy đủ những chi tiết về phim, cảm nhận của ông về vai diễn, nhìn cuốn nhật ký được giữ rất cẩn thận, mọi chữ viết đều thẳng hàng ngay ngắn, cần ghi nhớ thì gạch chân và viết hoa, mới biết rằng ông là người tâm huyết với nghề diễn thế nào.
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn với hình ảnh phong độ khi còn trẻ
Cuốn nhật ký ghi lại tỉ mỉ những vai diễn của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn
Nét chữ của ông rất sắc nét, cẩn thận
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tìm lại ký ức trong cuốn nhật kí quý báu của mình
“Năm 15 tuổi, bố tôi cũng định đưa tôi sang Nga để học nhưng vì trục trặc một vài vấn đề nên không đi được. Và tôi trở thành công nhân ở mỏ Cẩm Phả. Khi ở mỏ, tôi được học nghề thợ nguội rồi nghề sửa chữa ô tô. Ngày đó, cứ hết giờ làm việc, tôi lại ra xem phim của đoàn chiếu bóng lưu động. Hồi ấy tôi mê phim lắm, được phân ca ba tôi lại đổi sang làm ca một để tối còn đi xem phim".
Rồi cũng chính cái đam mê ấy đưa ông đến với điện ảnh một cách tình cờ.
"Đáng lý ra mọi khi xem xong, tôi về luôn nhưng hôm ấy chả hiểu sao lại nấn ná, ở lại xem người ta thu dọn máy móc. Nhìn thấy tôi, cậu thuyết minh mới nói thích làm diễn viên như vậy thì lên Hà Nội đi trên đấy đang tuyển diễn viên, đi mà thử sức. Dù lo lắng 'Khó lắm, làm sao mình đỗ được' nhưng tôi vẫn quyết định lên đường. Với hơn 10 đồng vừa mới nhận lương và tấm thẻ công nhân, tôi giả vờ ốm để xin ông đốc công nghỉ, sau đó mua vé ô tô trốn gia đình lên Hà Nội. Vì nói dối bố tôi nên khi lên Hà Nội, tôi vẫn mặc bộ quần áo lao động".
"Sau khi đăng ký vào danh sách thi cho ngày hôm sau, tôi về đường Cao Bá Quát ăn cơm rồi lân la dò hỏi những thí sinh đi thi cùng để biết hơn về diễn xuất, ngày ấy nói thật nhìn cái gì cùng ngây ngô thế mà dám đi thi tuyển diễn viên đúng thật là buồn cười. Sáng hôm sau khi vào thi, tôi run lắm. Sau khi hát một bài, người ta bảo tôi đọc một đoạn truyện rồi bắt diễn tiểu phẩm. Nhìn thấy tôi ngơ ngác hỏi một cách thật thà, tiểu phẩm là gì ạ? Rồi họ hướng dẫn tôi diễn một vở kịch nghe tin một người bạn bị tai nạn mất, thế nào mà tôi diễn lúc đấy hay thế, cứ khóc như mưa thôi.”
Đem sự ngơ ngác đến với nghệ thuật nên sau khi bước ra khỏi phòng thi, ông cũng chẳng mấy hi vọng vào kết quả. Anh chàng công nhân vẫn tiếp tục quay trở lại mỏ để làm công việc của mình cho đến một ngày...
"Trở về từ Hà Nội sau lần thử sức, tôi vẫn đi làm bình thường. Rồi đến buổi trưa một ngày, khi đang ngủ, bỗng có người gọi tôi dậy và bảo có giấy từ Hà Nội gửi về. Đó là giấy báo trúng tuyển. Cảm giác đó đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Tôi đã cầm tờ giấy lao về nhà, gọi bố dậy và thông báo tin vui. Bố tôi lúc đó vẫn còn ngơ ngác vì chưa biết chuyện gì xảy ra. Và khi ông chưa hết ngạc nhiên thì tôi đã chuẩn bị khăn gói để lên Hà Nội nhập học. Bố biết chuyện tôi thi đỗ thì phấn khởi lắm. Đến khi phim Khói trắng được khởi chiếu, bố đã vô cùng tự hào".
Và ông đi học, khóa đầu tiên của trường trung cấp diễn viên. Cùng với Trà Giang, Lâm Tới, Ngọc Lan... Trong thời gian học ở trường, ông đóng một số vai phụ trong những phim Vợ chồng A Phủ, Chim vành khuyên... rồi cứ thế, ông quen dần với phim ảnh.
Đây là lần may mắn, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn được gặp bác Hồ, bác có tặng nghệ sĩ một điếu thuốc, lúc ấy người nghệ sĩ già không dám hút mà để lại làm kỷ niệm cho đến khi điếu thuốc mục nát đi
"Năm 1963, tôi đóng Khói trắng, đây là bộ phim tốt nghiệp đầu tiên. Sau đó ngày 15.10.1963 tôi đi khám nghĩa vụ quân sự để đi bộ đội và vào đơn vị trinh sát đặc công của sư đoàn 350. Lúc ấy, bộ đội phải tập luyện rất khổ sở. Thậm chí khổ đến nỗi sau mỗi buổi tập về, tôi lại thở phào: ‘Mình sống rồi’ để hôm sau lại có tinh thần tiếp tục".
"Cuối năm 1963, khi chuẩn bị đi Lào đánh nhau thì bỗng nhiên có một chiếc xe ô tô biển xanh xuất hiện ở bãi tập. Nhận lệnh của Đại đội trưởng về Bộ tư lệnh nhận nhiệm vụ mà tôi giật mình, không biết chuyện gì đang xảy ra. Hóa ra, bên công an vũ trang đến mời tôi đóng phim Trên vĩ tuyến 17. Sau khi xong phim đó, tôi chuyển sang quân hàm xanh chứ không phải quân hàm đỏ như trước nữa".
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn khi còn ở trong quân đội
"Tiếp đó, tôi đóng tiếp Lửa rừng và Bình minh trên rẻo cao. Ngày xưa, mỗi bộ phim phải quay khoảng 2 năm chứ không nhanh như bây giờ đâu. Về sau, tôi được biên chế vào đoàn văn công bộ đội biên phòng, lúc ấy mới gặp bà nhà tôi từ Trung Quốc về. Rồi tôi được cử đi học lớp trung cấp đạo diễn trong nước năm 1968. Khi có lớp tuyển đi Nga để học đạo diễn, tôi đi thi và đỗ".
Và ông đi Nga. Nhớ lại thời điểm đó, ông kể: "Ngày lên đường, tôi chỉ có thể bập bẹ được vài câu cơ bản như 'Tôi đói, cho tôi ăn' nên không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng và lúng túng khi sang nước bạn. Khi sang đến Nga, tôi học dự bị ở Lômônôxốp được một năm. Sau đó tôi thi chuyên ngành và chuyển về nhập học ở trường đại học sân khấu âm nhạc và điện ảnh. Ở bên đó, thầy cô rất tuyệt vời, tôi học được rất nhiều ở đấy".
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn thời đi học bên Liên Xô cũ
"Nói đến kỷ niệm thì vô cùng lắm, vui có, buồn cũng có. Nỗi buồn lớn nhất của chúng tôi lúc ấy chính là lo sợ gia đình ở Việt nam không biết sống hay chết, còn chiến tranh mà".
"Năm 1977 tôi về nước, về bộ tư lệnh làm việc rồi được mọi người gọi đi dựng kịch. Đến năm 1980, khi thành lập trường Đại học sân khấu điện ảnh, tôi chuyển từ quân sự sang dân sự, mở lớp rồi giảng dạy ở đó. Năm 1989 tôi lên Cục nghệ thuật biểu diễn được ba tháng thì sang Nga để bảo vệ sau đại học. Sau đó lại về Cục. Đến năm 2000, tôi chính thức về hưu. Khi về hưu, tôi được trở lại nghề cũ của mình là đóng phim, cho đến bây giờ là hơn 80 phim".
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tiếp vợ chồng cố nghệ sĩ hài Văn Hiệp
Vừa lật cuốn nhật ký, ông vừa kể: “Tôi đóng phim rất cẩn thận. Nếu muốn mời tôi làm phim thì phải cho tôi xem trước kịch bản. Dài đến mấy tôi cũng sẽ đọc hết để hiểu nhân vật. Nếu không có kịch bản, tôi sẽ từ chối ngay”.
“Đóng phim nếu nghĩ đến caste thì không theo được nghề. Diễn viên tầm như tôi được trả khoảng 650 - 700 nghìn cho một ngày đứng trước ống kính, bèo bọt lắm. Nhưng bù lại, tôi được gặp chiến hữu, bạn bè đồng nghiệp. Thứ hai nữa là đi du lịch không mất tiền. Thế nên mọi vất vả nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho niềm vui”.
Cuộc đời của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn không chỉ có những vai diễn, ông còn nhiều trăn trở về cuộc sống.
“Những năm 80, tôi đi dựng kịch cho đoàn Nghệ Tĩnh. Thấy anh em khổ quá mà thương, mọi người vừa tập kịch xong thì ào ra ruộng rau khoai lang héo để ngắt rau về luộc”.
"Vừa rồi lên Sơn La quay phim, đoàn có thuê mấy em nhỏ với giá 5.000 một em. Quay xong, chúng tôi về đoàn ăn cơm còn các em thì về nhà. Đang ăn cơm thì nghe tiếng trẻ con khóc ầm, tôi mới chạy ra xem như thế nào thì nhìn thấy các cháu đang ngồi bên cái nồi méo mó. Một đứa khóc: 'Bố mẹ đi nương chưa về, không có gì ăn'. Tôi quay về đoàn và trút hết thức ăn để đưa lên cho các cháu. Nhìn những đứa trẻ vùng cao ngấu nghiến ăn thức ăn tôi mang đến mà tôi ứa nước mắt".
Rồi những ngày sang giảng dạy ở Lào, nhìn thấy cuộc sống quá khổ sở của sinh viên ở bên đó, ông đã dùng tiền của mình của mình mua thức ăn cho các em. Đến ngày về, ông chỉ mang về được 100 đô. Vợ ông biết chuyện, bà hờn giận nhưng với lời lẽ nhẹ nhàng, chân chất nhất, ông đã giải thích cho bà hiểu. "Bà ấy cũng thông cảm thôi, bản chất nông dân mà, cũng hiểu cái nghèo là như thế nào chứ", ông cười.
Những kỷ niệm khi nghệ sĩ Mai Ngọc Căn giảng dạy tại nược bạn Lào
Nhắc đến vợ, ông kể: "Năm 1966, bà ấy về nước, chúng tôi gặp nhau, yêu nhau và đến 1967 thì tổ chức đám cưới. Ngày xưa, tôi và bà ấy ở hai phòng gần nhau trong doanh trại bộ đội, mỗi lần muốn gặp nhau phải kiếm kẹo để nhờ mấy đứa trẻ con chuyển giúp thư. Ngày ấy hẹn hò phải trốn, khổ lắm. Đàn ông và phụ nữ ngồi với nhau phải mở tung cửa ra và phải ngồi cách xa nhau ra chứ không được như bây giờ đâu".
Bức ảnh cưới hiếm hoi của vợ chồng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn
"Ngày cưới, mọi người đang ngồi liên hoan thì tiếng còi báo động rú lên. Thế là tất cả lại nhảy xuống hầm cá nhân, qua còi báo động lại lên. Sự việc đó cứ diễn đi diễn lại suốt một ngày trời như thế".
Nghe chuyện của chúng tôi, vợ của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn ngồi xuống ghế, vui vẻ: "Ngày xưa đám cưới đơn giản lắm, chẳng có gì ngoài bánh kẹo, bánh còn phải tự làm lấy. Hai vợ chồng là bộ đội, tôi tiết kiệm được khoảng chục cân đường rồi nhờ người bác họ mua 4kg bột mì về làm các kiểu bánh. Đám cưới thì diễn ra từ sáng cho đến 9,10 giờ đêm vì mỗi lần chỉ được vài người khách.
Vợ chồng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn thời năm 1979
Và thời năm 1993
Bức ảnh duy nhất còn sót lại của mẹ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn chụp cùng con dâu và 2 cháu, mẹ của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là phụ nữ của thế kỷ trước nữa, bà xé bỏ tất cả những bức ảnh nào có hình của bà trong đó.
74 tuổi, cống hiến cho nghệ thuật cả cuộc đời nhưng cũng như cố diễn viên Văn Hiệp, ông không cất cho mình bất cứ danh hiệu nào. Điều tự hào nhất của người nghệ sĩ già ở thời điểm hiện tại là ông có được tình cảm nồng nhiệt của khán giả.
" Từ cháu bé cho đến người già đều dành cho tôi tình cảm vô cùng quý. Có lần cả đoàn đang đi quay phim ở Sơn La, có một bà bán bánh rán ở ngang đường đã vẫy tôi lại hồ hởi: ‘Này, này ông kia cầm lấy cái bánh rán, ăn đi còn quay phim’. Tự nhiên lúc ấy mình xúc động lắm. Nhiều trường hợp ăn phở xong, lúc đứng dậy tính tiền thì có người thanh toán tiền cho rồi. Tôi được những đáp trả rất vô giá mà dùng tiền không thể nào mua được".
"Cũng có nhiều người dân hỏi tôi tại sao đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ danh hiệu gì. Đối với tôi, nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân là nghệ sĩ của Đảng và nhà nước. Còn tôi, dù không có danh hiệu gì nhưng tôi hạnh phúc vì là người nghệ sĩ của quần chúng. Và cho đến giờ phút này, tôi cảm giác tôi không thiệt gì cả. Cứ sống đúng cái tâm của mình. Đừng sợ thiệt".
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn và một vai diễn trong phim
Những hình ảnh đời thường của Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn giờ đây:
Những người bạn của ông người còn người mất, nhưng cái cách ông nhớ tới họ là nhớ tới những kỷ niệm khi đóng phim cùng nhau
Gần cả một đời cống hiến cho điện ảnh, thứ ông cảm thấy quý giá nhất không phải là những danh hiệu, mà chính là những tình cảm mà công chúng đã dành cho ông
Đã phải đóng nhiều cảnh lên nóc tủ và nằm ở nhà xác, nhưng người nghệ sĩ già vẫn luôn lạc quan với đời
Nự cười hạnh phúc của hai vợ chồng già
Dù giờ đây phải gồng theo nhu cầu của cuộc sống, người nghệ sĩ tâm sự rằng ông vẫn muốn tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp diễn