Kỹ thuật nhưng không thể đánh mất tình cảm
Trong môi trường nghe xem đang thay đổi hàng ngày, chị có thấy mình đi theo hướng cũ không khi mà ra một album về biên giới, hải đảo có khá nhiều bài cũ ?
- Tôi thấy trước đây những ca khúc viết trong thời kỳ đất nước gian nguy, con người phải đứng trước sự sống và cái chết vậy mà chẳng thấy có gì là nỗi sợ hãi, mà vẫn đầy trong sáng và tràn ngập tình yêu. Phải có niềm tin, lý tưởng mới viết được những ca khúc như vậy.
Tôi đã có sự chọn lọc khá kĩ danh sách bài lần này, vẫn sử dụng một số ca khúc cũ trước hết vì nó hay, sau vì những bài mới hấp dẫn, cùng đề tài không có nhiều. Có thể khi nghe tên các bài nằm trong album này sẽ không gây được nhiều sự chú ý nhưng khi âm nhạc được cất lên với phần thể hiện cả giọng hát cũng như hòa âm sẽ tạo nên một bức tranh bằng âm nhạc đa sắc màu khiến người nghe cảm thấy tràn đầy sự thú vị.
Tôi cũng đã từng làm những album mang tính đột phá hơn như "Hãy yêu nhau đi" làm theo phong cách bán cổ điển, khá mới, có bài nước ngoài; "Tình ca xanh" hoàn toàn đổi mới về hòa âm, mang âm hưởng dân gian với ý đồ làm xanh những ca khúc nhạc đỏ; album "Khát vọng" có một vài bài mới của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc..
Thời gian gần đây chị muốn cải thiện điều gì trong cách hát của mình?
- Tôi luôn muốn gần gũi với khán giả, nhưng không biến mình thành con người khác. Hiện nay tôi không hẳn muốn cải thiện về kỹ thuật, bởi theo tôi kỹ thuật phục vụ chỉ để cho mình hát hay hơn, xử lý tốt những nốt cao, những phần lạ, những câu/đoạn khó; nhưng không thể đánh mất tình cảm. Khi kỹ thuật tốt rồi, mọi thứ sẽ trở về tự nhiên và mình không còn phải lo lắng về nó nữa.
Quay trở lại với CD mới của chị về biên giới và hải đảo, tôi thấy có rất nhiều ý nghĩa, phần giọng hát cũng rất tốt, tuy nhiên cách dựng bài, hòa âm, làm ý tưởng lại không có gì mới?
- Đó là một album được nhiều người phản hồi tốt, tôi cũng muốn tặng nó như một món quà chỉnh chu và có chất lượng cho các chiến sĩ ngoài biên giới và hải đảo. Bản thân tôi cũng muốn mới mẻ hơn nữa, nhưng vì có nhiều ca khúc mang tính vùng miền, nên cách hòa âm cũng không thể ra khỏi việc phải xuất hiện những nét nhạc của khèn, sáo...
Để phát triển, mới mẻ, để lại ấn tượng sâu hơn nữa là một chiến lược lâu dài của tôi chứ không phải chỉ qua CD này. Tôi cũng vừa xem thông tin về các nghệ sĩ trên thế giới, họ thường phải đầu tư ít nhất từ 2-5 năm cho một album hay một chương trình, điều đó đem lại hiệu quả khác biệt
Những cái hào nhoáng dễ được tiếp cận hơn
Là một nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, theo dõi kết quả của cuộc thi Sao Mai vừa rồi, chị thấy nó có tiềm năng khơi gọi một đời sống âm nhạc tươi mới hơn, có nhiều nhân tố mới hơn không?
- Theo quan sát của tôi thì chưa. Tôi chỉ nhìn thấy có Võ Hồng Quân - thí sinh đăng quang dòng thính phòng là có nét đặc biệt hơn. Giọng tương đối tốt, kỹ thuật tốt, hơi thở rất tốt.
Chị có định theo đuổi và phát triển sâu hơn vào dòng thính phòng không? Vì thực ra nhạc nhẹ ở Việt Nam thì cũng có nhiều người làm rồi.
- Tôi cũng thích lắm nếu được toàn tâm toàn ý theo nó. Tôi vẫn theo đuổi, muốn làm mới nữa trong âm nhạc thính phòng, ca khúc nghệ thuật. Nhưng ở những giai đoạn cuộc sống khác nhau mình sẽ làm ở mức độ khác nhau. Và điều này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố kinh tế nữa, muốn làm một liveshow thính phòng hay, một CD thính phòng hay, thực sự ý nghĩa cũng là cả một vấn đề.
Có phải là vấn đề chưa có đủ khán giả ở dòng này?
- Không. Khán giả yêu mình bây giờ cũng nhiều lắm. Nghe thính phòng thì cứ tưởng đao to búa lớn, nhưng thực ra đó là những ca khúc rất hay, tình cảm, chỉ khác ở cách hát, âm sắc giọng và ca khúc nên làm thành sự phân dòng (ca khúc cho thính phòng thường có những đoạn khó và đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc vững chắc - PV). Nó rất dễ nghe, bởi mình hát ở dòng nào thì quan trọng nhất cũng là phải chạm được vào trái tim khán giả.
Nhớ lại vụ việc với ca khúc "The phantom of the opera" được sử dụng cho phần thi của Minh Quân và Thanh Hằng tại cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2012. Sau khi nghe bản gốc do chị và Minh Quân trình diễn nhiều bạn trẻ mới ngỡ ngàng nói hóa ra nước mình có người hát hay như vậy. Tôi đã thấy nhiều trường hợp như thế, mọi người bất ngờ vì một ngày phát hiện ra những nhân tố xuất sắc đang tồn tại ngay ở cạnh mình nhưng lại không được biết đến, bị những sản phẩm kém chất lượng hơn rất nhiều lần vùi lấp trước công chúng.
- Vâng, cuộc sống này người ta vẫn nói "vàng thau lẫn lộn". Sự quảng cáo, lăng xê, PR ở thị trường ảnh hưởng đến công chúng rất nhiều; những cái hào nhoáng bên ngoài dễ được tiếp cận hơn, đặc biệt là với giới trẻ. Cái tốt ít có cơ hội xuất hiện hơn. Bản thân chúng tôi cũng không biết được bằng cách nào để có thể xuất hiện theo cách như vậy. Chúng tôi chỉ nghĩ được hát, được theo đuổi nghệ thuật là tốt rồi, chẳng nghĩ đến những cách khác nữa.
Sau những tranh cãi về âm nhạc của cả khán giả và người làm nghề gần đây, dường như đang có sự lẫn lộn giữa vùng của giải trí và vùng của nghệ thuật. Ngay trong nhóm giải trí cũng tự phân cấp ra mức: "giải trí nghệ thuật" và "giải trí cực kì thuần túy". Phải hiểu những sự phân chia này như thế nào bây giờ, thưa chị?
- Tiêu chí của từng người rất khác nhau, khán giả cũng có nhiều nhóm khán giả khác nhau. Có người rất sâu về mặt nghệ thuật và đòi hỏi cao hơn những người khác.
Nhưng âm nhạc rộng lớn lắm, mình chỉ bé nhỏ như một hạt cát. Không nói đến giải trí, chỉ nói đến nghệ thuật và âm nhạc thôi, càng học tôi lại càng thấy như muối bỏ biển. Bản thân tôi khi biết ít cứ nghĩ mình đã biết rất nhiều, nhưng dần dà mới thấy không phải. Chỉ riêng trong lĩnh vực thanh nhạc chứ chưa nói đến giao hưởng thính phòng, tôi đã thấy mình bé nhỏ quá. Dù được mọi người khen nhiều, dù mình đã có cố gắng, nhưng phải nói thật tâm rằng khi muốn vươn ra thế giới, muốn nghe xem ở trình độ/đẳng cấp thế giới, mình mới thấy mình còn thiếu sót nhiều lắm.
Nên tôi sẽ không bao giờ ngừng phấn đấu, muốn thành công và được khán giả yêu mến phải luôn luôn cố gắng cống hiến và đam mê, và vẫn phải tiếp tục trau dồi. Vì chỉ một hai ngày thôi nếu không rèn luyện sẽ bị mai một rất dễ dàng.
Xin cảm ơn ca sĩ Lan Anh!