Nhạt, sống sượng, bị cắt xén... là những gì mà nhiều cư dân mạng và không ít tờ báo đang "dành tặng" Táo Quân 2014 sau khi chương trình được chính thức phát sóng vào đêm 30 Tết. Ekip làm Táo Quân năm nay bị chê nhiều hơn khen, nhưng đáng buồn là trong đám đông đưa ra những lời chê bôi ấy, không phải ai cũng ngồi xem hết cả chương trình, và rất ít người chỉ ra cụ thể được đâu là chỗ chưa hay, chưa hợp lý của kịch bản và diễn xuất!
Thậm chí, có người chê chỉ vì... "cả thiên hạ" người ta chê hết, chẳng lẽ mình lại khen? Họ sợ bị coi là khác người, "không hiểu biết" nên cũng hùa vào ném đá hội đồng ekip làm Táo Quân 2014. Nỗi sợ của họ, xét cho cùng cũng chẳng khác gì "nỗi lòng" của anh Táo Giao thông năm nay, người luôn mang tâm lý: "Ai cũng có lỗi, một mình em không có lỗi thì hình như em đi ngược chiều".
Đứng trong một guồng quay, anh Táo Giao thông không dám và không thể là kẻ đúng duy nhất trong khi những người khác đang đi theo lối mòn mang tên sai lầm. Đó là lý do Tự Long cứ phải chạy lòng vòng, giật lấy lỗi sai của chị Táo Y tế để khoác vào người cho ra vẻ một kẻ-làm-được-việc! Buổi chầu đầu tiên của Táo Giao thông Tự Long là thế đó, tưởng chừng ngu ngơ vớ va vớ vẩn, nhưng lại rất thâm thúy và sâu cay!
Nhiều người chưa xem kỹ Táo Quân 2014 đã hùa theo đám đông "ném đá" chương trình.
Với Táo Kinh tế (Quang Thắng đóng), điểm nhấn đậm nét nhất chính là về gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng, hàng triệu khán giả liên tưởng ngay đến việc các bộ ngành liên quan ban hành thông tư để thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ. Những chuyện như mỗi gia đình 2 vợ chồng đi làm phải có thu nhập 18 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện tham gia vay gói hỗ trợ từng khiến dư luận,phản ứng rất mạnh mẽ, và nhờ Táo Quân 2014 chúng đã được tái hiện bằng một cuộc thi gây cười và có phần... ngớ ngẩn.
Treo số tiền khổng lồ lên cao, bôi đầy dầu mỡ quanh một cây cột và thách đố người dân leo lên đó lấy khoản tiền khổng lồ, chỉ bấy nhiêu đó điều kiện cũng khiến những người có sức khỏe bình thường phải thè lưỡi, lắc đầu.
Chưa hết, muốn có cơ hội chạm vào chiếc cột dầu dầu mỡ ấy, người trèo phải có huyết áp trên 140, nếu huyết áp chỉ đến 139 cũng phải lủi thủi đi về vì không đủ điều kiện chứ đừng nói đến 138 hay 137! Gia đình hoàn cảnh cũng là một trong những yếu tố quyết định việc người dự thi có được leo cột dầu hay không. Đó là còn chưa kể tới việc càng bị trĩ càng có cơ hội thoát nghèo! Một điều kiện vừa nực cười vừa chua chát.
Chí Trung (ngoài cùng bên trái) với "cái mặt không ưa được" trong vai Táo Điện lực.
Chí Trung năm nay không khom lưng nhận lỗi như mọi năm ở vai trò Táo Giao thông nữa. Anh vào vai Táo Điện lực, một kẻ ngang ngược và luôn cho mình là đúng. Giữ nụ cười rạng rỡ từ đầu buổi chầu cho đến khi ra về, Táo Điện lực đã cho thấy rõ sự lạnh lùng như cách mình quyết định xả lũ để hàng ngàn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Chi tiết này không hề rẻ, và nó còn rất đắt với những người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam), khi mà các cấp chính quyền từng gửi công văn kêu gào, than khóc, năn nỉ đến chủ đầu tư của các nhà máy thủy điện để xin hỗ trợ kinh phí, khắc phục hậu quả do việc xả lũ gây ra.
Nếu Táo Điện lực là kẻ kiên quyết không chịu nhận sai thì Táo Y tế lại chẳng khác gì... gái gọi khi đưa tiền đến đâu, cởi đồ đến đó. Có lẽ đến đây, người xem khó có thể cười được nữa vì những người vốn được xem là "từ mẫu" bao năm nay bán rẻ hết từ trong ra ngoài vì hai chữ: phong bì.
Táo Y tế đã bị treo lên cao, bị lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc, bị đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết trong khi những người chung quanh vẫn lạnh lùng cười cợt - đúng như cái cách mà người bệnh phải chịu đựng khi đến bệnh viện.
Không vòng vo, không bóng gió, lần này những người làm chương trình đã chọn cách "chửi thẳng". Điều này cho thấy ekip làm Táo Quân 2014 đã nỗ lực như thế nào để giữ gìn đứa con tinh thần của họ, để giữ lại những tình tiết phản đúng một cách đau đớn ánh hiện thực của ngành Y.
Vai Ngọc Hoàng được xem là cú đột phá xuất sắc của ekip Táo Quân 2014.
Nhưng Ngọc Hoàng có lẽ là sáng tạo đột phá nhất. Chẳng ai có thể ngờ được một người có quyền lực cao nhất một ngày nọ cũng có thể bị thay thế bằng một anh Tèo chưa học đến lớp 3.
Không đăm chiêu, không cau mày cũng chẳng gằn giọng, anh Tèo Ngọc Hoàng phản ứng rất "người dân", sẵn sàng ném dép vào đối tượng cảm thấy bức xúc như anh Táo Điện lực, nhưng cũng rất biết mình là ai khi đứng cạnh chị Táo Y tế để đưa phong bì.
Nếu những năm trước, khán giả chỉ nghe Nam Tào - Bắc Đẩu kể chuyện người dân bức xúc thế nọ, ca thán thế kia thì năm nay, một người dân thật sự đã được đưa lên thiên đình, được chứng kiến buổi chầu từ đầu đến cuối và được phản ứng chân thật như cách họ vẫn thường làm. Đó là sáng tạo quá mới mẻ, khiến ao cũng phải hỉ hả.
Sâu sắc và thâm thúy đến thế nhưng Táo Quân 2014 vẫn bị chê, phải chăng những người đó đang đặt lên chương trình quá nhiều kỳ vọng? Có lẽ họ muốn được nghe "chửi" nhiều hơn, được nhìn thấy nhiều hơn các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống được phản ánh dưới tấm rèm hài hước mà quên rằng Táo Quân rốt cuộc vẫn là một chương trình giải trí, mang lại tiếng cười cho người dân vào những thời khắc cuối cùng của một năm.
Táo Quân không thể phản ánh hết tất cả những vấn đề của cuộc sống vì thời lượng chương trình có hạn, cũng chẳng thể gay gắt hay chỉ trích theo kiểu một chuyên gia kinh tế hay một nhà hoạch định. Chương trình đơn giản chỉ là đứa con đẻ của những người làm nghệ thuật, những người muốn mang lại tiếng cười cho công chúng trong những thời khắc cuối cùng của ngày cuối năm.