Bi kịch của "dòng máu anh hùng" Nguyễn Thành Luân

Hà My |

(Soha.vn) - Càng khắc sâu hình tượng Nguyễn Thành Luân trong tâm trí, người yêu mến Chánh Tín càng đau đớn vì câu nói đầy bất lực của "dòng máu anh hùng" lừng lẫy một thời.

 Thông tin mới nhất về cảnh ngộ của NSƯT CHÁNH TÍN

Khán giả biết đến NSƯT Nguyễn Chánh Tín như là một diễn viên tài hoa, đóng đinh trong lịch sử điện ảnh Việt qua vai diễn để đời Nguyễn Thành Luân trong "Ván bài lật ngửa". Ông cũng đã tham gia đạo diễn, sản xuất nhiều bộ phim vang danh một thời, trong đó có "Dòng máu anh hùng". Thế nhưng, ở tuổi 62, người nghệ sĩ lãng tử bậc nhất ngày nào lại đang mang trong mình nhiều bệnh tật, sắp mất nhà ở, và phải lên tiếng cầu xin sự trợ giúp của cộng đồng...

Nguyễn Thành Luân bước ra đời thực

Chánh Tín sinh ra trong gia đình yêu nghệ thuật và sớm thừa hưởng tình yêu ca hát từ mẹ. Tuy vậy, con đường đến với điện ảnh của cậu bé gốc Bạc Liêu không hề suôn sẻ với biết bao trận đòn roi, bởi cha ông sợ con trai theo nghiệp "xướng ca" thì sẽ khổ...

Cậu bé Chánh Tín lúc 15 tuổi

Cậu bé Chánh Tín lúc 15 tuổi

Chánh Tín bắt đầu trở thành một ca sĩ có tiếng trong lần biểu diễn văn nghệ ở trường học, bằng ca khúc "Nghìn trùng xa cách" của nhạc sĩ Phạm Duy. Để rồi sau đó, chàng ca sĩ với vẻ ngoài hào hoa, lãng tử nhanh chóng lọt mắt xanh của nhiều đạo diễn điện ảnh. Năm 1973, Chánh Tín đoạt huy chương vàng trong lĩnh vực điện ảnh, đồng thời đạt giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn khi đó bình chọn.

Những năm 1980, Chánh Tín từ ca sĩ nổi tiếng trở thành ngôi sao điện ảnh còn nổi tiếng hơn, với vai diễn Nguyễn Thành Luân trong bộ phim "Ván bài lật ngửa". Diễn xuất của Chánh Tín được đánh giá là chân thật và có gì đó rất khác người. Không quá để nói rằng, nhờ có ông mà "Ván bài lật ngửa" thành công vang dội: Giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, Giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, Giải nam diễn viên chính xuất sắc LHP Việt Nam lần thứ 8.

Vai diễn Nguyễn Thành Luân sau đó cũng đưa cuộc đời và sự nghiệp Chánh Tín sang những ngã rẽ bất ngờ. Suốt nhiều năm sau, ông làm xao xuyến trái tim bao nhiêu cô gái. Khán giả nhất là nữ say mê, ngưỡng mộ, săn đón nhiều đến mức đi đâu, ông cũng phải che kín mặt, đeo kính đen, ngủ chỗ nào phải ra vào như hoạt động bí mật!

Có lần tại sân vận động Pleiku, hàng ngàn khán giả chen lấn xô đẩy vào xem chương trình có ông tham gia khiến cánh cửa sắt sân vận động đổ sập... Lần khác, đi diễn ở tỉnh xa, một nữ khán giả vừa trông thấy ông đã ngất xỉu vì… hạnh phúc. Lần khác nữa, đoàn nghệ sĩ đến phà Gianh, Quảng Bình, gặp bão nên kẹt phà, cả ngàn xe xếp hàng rồng rắn. Đột nhiên có người phát hiện ra Chánh Tín trong đoàn nghệ sĩ. Thế là tất cả các xe đều nhường để chở ông và đoàn qua phà! Một bác tài còn cố với người ra khỏi xe nói: “Xin chào đại tá Nguyễn Thành Luân”!

Vai diễn Đại tá Nguyễn Thành Luân do Chánh Tín đóng

Vai diễn Đại tá Nguyễn Thành Luân do Chánh Tín đóng

Chánh Tín gắn liền với "Ván bài lật ngửa" đến mức mà sau này, dù ông đã thành công ở vai trò đạo diễn, sản xuất rất nhiều bộ phim khác, người ta vẫn chỉ muốn gọi ông là... Nguyễn Thành Luân mà thôi. Hình tượng đại tá tình báo Nguyễn Thành Luân vừa mang "dòng máu anh hùng" lẫm liệt của dân tộc và thời đại, vừa có chất lãng tử rất riêng qua sự thể hiện của Chánh Tín.

Nhưng trớ trêu thay, Nguyễn Thành Luân hào hùng của ngày nào giờ đây lại phải "bỏ qua sĩ diện nghệ sĩ" để cầu viện sự giúp đỡ của công chúng. Mà nguồn cơn lại từ... "Dòng máu anh hùng"!

Dòng máu anh hùng

NSƯT Chánh Tín còn đóng góp cho điện ảnh trong vai trò đạo diễn, nhà sản xuất phim từ năm 1990.

Ông là người từng góp phần hồi sinh và phát triển dòng phim kinh dị Việt, vốn đã bị bỏ quên từ 15 năm trước đó. Ngôi nhà oan khốc làm năm 1992 với mức đầu tư rất cao, khoảng 300 triệu đồng và thành công vang dội. Sau cú đột phá này, ông sản xuất hàng loạt các phim cùng thể loại như: Xác chết trên cao nguyên, Chiếc mặt nạ da người… Phim Chết lúc nửa đêm (2007) đã đoạt giải Bông sen vàng, đây là giải thưởng đầu tiên và duy nhất của thể loại phim kinh dị cho đến bây giờ.

Tác phẩm tiếp theo khiến tên tuổi Chánh Tín một lần nữa "đóng đinh" vào tâm trí những người yêu điện ảnh Việt Nam là Dòng máu anh hùng, do hãng phim Chánh Phương sản xuất. Ông cũng đóng một vai nhỏ - cha của Cường (Johnny Trí Nguyễn) ở đầu phim.

Đạo diễn Chánh Tín chụp ảnh kỷ niệm cùng cháu trai Johnny Trí Nguyễn khi tham gia bộ phim Dòng máu anh hùng

Chánh Tín chụp ảnh kỷ niệm cùng cháu trai Johnny Trí Nguyễn khi tham gia bộ phim Dòng máu anh hùng.

Chánh Tín dốc nhiều tiền bạc và công sức để đầu tư cho phim. Thành công về mặt thương hiệu cũng như nghệ thuật của Dòng máu anh hùng là không phải bàn cãi. Nhờ sự đầu tư "khủng" và dàn viễn viên giỏi, không ngoa khi nói Dòng máu anh hùng là bộ phim võ thuật Việt Nam hay nhất từ trước đến thời điểm đó, giúp khán giả được mãn nhãn trước những pha hành động, múa võ nhanh, đẹp chưa từng có.

Nhưng chua chát và cay đắng thay cho Chánh Tín, Dòng máu anh hùng lại chính là nguyên nhân khiến gia đình ông bại sản...

Bi kịch

Nói về tình cảnh hiện tại, Chánh Tín thú thực rằng mọi việc xuất phát từ bộ phim Dòng máu anh hùng (sản xuất năm 2007). Khi đó, Chánh Tín đã thế chấp căn nhà mà ông đang ở để lấy 8,5 tỉ đồng hùn hạp với người nhà thực hiện bộ phim này. Dù sau đó phim thành công về mặt nghệ thuật và thắng lợi về mặt doanh thu trong nước, nhưng phim lại gặp phải vấn nạn sao chép lậu ở nước ngoài dẫn đến không thu hồi lại được vốn đầu tư (khoảng 1,5 triệu USD tương đương gần 30 tỷ đồng).

"Khi đó, chúng tôi có làm việc với FBI nhưng được biết để theo đuổi vụ kiện này phải tốn gần 500.000 USD. Nếu những kẻ sao chép có tiền thì họ còn đền cho mình, còn gặp kẻ vô sản thì cũng coi như tốn thêm tiền mà không được gì nên chúng tôi đành ngậm ngùi chịu lỗ", Chánh Tín kể.

Cũng chính từ đây, gia đình ông phải gồng gánh số nợ lớn từ ngân hàng. "Mấy năm đầu tôi còn ráng làm lụng để trả nợ ngân hàng nhưng càng về sau, làm ăn thua lỗ, gặp chuyện gì cũng lụn bại, dự án trồng rau sạch ở Lâm Đồng chưa bắt đầu đã trắng tay dẫn đến không còn khả năng chi trả"...

Ngày 20/3 tới đây, ông sẽ buộc phải giao lại căn nhà mà mình gắn bó hơn 40 năm nay cho ngân hàng. Câu chuyện "Chánh Tín vỡ nợ", sắp phải "ra đường" bỗng chốc trở thành nỗi đau xót chung của không chỉ giới nghệ sĩ mà còn của cả nền điện ảnh Việt lừng danh một thời...

"Thành công với nghệ thuật nhưng cũng chính niềm đam mê nghệ thuật đã giết tôi”. Càng khắc sâu hình tượng Nguyễn Thành Luân trong tâm trí, những người yêu mến Chánh Tín càng đau đớn vì câu nói đầy bất lực "dòng máu anh hùng" lừng lẫy một thời...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại