Mùa lũ vừa qua, người Arem cũng chịu không ít những thiệt hại do mưa bão, lũ, toàn bộ đường lên bản bị ngập lụt nặng khiến việc giao thương khó khăn. Đây cũng là vùng sâu xa nên không được nhiều tổ chức, cá nhân tới thăm hỏi, động viên.
Thái Như Ngọc thật sự đồng cảm và chia sẻ với bà con Arem khi thấy cảnh sống còn khổ trăm bề của họ. Lũ lụt làm việc cấy trồng của họ gặp nhiều khó khăn nên cuộc sống luôn bấp bênh. Thái Như Ngọc hy vọng, cô sẽ còn quay lại để chia sẻ với bà con vào thời gian tới đây nữa.
Á hậu Thái Như Ngọc và những người bạn của mình đã không ngại chặng đường vất vả, mang gạo, cá khô, mì cùng một số mặt hàng khác đến tới bà con. Tại đây, cô đã nhận được rất nhiều tình cảm của người dân vùng núi này, một chàng trai người Arem đã bông đùa: "Đẹp như cô thì cứ đứng đây chúng tôi ngắm cả tháng không cần ăn cũng được".
Arem là tộc người bước ra từ rừng sâu muộn màng nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Khi được phát hiện vào năm 1956, tộc Arem chỉ có 18 người sống như thời hồng hoang trong rừng sâu Phong Nha - Kẻ Bàng, săn bắt, hái lượm để kiếm miếng ăn, lấy vỏ cây để che thân, lấy hang đá làm nơi cư trú và ra sức chạy trốn khi thấy người lạ.
Mãi đến năm 1985, bộ đội biên phòng mới phát hiện dấu tích của họ và kiên trì vận động họ về định cư. Năm 2003 Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP HCM đã giúp đỡ tỉnh Quảng Bình xây cho tộc Arem 42 căn nhà, lập bản mới tại cây số 39 ngay bên đường 20, đặt tên là Bản 39. Tại thời điểm đó tộc người Arem có 42 hộ với hơn 150 khẩu. Hiện nay tộc người Arem đã có gần 80 hộ với hơn 200 nhân khẩu.
Á hậu Thái Như Ngọc đoạt Á hậu trang sức năm 2007, ngay sau đó cô sang Mỹ định cư cùng gia đình và hiện tại, Thái Như Ngọc thường xuyên trở về Việt Nam để đầu tư kinh doanh trên quê nhà. Dù ít hoạt động showbiz, nhưng Thái Như Ngọc luôn được nhớ đến với gương mặt khả ái. Cô cũng thường xuyên có những hoạt động từ thiện khắp các miền đất nước mỗi khi về Việt Nam công tác.