9 đêm Đại tướng mất - 9 đêm gần như không ngủ

Anh Ngọc |

(Soha.vn) - Tác giả bài thơ "Vị tướng già" - Anh Ngọc đã có những lời tâm tư vô cùng tình cảm về Đại tướng trên trang cá nhân. Được sự đồng ý của ông, chúng tôi xin trích đăng.

"Thế là những ngày đất nước diễn ra một sự kiện hiếm hoi, rất lâu mới có một lần là sự khiện Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế, đầu mình không ngớt lăn tăn về trăm thứ của cõi đời, cộng với căn bệnh cường giao cảm rất nặng, mình đã trải qua 9 đêm gần như không ngủ - 9 đêm mà dài như cả một cuộc trường kháng chiến 9 năm!


	Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ và trò chuyện với Trần Đăng Khoa, Lê Lựu và Anh Ngọc. (Ảnh nguồn: Anh Ngọc)

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ và trò chuyện với Trần Đăng Khoa, Lê Lựu và Anh Ngọc. (Ảnh nguồn: Anh Ngọc)

Giờ đây nhìn lại, dẫu có muôn ngàn điều chưa nói hết thì cũng đành gác lại, chỉ xin được tóm tắt một lần cuối một số ý nghĩ và sự kiện thành các mục nhỏ sau đây, bạn nào quan tâm thì đọc cả, bạn nào ít quan tâm đọc 1, 2 mục cũng được – còn nếu bạn nào hờ hững thì thôi, cứ ngó lơ đi nhé, nói kiểu Xuân Diệu:

“Nhà anh 24 Cột Cờ (phố ĐBP ngày nay- A.N.)

Ai yêu thì đến, hững hờ thì qua…”, hihi.

1. Sự kiện Đại Tướng tạ thế đã xác định lại một cách đầy đủ về toàn bộ hình ảnh của một vĩ nhân của dân tộc trong thế kỷ 20, gồm trong đó 3 nội hàm lớn:

- Đó là một vị tướng, một anh hùng theo một “típ” đặc biệt (chỉ nói là “khác”, chứ không so sánh lớn bé…), so với các vị tướng và anh hùng trong lịch sử thế giới, từ Alexander Đại Đế, Napoléon Bonapart cho đến ngay cả Kutuzop của Nga…. (lý do thì vô số người đã và sẽ nói hộ tôi…).

- Đó là một con người bình thường nhưng phải viết hoa, hoặc nói cách khác là “tinh hoa của con người bình thường” (lý do thì chính tôi đã nói trên FB này nhiều rồi…)

- Đó là một người nghệ sĩ đúng nghĩa và cũng gợi cho ta sự đồng nhất và dị biệt giữa những “anh hùng và nghệ sĩ” (như tôi đã có một bài riêng).

2. Nếu Đại Tướng là “người được yêu” đã hiện ra như thế, thì “những người yêu” Đại Tường - tức là Nhân Dân ta – đã hiện ra và nói lên điều gì khi suốt 13 ngày đã làm “một cuộc phát biểu ý kiến bằng chân” khi xếp hàng dài miên man giữa mọi thời điểm và thời tiết để làm một cuộc “diễu dân” hùng vĩ hiếm thấy để bày tỏ lòng thương tiếc và biết ơn Đại Tướng, điều đó nói lên hai ý:

- Nhân dân ta đã xác định lại những chân lý, minh triết mà cha ông ngàn đời đã đúc kết: “Lòng dân là tất cả, là vô địch, là “có sức đẩy thuyền và lật thuyền”, những chân lý của “Thơ Thần” Lý Thường Kiệt, “Hịch Tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, những câu thơ bất hủ của Quang Trung Nguyền Huệ và “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh v.v…. và v.v…..

- Trong những ngày mà chúng ta đang phải sống trong một xã hội có quá nhiều suy thoái, nhiễu nhương hôm nay… khi những GIÁ TRỊ BỊ RỐI LOẠN, THẬM CHÍ BỊ ĐẢO LỘN, Nhân Dân ta đã xác định lại rằng NHỮNG GIÁ TRỊ CHÂN CHÍNH “CHÂN, THIỆN, MỸ” VẪN ĐƯỢC NHÂN DÂN DUY TRÌ VÀ KHẲNG ĐỊNH, không gì có thể tàn lụi hay bị tiêu giệt được. Đây là một điều VĨ ĐẠI mang lại NIỀM TIN VÀ HY VỌNG cho tất cả chúng ta hôm nay và mai sau.

3. Các vị lãnh đạo có thẩm quyền cao nhất cũng đã thực sự nghe được và làm khá đúng ý nguyện của Nhân Dân ta, toàn bộ Tang Lễ của Đại Tướng đã hoàn tất tương đối thỏa mãn được lòng dân. Đó là sự thật, ai cũng biết rằng lúc tang gia bối rối nếu có gì sai sót là lẽ thường tình, tôi xin chân thành nói, không thay mặt ai cả: “Cám ơn tất cả Quý vị lãnh đạo”.

4. Thưa các bạn, cuối cùng thì quan tài cũng đã hạ huyệt, mỗi lần nhìn những tảng đất rơi ào ào lên hình hài một con người vừa đêm qua còn sống với trần gian nay đã vùi vào trong lòng đất khiến làm ta đau buốt tận trái tim… Bất lực trước mọi ngôn từ, đành mượn mấy câu thơ tôi viết từ năm 1979 để nói về cái chết của những người con Campuchia, nạn nhân của Khơ Me Đỏ, đó là một cái chết giản dị thế này thôi:

“không phải chiếc đầu lâu triết học

hố mắt vô hồn thăm thẳm hoài nghi

- sống hay là không sống?

đây là nỗi đắng cay tuyệt vọng

nỗi khát khao trần tục cuối cùng –

cái quyền được chết trong quy luật

nỗi khát khao chỉ đến một lần –

được an nghỉ ngàn đời trong lòng đất

anh - một người ăn chay niệm phật

rước đài sen về đặt giữa nhà mình

mỗi khi đốt nén hương trầm siêu thoát

anh dọn lòng lướng tới một niềm tin:

anh mong sao đến phút chót đời mình

nhận cái chết bình yên ấm cúng

một cái chết gợi về sự sống !!!..”

(Trường ca “Sông Mê Công bốn mặt” – A.N.)

Vâng, hình hài của Người đã về với đất bụi, hóa thành đất bụi, hóa thành hoa, thành lá, thành ngọn gió thổi hay thành áng mây bay…..

Chỉ còn lại chúng ta trên thế gian này, người trước kẻ sau, đang xếp hàng để đi đến cái nhà ga cuối cùng của đời mình...

5. Và hôm qua, hôm nay trời Quảng Bình vẫn nắng gió rất đẹp…, nhưng sắp rồi, cơn bão lớn sẽ tràn vào (Quảng Bình năm nào mà chẳng bão). Có thể mai đây, thi thể Người ta yêu sẽ "nằm trong gió và chìm trong nước” A.N.) … Các bạn ơi, lúc ấy chúng ta sẽ hát bài gì để “ru người nằm xuống” đây? – Than ôi, vẫn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang chờ ta ở đó, đang đợi ta ở ….phía trước, luôn luôn và mãi:

“Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua

Chìm dưới cơn mưa một người sống thiên thu

Chìm dưới cơn mưa một hạt cát vu vơ

Chìm dưới cơn mưa là một ĐÓA THƠM THO…”!!! (“Chìm dưới cơn mưa – TCS).

Tôi không thể viết tiếp được nữa, vì sẽ khóc mất…

6. Về bài hát “Còn mãi với mùa thu”: Thực sự tôi hết sức cám ơn nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ “siêu tốc” bài thơ của tôi. Bài thơ của tôi không dễ phổ đâu. Mấy câu đầu rõ ràng còn chưa “vào” nên hơi “nhai kẹo lạc” một tý, hihi… nhưng từ câu “giờ ngồi giữa mùa thu…” càng đi càng thấy nhuần nhuyễn dần lên, đặc biệt 4 câu cuối là tối ưu, đầy cảm xúc và nói đúng hồn vía của bài thơ, kể cả cái đầu đề rất hợp, tôi tin những ai nhấm nháp nó kỹ một tý (đặc biệt rất cám ơn Nhạc sỹ đã rất giữ nguyên lời thơ, ca sĩ hát rất rõ lời), sẽ thấy nó không….đến nỗi “xấu hổ” với người đã khuất và bạn nghe nhạc đâu – tôi luôn hình dung nếu Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà còn thì ông có cho được điểm trung bình cộng hay không?

7. Và Nhạc sỹ Quỳnh Hợp còn “quý” tôi đến nỗi, tối hôm kia khi tôi chỉ lên VTV1 "đánh nhoằng một cái" có 4 phút… rưỡi, mà chị còn kịp chụp cho tôi đến… 20 bức ảnh – ôi, một tấm lòng đồng thanh tương ứng, một đồng nghiệp chí tình!

Tôi không biết nói gì hơn để cám ơn chị và ca sĩ Hoàng Hải Đăng và nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi saxophone quá tuyệt, xin cám ơn bằng cách post lên đây mấy bức ảnh của “anh già lăng nhăng thơ phú” này hầu các bạn cho vui nhé!

Chúc một buổi sáng tốt lành!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại