'Văn hóa từ chức': Đánh thức lòng tự trọng

Bài: Luân Dũng | Đồ họa: Kiều Tú | Ảnh: Như Ý |

“Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị như một lời cảnh tỉnh, đánh thức lòng tự trọng tối thiểu, bên cạnh đó là sự răn đe, nếu cảnh tỉnh mà không được thì sẽ trừng trị, nên mới có hiện tượng từ chức như chúng ta đã thấy. Đó là bước đột phá trong thúc đẩy văn hoá từ chức”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chia sẻ với Tiền Phong.

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 1.

Từ chức và văn hoá từ chức là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, nhưng vì sao khi nói đến vấn đề này, người ta lại hay nhắc đến trường hợp của ông Lê Huy Ngọ, thưa ông?

Từ chức, từ nhiệm, hay từ quan là thuật ngữ từng lưu hành trong chế độ xã hội phong kiến trước đây, và đã có những con người cụ thể thực hiện. Mỗi thuật ngữ phản ánh tâm thế, trạng thái, hoàn cảnh cụ thể đối với hành vi ấy. Trong đó từ chức bao hàm cả điều kiện làm việc và năng lực bản thân. Xã hội phong kiến, từ quan, từ nhiệm, từ chức diễn ra bình thường, được lịch sử ghi lại.

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 2.

Còn trong bộ máy của chúng ta hàng chục năm qua, cán bộ từ chức lại rất hiếm. Có lẽ dư luận chỉ nhớ đến việc từ chức của ông Lê Huy Ngọ, khi ngành nông nghiệp xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, đặc biệt vụ án Lã Thị Kim Oanh. Trước Quốc hội, ông Lê Huy Ngọ đã xin từ chức và được nhiều người hoan nghênh, đánh giá cao. Vì sao? Vì lúc đó nhiều người cho rằng, ông Lê Huy Ngọ từ chức chủ yếu vì danh dự của người đứng đầu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong ngành.

Sở dĩ dư luận đánh giá cao, vì họ cho rằng ông ấy là người có nhận thức đầy đủ về danh dự của một vị thượng thư, và ông ấy có lòng tự trọng cao; thứ nữa, ông ấy thấy việc xảy ra trong nội bộ ngành đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, nên từ chức để bảo toàn danh dự không chỉ cho Bộ NN&PTNT mà còn cho uy tín của Đảng, Nhà nước nữa. Nhưng suốt từ đó đến nay, dường như không có trường hợp nào từ chức cả.

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 3.

Nhiều người cho rằng, Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị vừa ban hành sẽ mở đường cho văn hoá từ chức, thưa ông?

Trước đây, một số trường hợp dù thanh danh đã không còn nhưng vẫn cố giữ lấy chức, cố giữ lấy cái ghế quyền lực. Vì cái ghế ấy, chức tước ấy vẫn mang lại lợi lộc cho họ; vì nữa là họ không trọng liêm sỉ, không trọng danh dự, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, bản thân...

Đến gần đây, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 20, đưa ra các tình huống và khuyến khích việc từ chức, nếu không sẽ xử lý kỷ luật. Điều này, trước hết là khơi dậy lòng tự trọng của cán bộ, khi đã bị kỷ luật, uy tín giảm sút thì nên nghỉ để người khác thay thế. Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, bước đầu đã có 3 trường hợp được cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Có thể thấy, Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị như một lời cảnh tỉnh, thức tỉnh lòng tự trọng tối thiểu, bên cạnh đó là sự răn đe, cảnh tỉnh, nếu không tự rút lui thì sẽ xem xét xử lý, nên mới có hiện tượng từ chức như chúng ta đã thấy. Đó là bước đột phá trong thúc đẩy văn hoá từ chức.

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 4.

Ngoài những trường hợp bị kỷ luật, người năng lực hạn chế, không dám quyết, không dám làm, sợ sai, thậm chí “ngồi nhầm chỗ”… có nên xem xét “rời ghế” không?

Ngoài các trường hợp trên, tôi suy nghĩ thêm rằng, có lẽ phải tiếp tục thực nghiệm tinh thần Thông báo kết luận số 20, để bổ sung thêm những tình huống khác nữa, làm sao thúc đẩy được quá trình tự rút lui, từ chức của những người thấy mình “ngồi nhầm chỗ”. Năng lực không có cũng nên từ chức sớm, nếu không sẽ gây hậu quả cho tổ chức, đơn vị, lớn hơn là tổn hại đến thanh danh của Đảng, Nhà nước.

Cần phải có những chế tài nghiêm khắc hơn, vì có những người không làm được việc, ngồi đó sẽ cản trở sự phát triển của chính cơ quan, đơn vị, địa phương, bộ ngành đó. Ví dụ, một vị chủ tịch tỉnh, cả nhiệm kỳ không làm gì cả, kinh tế- xã hội của địa phương không phát triển, nhiều dự án, công trình không triển khai được là gây hại. Tương tự như vậy, ở các cấp khác, người đứng đầu không làm gì, khiến công việc đình trệ, tác động đến hiệu quả, công việc của bộ máy Nhà nước, tác động đến phát triển kinh tế- xã hội, như thế là tội chứ?

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 5.

Theo ông, khâu “đầu vào” cần phải được kiểm soát, chọn lọc thế nào để lựa chọn được cán bộ, nhân sự xứng tầm, đủ tâm, đủ tài?

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 6.

Trong nhiều năm qua, tôi thường xuyên nói về công tác cán bộ. Tôi từng cảnh báo, thể chế về công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự nói riêng còn một số kẽ hở. Vì chúng ta chưa có quy định để trừng phạt những hành vi gian lận trong quá trình tiến cử, đề cử, thẩm định hồ sơ, xem xét giới thiệu, nên mới "lọt lưới" cán bộ không xứng đáng, có sai phạm. Đó chính là khâu kiểm soát chất lượng đầu vào. Cũng như xây một ngôi nhà, nếu phát hiện vật liệu rởm, kém chất lượng thì vứt bỏ. Ai thiết kế, tư vấn mua vật liệu đó, ai thẩm định sử dụng, cung cấp vật liệu rởm đó đều bị xử lý về mặt kinh tế, hoặc hình sự.

Bên cạnh đó cũng cần phải phân loại cán bộ. Một nhà khoa học có thể giỏi trong nghiên cứu, phát minh, sáng chế nhưng chưa chắc đã trở thành một chính trị gia trong khởi xướng chính sách và vận động thực thi chính sách được. Họ cũng có thể không trở thành một nhà quản lý, chỉ huy được. Vì phân công không đúng người, không đúng vai nên họ vô tình vi phạm. Vì không có năng lực, chuyên môn, không đủ trí tuệ để phân biệt đúng sai, nên họ vô tình mắc bẫy cấp dưới trình lên, và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, trong công tác cán bộ, tính giám sát theo hệ thống cũng làm chưa tốt. Cấp uỷ, chính quyền ở từng cấp, dù quy định có nhưng còn tình trạng nể nang, dè dặt, sợ hãi uy quyền của người đứng đầu, không dám lên tiếng, để họ mặc sức lộng hành, vô hiệu hoá sức mạnh tập thể, sức chiến đấu không có, dẫn đến a dua, ba phải…

Đáng lưu ý là chính sách trọng dụng nhân tài. Nghị quyết của Đảng đều đề cập nhưng lại chưa có nghị quyết chuyên đề về trọng dụng nhân tài. Cho nên cơ sở pháp lý không có, chỉ có cơ sở chính trị thôi. Tôi nhiều lần kiến nghị phải có Luật Trọng dụng nhân tài. Vì không có cơ sở pháp lý, nên mỗi nơi làm một kiểu, không cưỡng bức, buộc phải sử dụng nhân tài, dẫn đến chảy máu chất xám.

Gần 40 nghìn người nghỉ việc trong thời gian qua, tôi tin trong số đó nhiều cán bộ, viên chức là những người có năng lực, được bên ngoài trọng dụng, nên họ rời bỏ cơ quan Nhà nước. Ngoài đối đãi về vật chất, có lẽ còn lý do lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Nhưng tôi tin, nếu các vị lãnh đạo quản lý ở cơ quan đó là những người thực tâm, thực tài, đủ sức tạo ra nguồn cảm hứng, dẫu có đói họ vẫn làm, vẫn gắn bó và cống hiến…

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 7.

Theo quy định giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả từ số phiếu sẽ là thước đo tín nhiệm, để người được lấy phiếu soi lại mình và có thể nghĩ đến văn hoá từ chức, nếu đạt tín nhiệm thấp?

Quốc hội khoá XIII đã có nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Khi thảo luận, nhiều ý kiến đã đề nghị thay lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng với tinh thần thực nghiệm, vừa làm vừa tổng kết, nên đưa ra ba mức tín nhiệm, nhưng việc thực nghiệm diễn ra đã lâu mà chưa có tổng kết, đánh giá. Cả ba phương án đều là tín nhiệm, trong khi có những trường hợp đại biểu không còn tín nhiệm nữa, thì không có ô nào để thể hiện cả. Nên phải xem xét lại, trên cơ sở tổng kết đánh giá, xem tác động như thế nào và bất hợp lý chỗ nào phải sửa.

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 8.

Bên cạnh đó, theo nghị quyết, ai tín nhiệm thấp dưới 50% sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng tôi nghĩ không cần. Bởi theo tinh thần Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm nữa. Một là anh từ chức, hai là bỏ phiếu bãi nhiệm anh thôi. Nên nghị quyết cần sớm được tổng kết, xem xét lại cho phù hợp. Theo tôi, chỉ nên đưa ra hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Ngoài ra, nếu một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ (còn cuối nhiệm kỳ đương nhiên rồi), như vậy thì hơi ít. Tôi nghĩ mỗi năm nên lấy phiếu một lần thì chúng ta mới kịp thời thay đổi được cán bộ khi họ không còn tín nhiệm nữa, nếu không sẽ trễ, mà thay đổi nhân sự trễ sẽ mất cơ hội thay đổi kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành. Cán bộ là có vào có ra, có động có mở theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương.

 Văn hóa từ chức: Đánh thức lòng tự trọng - Ảnh 9.

Đi liền với đó phải có quy định về việc trình bày chương trình hành động của các vị được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Ví dụ, một bộ trưởng đưa ra chương trình hành động cho 5 năm, được cụ thể hoá thành kế hoạch từng năm. Ví như Bộ trưởng GTVT nói “tôi sẽ làm được 2 nghìn km đường, mỗi năm tôi làm 400 km, từ điểm A đến điểm B”. Năm đầu tiên bộ trưởng làm, cuối năm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Nếu anh hứa một đằng, làm một nẻo, đương nhiên sẽ có cơ sở để bỏ phiếu, như vậy sẽ hiệu quả, sát thực hơn.

Cảm ơn ông!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại