Hướng dương ngược nắng đang đi đến hồi kết, khép lại một hành trình trọn vẹn đầy cảm xúc với khán giả, đồng thời cũng hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng về giải thưởng cho kịch bản, đạo diễn và diễn viên chính – phụ. Trong đó, hai cái tên được kỳ vọng nhiều hơn cả là NSND Thu Hà và nghệ sĩ Vân Dung.
NSND Thu Hà với tài năng vốn có nên không gây bất ngờ nhiều. Chị gây chú ý hơn sau nhiều năm trở lại phim truyền hình, là yếu tố cộng hưởng để phim được yêu thích thêm. Còn với Vân Dung, một nghệ sĩ vốn được khán giả quen ở địa hạt diễn hài thì Hướng dương ngược nắng lần này là một sự biến hoá đầy bất ngờ.
Trong phim, Vân Dung vào vai Diễm Loan, được biên kịch xây dựng là tuýp phụ nữ không thể sống thiếu đàn ông, hám tiền, bồng bột và đồng bóng. Diễm Loan vốn là kẻ thứ 3 xen vào mối quan hệ của ông Đạt (NSND Mạnh Cường) và bà Cúc (NSND Thu Hà) để rồi phải nuôi con một mình trong sự vô thừa nhận của nhà họ Cao.
Tuổi trẻ sai lầm đã đành, về già, Diễm Loan vẫn sống phóng túng, liên tục bị lừa tình lừa tiền bởi người tình trẻ, bất chấp sự khuyên can của con cái.
Đáng lẽ, với kiểu nhân vật như thế này rất dễ bị "ném đá". Thế nhưng qua diễn xuất của Vân Dung, cảm xúc của khán giả đã bị đảo chiều. Thậm chí, nhiều người còn thừa nhận rằng "cả bộ phim chỉ thích nhất cô Vân Dung", "có Diễm Loan làm cho phim không bị nặng nề", "thấy vui mỗi khi có Diễm Loan xuất hiện"…
Là bởi, Vân Dung đã mang đến cho "tiểu tam" một màu sắc hoàn toàn khác biệt. Từ trước đến nay, các vai "người thứ 3" thường được mặc định là kiểu nhân vật mưu mô, thủ đoạn, ghê gớm… nên bị ghét cũng dễ hiểu.
Nhưng ở Diễm Loan là một kiểu phụ nữ đáng thương, nếu có thủ đoạn thì cũng khá nông cạn, ngô nghê và không mưu mô làm hại ai. Cô cũng đã bị trả giá cho lối sống lầm lạc, phóng khoáng, thích hưởng thụ như bị lừa tiền, lừa tình đến phát điên. Tuy nhiên, chi tiết phát điên rồi lại trở lại như bình thường có vẻ hơi khiên cưỡng, cốt để nhân vật có hậu sau khi đã trả giá.
Vân Dung đã mang cách diễn tưng tửng, cách nhả chữ nhấn nhá đặc trưng của diễn hài vào vai Diễm Loan nhưng vẫn đủ tỉnh táo tiết chế, kiểm soát nó để khán giả không liên tưởng đến một Vân Dung trong Gặp nhau cuối năm hay ở các vai diễn sân khấu hài. Nhờ thế mà Diễm Loan có nét đáng yêu, duyên dáng và rất đời.
Điều này không phải dễ nếu người diễn viên không đủ tinh tế nhận biết và điều chỉnh để mang đến sự khác biệt giữa phim và hài. Nếu không phải là Vân Dung, vai Diễm Loan khó mà "ghét thì yêu thôi" như thế.
Là diễn viên có nghề, có kinh nghiệm nhưng với mỗi vai diễn, Vân Dung đều nghiên cứu rất kỹ. Vai Diễm Loan của chị tuy tưng tửng, tính cách hời hợt nhưng lại được thể hiện bằng một lối diễn có chiều sâu là nhờ vậy.
Trong một bài phỏng vấn, Vân Dung chia sẻ rằng: "Khi nhận kịch bản, tôi đọc rất kỹ, đọc đi đọc lại, gạch chân những chi tiết mà mình cần đặc biệt lưu ý.
Chính nhờ sự nghiên cứu kỹ lưỡng này mà khi ra trường quay, tôi biết rõ ở phân cảnh này mình phải diễn thế nào, ở phân cảnh kia phải thể hiện sắc thái ra sao, phải chia câu thoại ra làm mấy phần, nhấn vào từ nào để thể hiện tốt nhất cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Đặc biệt, trên trường quay, tôi hầu như không động tới điện thoại. Vì có khi chỉ một tin nhắn cũng làm xáo trộn cảm xúc của tôi, khiến tôi diễn không được kỹ, không được cẩn thận".
Thực ra, với nghệ sĩ khi nhận vai diễn nào cũng đều có sự tìm tòi để mang lại mới mẻ cho khán giả. Nhưng nó hiệu quả đến đâu, có đồng điệu với khán giả hay không còn phụ thuộc vào thẩm mỹ, tài năng của mỗi người.
Với vai Diễm Loan, nghe Vân Dung chia sẻ mới thấy chị nghiêm túc với nhân vật cỡ nào. Riêng cách lựa chọn phục trang cũng thể hiện sự sáng tạo. Màu mè, rực rỡ nhưng không rối rắm, luộm thuộm.
Cùng với đó là tạo cho nhân vật một dấu ấn thú vị trong sự nhận diện của khán giả. Chị tâm sự: "Nếu tôi cũng chọn cách diễn đanh đá, nanh nọc, chắc chắn cái nanh nọc đó không thể sang và dễ được cảm thông như bà Bạch Cúc. Hơn nữa, nếu chọn cách diễn như thế, cả hai nhân vật sẽ bị cùng màu, phải có sự đối lập rõ nét thì mới đem lại sự thú vị cho khán giả.
Nếu bà Bạch Cúc sang trọng bao nhiêu thì Diễm Loan "rẻ tiền" bấy nhiêu. Nếu bà Bạch Cúc thể hiện rõ sự khó chịu, kiêu kỳ thì Diễm Loan lại phải tưng tửng, bất cần. Tôi và NSND Thu Hà phải diễn cảnh đó sao cho chỉ cần nhìn vào, khán giả sẽ hiểu Diễm Loan và Bạch Cúc đối lập nhau thế nào và vì sao ông Đạt lại chọn ở bên Diễm Loan và sợ hãi khi phải ở bên vợ.
Người đàn ông ngoại tình, họ không hẳn tìm kiếm người phụ nữ hơn vợ mình, mà họ tìm sự mới lạ. Họ sẽ có xu hướng tìm người phụ nữ đối lập với vợ.
Đặc biệt, nếu ghét một người vợ quá giỏi, giỏi hơn mình rất nhiều, họ sẽ tìm tới những người phụ nữ tạo cho họ cảm giác họ có thể chỉ dạy, bao bọc và chở che cho người đó. Và Diễm Loan là người phụ nữ mà ông Đạt cần".
Vân Dung cũng tâm niệm, dù vào vai đanh đá, ghê gớm hay hiền lành, đáng thương thì điều quan trọng nhất là nó phải chạ được vào trái tim khán giả. Vì thế, chị không dùng những "thủ thuật" trong diễn xuất để có nước mắt, cũng không lấy cảm xúc trước mà để nó "trôi" theo sự tương tác với bạn diễn.
Với sự tìm tòi, hết mình về vai diễn, không chỉ khán giả dành lời khen cho Vân Dung mà ngay cả đạo diễn, diễn viên cũng phải thừa nhận "Táo Y tế" đã rất thành công với vai Diễm Loan. Chỉ là vai diễn phụ, trước một "rừng" diễn viên nổi tiếng như NSND Thu Hà, NSND Phạm Cường, Việt Anh, Hồng Đăng, Hồng Diễm… nhưng Vân Dung đã trở thành nhân vật ấn tượng nhất phim.
Nhận xét về Vân Dung, NSND Thu Hà chia sẻ: "Kiểu diễn của Vân Dung bao năm vẫn tưng tửng mà lại mang đến cho người ta quá nhiều cảm xúc. Không phải nghệ sĩ tài năng sẽ rất khó mà diễn ra chất đó. Có cho tôi diễn tôi cũng chịu. Nếu tôi mà làm được vai đó tự nhận là đỉnh cao. Nhiều khi nhìn Vân Dung diễn mà tôi rơi nước mắt vì diễn hay và thật quá".
Nói về thành công của vai diễn, Vân Dung nói rằng đó là nhờ đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Phó tổng Giám đốc VTV và Vũ Trường Khoa đã đặt chị vào nơi để chị có thể thăng hoa nhất. "Có bột mới gột nên hồ. Có khán giả mới có em của ngày hôm nay. Yêu lắm những lời động viên chân thành", nghệ sĩ Vân Dung nói.