Vân Dung là cái tên quen thuộc với khán giả cả nước. Chị là một trong số ít nữ nghệ sĩ Việt Nam được khán giả ưu ái tôn xưng "danh hài". Dẫu nổi tiếng như vậy nhưng Vân Dung rất kín tiếng về đời tư. Chị gần như chưa bao giờ cho chồng con "lên sóng".
Tôi may mắn được chị mở lòng chia sẻ về cậu con trai độc nhất của mình trong cuộc gặp phỏng vấn mới đây tại nhà riêng. Đây là lần đầu tiên chị nói về Long Vũ (tên gọi thân mật ở nhà là Nhím) - tình yêu, niềm tự hào của mình, không phải từ vai trò một nghệ sĩ nổi tiếng mà từ vị trí một người mẹ dành cả thanh xuân cho con!
Tôi là người mẹ nghiêm khắc
Vân Dung chia sẻ: "Trong mắt con, tôi là người mẹ nghiêm khắc. Nhím rất sợ mẹ nhưng rất yêu và tự hào về mẹ. Tôi yêu con, cho con nói lên những điều con suy nghĩ và tự quyết định làm những điều mình thích trong khuôn khổ gia đình.
Nhưng có một điều tối kỵ là không bao giờ cho phép Nhím cãi mẹ. Con được phép trình bày quan điểm ước muốn của mình sau đó hai mẹ con sẽ ngồi phân tích trong ý thích và nguyện vọng của con.
Tôi đặc biệt rất ít khi dỗ dành khi con khóc lóc vì tôi luôn nói với con "nếu con khóc, con không phải là đàn ông". Có lần, cu cậu giận dỗi mẹ, khóc lóc lăn vào gầm giường nằm 3 tiếng đồng hồ để thi gan với mẹ.
Nghệ sĩ Vân Dung
Nhìn con nước mắt đầm đìa, mồ hôi nhễ nhại, lăn lộn trong gầm giường, xót và thương lắm nhưng tôi quyết định không dỗ dành mà ngồi bên cạnh phân tích phải trái cho con, đồng thời lờ đi, coi như không nhìn thấy con khóc. Muốn nói gì phải trình bày với mẹ đàng hoàng, tuyệt đối không được làm sai rồi lăn ra ăn vạ.
Ngày bé, bố mẹ dạy tôi nề nếp thế nào thì lớn lên, tôi dạy con mình thế đó. Từ bé Nhím đã được rèn, ngủ dậy phải gấp chăn màn vuông vắn. Quần áo lúc nào cũng phải gọn gàng ngăn nắp, phẳng phiu.
Bạn bè Nhím lúc nào cũng bảo quần áo Nhím thơm thế? Nhím nói "ngày nào mẹ cũng bắt tắm rửa sạch sẽ và thay đồ" và lâu dần thì thành thói quen. Bé cũng vậy, bây giờ lớn cũng vậy.
Từ lúc mới sinh, Nhím đã ăn ngủ riêng một mình trên nôi, đến khi 1 tuổi thì ngủ riêng phòng ngoài, một mình một giường. Lớn chút nữa, ông bà thương cho Nhím ngủ cùng và rồi cũng thành thói quen.
Nhím có tật rất xấu giống mẹ là cực kỳ sợ ma. Khi Nhím lên lớp 4, mẹ không đồng ý cho Nhím ngủ chung phòng với ông bà nhưng cu cậu không chịu, van xin khóc lóc thảm thiết.
Tôi quyết định cho con ngủ riêng. 4 ngày liên tiếp, con không chịu vào phòng riêng ngủ, cứ ngồi ngoài phòng khách hết khóc lại nằm, hết nằm lại khóc tới 2,3 giờ sáng, mệt quá mới đành mò vào phòng riêng của mình và lăn kềnh ra ngủ.
Đến tận bây giờ, gần 10 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ mãi một việc. Nhà cách trường học 7km, rất nhiều lần tôi đi đón con, đứng ngoài cổng trường chờ con tan học.
Vân Dung và con trai - Long Vũ
Nhím ham mê bóng đá, cứ tan học là cu cậu chạy quanh trường đá bóng với các bạn, mẹ gọi thì Nhím chạy ra cổng bảo "mẹ cho con đá bóng 1 tí rồi về" sau đó chạy vào đá tiếp, lúc sau lại chạy ra xin, rồi lại vào đá tiếp.
Cứ thế 5,6 lần và tôi vẫn kiên trì đứng chờ con. Lần cuối cùng, tôi nói "nếu con không về thì mẹ sẽ không chờ để đón con nữa đâu". Nói vậy mà cu cậu vẫn đá bóng không để ý đến mẹ vì nghĩ mẹ nói đùa.
Đến lúc ra cổng, không thấy mẹ, Nhím đi bộ 1 km về nhà bà ngoại. Câu đầu tiên, Nhím nói với bà "Bà ơi, mẹ về mất rồi. Bà đưa con về nhé".
Tôi đã đoán trước, thể nào con cũng đi về bà và nhà bác để nhờ đèo về nên tôi đã gọi điện dặn mẹ và chị gái không được đưa Nhím về, để Nhím tự đi bộ về.
Bà và bác đều ủng hộ. Khi Nhím nói vậy, bà bảo "mẹ Nhím dặn bà rồi, chỉ đưa cho con một cái bánh và một chai nước để con tự đi bộ về". Tiếp đó, Nhím lại đi bộ vể cửa hàng của bác và cũng nói y chang câu vừa nói với bà. Bác lại bảo "mẹ gọi điện rồi, dặn để con tự đi bộ về vì đây là lỗi của con".
Lần đó, Nhím đi bộ 7 km dưới trời mưa, về tới nhà là 9 rưỡi tối, ốm 3 ngày liền. Ốm thì mẹ chăm nhưng đó là bài học để con nhớ không bao giờ được để cho mẹ chờ nữa.
Nhím rất tiết kiệm tiền cho mẹ
Nhím rất cá tính, sống tình cảm, hiếu thảo. Đi đâu, ăn gì cũng mua về cho mẹ. Hôm thì ngô xào, hôm thì bánh tráng trộn, hôm thì cháo hay thịt xiên. Đặc biệt, Nhím rất tiết kiệm cho mẹ và biết tiêu tiền.
Con trai của Vân Dung - Long Vũ.
Nhím không bao giờ đòi hỏi mẹ, bởi vì lúc nào tôi cũng nói với con, "mẹ nghèo lắm, mẹ không có tiền đâu". Con không bao giờ đòi dùng hàng hiệu, tôi cho tiền mua quần áo cũng không mua. Nhím bảo "chỉ cần hai cái quần là được mẹ ạ". Giày thì bao nhiêu cũng được vì cu cậu rất mê giày, nhất là giày đá bóng.
Năm nay Nhím học lớp 12 đã bắt đầu biết nghĩ, biết thích bạn gái. Chuyện con chơi với ai tôi không bao giờ cấm đoán. Chơi với ai, quen ai cũng được, không quan trọng giàu nghèo nhưng dứt khoát phải ngoan và con nhà nề nếp.
Bạn của Nhím đến chơi, tôi luôn mời vào nhà, không bao giờ để các con đứng cửa nói chuyện.
Tuy con đã biết nghĩ nhưng chưa thể chín chắn như người lớn nên mình phải thường xuyên chia sẻ, nhắc nhở và tâm sự với con.
Đi đâu chơi phải xin phép mẹ, kẻ cả đi tới 11 giờ đêm cũng được nhưng mẹ cần biết con đi đâu, đi với ai và mấy giờ về.
Nguyên tắc của gia đình từ thời ông bà dạy mẹ đến bây giờ là không bao giờ đi qua đêm và cũng không đưa bạn về nhà qua đêm. Bạn của Nhím có thể đến nhà chơi thoải mái, mẹ sẽ nấu ăn uống cho các con nhưng đến tối thì bạn nào phải về nhà bạn đấy.
Như đợt World Cup vừa rồi, bạn của Nhím tới nhà xem chung bóng đá, khi muộn rồi trời mưa rất to nhưng tôi nhất định không đồng ý cho ngủ qua đêm. Tôi gọi hai chiếc taxi và đưa hai bạn trở về nhà.
Về chuyện học hành của con, tôi không bao giờ gây áp lực cho con. Tôi chỉ nói, "con hãy học những gì con thích, miễn là điều con thích, mai sau sẽ giúp con kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình. Và điều quan trọng nhất mẹ cần ở con đấy là phải có hiếu".
Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp.
Từ xưa đến giờ, Nhím làm phong trào ở trường luôn được giải nhất. Dĩ nhiên là chẳng có sự "bảo kê" nào của mẹ ở phía sau cả. Nhím không thích mẹ tới trường, nó bảo "con không thích làm cái bóng của mẹ, tốt nhất mẹ hãy để con tự làm những điều con muốn, chứ không phải vì các cô nể mẹ là người nổi tiếng mà cho con giải nhất".
Nhím rất thích nghệ thuật và dự định sẽ thi trường Sân khấu điện ảnh. Tôi không cấm. Tôi chỉ bảo, "đã vào nghề này thì phải giỏi, phải đam mê, nếu không thì sẽ rất vất vả và nghèo con ạ. Còn lựa chọn là của con"!
* Ghi theo lời kể của danh hài Vân Dung