Vận động tội phạm có lệnh truy nã ra đầu thú là một hành trình đầy cam go, song kết quả sẽ giảm bớt sức người, sức của trong công tác điều tra phá án.
Tuy nhiên, công tác vận động tội phạm có lệnh truy nã ra đầu thú đòi hỏi trinh sát phải kiên trì, khéo léo đưa ra những lý lẽ thuyết phục để tạo lòng tin của chính đối tượng bị truy nã, cũng như gia đình, người thân của đối tượng để họ cùng hợp tác điện thoại, viết thư… kêu gọi đối tượng “quay đầu” trở về chịu hình phạt theo quy định pháp luật…
Thượng tá Lê Tự Pháo, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam chia sẻ, từ tháng 12-2018, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm được sáp nhập về Phòng Cảnh sát hình sự.
Trong quá trình công tác của mình, trước đây với cương vị lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, anh đã cùng đồng đội thực hiện nhiều chuyên án truy nã tội phạm.
Từ ngày về nhận nhiệm vụ mới, anh tiếp tục công việc, cùng đồng đội vận động nhiều đối tượng bị truy nã ra đầu thú.
Nhớ lại câu chuyện vận động đối tượng Nguyễn Trần Việt (SN 1979, trú phường Sơn Phong, TP Hội An) ra đầu thú, anh kể: “Trong quá trình truy bắt Việt theo lệnh truy nã, chúng tôi từng “bắt hụt” đối tượng khi đang lẩn trốn tại TP Đà Nẵng.
Sau đó, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi biết được Việt đã trà trộn với một số khách nước ngoài ra Huế rồi bỏ trốn theo đường tiểu ngạch sang Campuchia, Thái Lan vì Việt rất giỏi tiếng Anh và từng làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Điều này khiến việc truy bắt Việt gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng với quyết tâm đưa đối tượng Việt về quy án, Công an tỉnh Quảng Nam một mặt cử trinh sát vận động em gái Việt kêu gọi đối tượng ra đầu thú, mặt khác các điều tra viên cũng tìm cách liên lạc được với Việt trong thời gian đối tượng lẩn trốn ở nước ngoài, giải thích, kêu gọi Việt về Việt Nam đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Sau quá trình dài tuyên truyền, vận động, ngày 3-8-2019, Việt đã đến Công an tỉnh Quảng Nam đầu thú, khép lại một quá trình đấu tranh kiên trì với tội phạm của lực lượng truy nã”.
Qua hồ sơ được biết, vào ngày 21-11-2017, khi được một đối tượng gọi đến nhờ giải quyết mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác, Nguyễn Trần Việt đã mang theo 1 khẩu súng ngắn tự chế, có tính năng sát thương như vũ khí quân dụng.
Trong lúc xô xát, Việt đã dùng khẩu súng bắn đối thủ, song không trúng. Tuy nhiên, khi bị cơ quan Công an khởi tố về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, Việt lén bỏ trốn khỏi địa phương, buộc cơ quan Công an phải phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Việt...
Theo Thượng tá Lê Tự Pháo, việc truy bắt đối tượng truy nã là một việc rất khó khăn, gian khổ vì đối tượng bỏ trốn thường xuyên thay đổi địa điểm và rất cảnh giác.
Do đó, lực lượng thực hiện nhiệm vụ truy nã phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, mặt khác phải “đọc” được tâm lý của đối tượng để từ đó phối hợp với gia đình, người thân đối tượng kêu gọi, giải thích để đối tượng ra đầu thú…