"Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?" - Câu nói cửa miệng lại thành vấn đề hóc búa của cả Trump và Biden

Trang Ly |

Liệu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden về cơ bản có thay đổi được Chương trình Vũ trụ Mỹ không?

Kỳ 1: Thời đại của ông Joe Biden: Tiếp nhận di sản "đáng ngạc nhiên" từ Trump, rót đô la và "thắp lửa" không gian?

Vấn đề đầu tiên là tiền đâu? - Câu nói cửa miệng lại thành vấn đề hóc búa của cả Trump và Biden - Ảnh 1.

Vấn đề là ở đô la. Ông Trump đã tăng ngân sách của NASA đều đặn trong suốt 4 năm cầm quyền, từ 19,65 tỷ USD vào năm 2017 lên 23,3 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với những năm 1960, nguồn tài trợ đó cho NASA năm 2021 chỉ mới chiếm 0,4%, ngân sách quốc gia, trong khi giữa thập niên 1960, con số đó là 4%.

Sau gần 5 thập kỷ người Mỹ "bỏ quên" Mặt Trăng, sứ mệnh tái đổ bộ Mặt Trăng thế kỷ 21 - Chương trình Artemis - đòi hỏi rất nhiều chi phí, công nghệ. Cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu chi thêm 3,2 tỷ USD trong năm tài chính 2021 (để phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng có người lái HLS thuộc Artemis) - nhưng Hạ viện chỉ đồng ý chi 600 triệu USD.

Chỉ điều đó thôi đã khiến mục tiêu đổ bộ Mặt Trăng năm 2024 (có thể) nằm ngoài tầm với.

Vấn đề đầu tiên là tiền đâu? - Câu nói cửa miệng lại thành vấn đề hóc búa của cả Trump và Biden - Ảnh 2.

Liệu ông Biden có xây dựng được Chương trình Vũ trụ Mỹ thành công như dưới thời ông Trump? Nguồn: Climate-xchange

Tuy nhiên, vẫn chưa hết hy vọng.

Có một cách để giải quyết những thách thức về tiền bạc và kỹ thuật, đó là NASA hợp tác chặt chẽ hơn với các hãng tư nhân.

Điểm qua vài thực tế của NASA: Hệ thống Phóng Không gian (SLS), tên lửa Mặt Trăng 36 tầng mới của NASA, đã được phát triển trong hơn 15 năm và vẫn chưa bay thử nghiệm. Thất bại của cuộc thử nghiệm động cơ "lửa nóng" vào ngày 16/1/2021 lại kéo tiến trình chậm lại một chút.

NASA có thể thiếu tiền (ngân sách) NHƯNG họ không thiếu hy vọng.

- Jeffrey Kluger, Tạp chí TIME, 29/1/2021

Trong khi đó, ngành công nghiệp tư nhân - đáng chú ý nhất là SpaceX, với tàu vũ trụ Crew Dragon và tên lửa Falcon Heavy của nó - đã có sẵn phần cứng có thể được đưa vào phục vụ để tăng tốc đường đi lên Mặt Trăng.

SLS là một tên lửa lớn hơn (được chế tạo để mạnh nhất hành tinh, mạnh hơn cả tên lửa đẩy Saturn V) có thể đưa một tàu quỹ đạo Mặt Trăng và tàu đổ bộ vào không gian chỉ với một lần phóng, trong khi có thể cần hai Falcon Heavy để thực hiện điều đó - nhưng Falcon Heavy đang bay (nghĩa là đã đi vào phục vụ) còn SLS thì không, vì vậy lợi thế (thuộc về các hãng tư nhân) là rất rõ ràng.

Scott Pace, cựu thành viên Hội đồng Vũ trụ Quốc gia (NSC) dưới Chính quyền Trump và là Giáo sư tại Đại học George Washington cho biết: "Tôi nghĩ rằng cần có sự đồng thuận về việc Mỹ đưa người quay trở lại Mặt Trăng. Nghĩa là chúng ta cần có sự tham gia của các đối tác tư nhân. Nếu các nhà hoạch định chính sách không gian kiến ​​trúc nó một cách hợp lý, nắm lấy đòn bẩy của thương mại không gian và bỏ quan điểm rằng NASA phải làm/gánh mọi thứ, thì NASA hoàn toàn có thể đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2026 hoặc 2027 mà không cần tăng ngân sách".

Vấn đề đầu tiên là tiền đâu? - Câu nói cửa miệng lại thành vấn đề hóc búa của cả Trump và Biden - Ảnh 4.

Nếu ông Biden ưu tiên không gian, hầu hết các nhà quan sát dự đoán rằng, vị tân tổng thống sẽ thành lập Hội đồng Vũ trụ Quốc gia (NSC) của riêng mình, theo truyền thống của các vị tổng thống tiền nhiệm như Eisenhower, H.W. Bush và Trump.

Thế kỷ 21 chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều quốc gia trong lĩnh vực vũ trụ. Ngoài đối thủ truyền thống là Nga, Mỹ buộc phải bước vào cuộc chạy đua với Trung Quốc khi nước này liên tiếp thiết lập những thành tựu đáng nể.

Một trong số đó phải kể đến việc Bắc Kinh đưa tàu đổ bộ vùng tối Mặt Trăng (trở thành quốc gia thứ 3 trong lịch sử, sau Mỹ và Liên Xô, đưa tàu không ngưới lái lên Mặt Trăng). Tất nhiên, tham vọng của Trung Quốc không dừng ở đó. Trung Quốc đang xây dựng trạm vũ trụ riêng, tham vọng đưa người lên Mặt Trăng và khám phá sao Hỏa. Đây đều là những mục tiêu mà Mỹ ráo riết thực hiện.

Vấn đề đầu tiên là tiền đâu? - Câu nói cửa miệng lại thành vấn đề hóc búa của cả Trump và Biden - Ảnh 5.

Khối đá Mặt Trăng trong Phòng Bầu dục (hàng dưới cùng). Ảnh: White House

Một mối đe dọa thậm chí còn hiện hữu hơn - không đến từ các đối thủ quân sự/không gian của Mỹ - mà từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang diễn ra của thế giới. Ông Biden đã cam kết sẽ cùng Mỹ tái tham gia việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và việc tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris là "phát súng" đầu tiên trong cuộc chiến đó.

NASA tất nhiên không nằm ngoài nỗ lực này. Cơ quan này đóng vai trò trong việc duy trì một chương trình quan sát Trái Đất mạnh mẽ, dựa vào cả vệ tinh và các sứ mệnh giám sát trên máy bay, cả hai đều theo dõi thời tiết ngắn hạn và các đặc điểm dài hạn của biến đổi khí hậu như phá rừng và mất sông băng - Đặt trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, vai trò (NASA đang đảm nhận) có khả năng ngày càng quan trọng.

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường cách sứ mệnh quan sát Trái Đất của NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) để hiểu rõ hơn về cách biến đổi khí hậu đang tác động đến hành tinh chúng ta như thế nào" - Ông Biden phát biểu trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Vấn đề đầu tiên là tiền đâu? - Câu nói cửa miệng lại thành vấn đề hóc búa của cả Trump và Biden - Ảnh 6.

Trong khi các nhà bảo vệ môi trường Mỹ vui mừng - thì những nhà thám hiểm không gian lại lo lắng rằng: Nghiên cứu khí hậu và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ "ngốn" sang ngân sách dành cho nghiên cứu vũ trụ.

Giải pháp cho vấn đề này có thể nằm ở chỗ, thay vì dựa hoàn toàn vào NASA, Mỹ có thể giao nhiệm vụ cho NOAA - một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ - để hoàn thành sứ mệnh quan sát Trái Đất.

Theo tin tức mới đây nhất, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Biden sẽ ủng hộ kế hoạch đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng vào những năm 2020.

Bà Psaki nói: "Tôi rất vui mừng về điều đó.Thông qua Chương trình Artemis, chính phủ Mỹ sẽ làm việc với các ngành công nghiệp và các đối tác quốc tế để gửi các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng. Sứ mệnh này sẽ rất thú vị, và nó là tiền đề chuẩn bị cho các sứ mệnh tương lai lên sao Hỏa và chứng minh các giá trị của nước Mỹ".

Ông Biden còn cả một khoảng thời gian dài phía trước trong nhiệm kỳ của mình để tạo dựng di sản. Sau gần nửa thế kỷ phục vụ công chúng, ông chắc chắn vừa là chính trị gia dày dặn kinh nghiệm đủ để biết những ưu tiên trước mắt cần phải làm (giải quyết đại dịch và nền kinh tế sa sút); đồng thời vừa là nhà sử học đủ tinh thông để gây dựng di sản của mình trong những năm làm chủ Nhà Trắng.

100 năm qua, lịch sử Mỹ chứng kiến những phút huy hoàng khiến cả thế giới nể phục: Tàu quỹ đạo Mặt Trăng đầu tiên - Lần đưa người đi bộ trên Mặt Trăng lần đầu tiên - Những chuyến bay đỉnh cao của tàu con thoi có người lái ra vũ trụ - Hay hệ thống tên lửa đẩy mạnh nhất mọi thời đại (Saturn V, tính cho đến nay)... Những thành tựu đi vào lịch sử nhân loại như thế đều được viết trong không gian!

Một lần nữa... "Tôi không nghĩ rằng việc Tổng thống Biden đặt một khối đá Mặt Trăng mang tính biểu tượng như thế trong văn phòng của mình rồi sau đó lại "quay lưng" với một chương trình Mặt Trăng trong tương lai" - Giáo sư John Logsdon đã nói.

(*) Jeffrey Kluger là tác giả của 10 cuốn sách, bao gồm Apollo 13, Apollo 8 và 2 tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên. Ông đã viết hơn 40 trang bìa cho TIME về các chủ đề từ không gian đến hành vi con người, khí hậu đến y học.

Chuyển ngữ từ: TIME MAGAZINE

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại