VAMC và các công ty AMC muốn lập chợ mua bán nợ xấu

PV |

Câu lạc bộ AMC sẽ ra đời trong tháng 9 với 20 hội viên trong đó có VAMC và 19 AMC của các ngân hàng.

Với mục tiêu tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư; tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung của Việt Nam theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 về việc Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", được sự đồng thuận của các Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (AMC), Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vừa qua đã tổ chức buổi Tọa đàm "Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC".

Sau khi đại diện VAMC trình bày dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ; Phí thành viên; Cơ cấu và thành phần Ban chủ nhiệm và Ban thư ký; Kế hoạch hoạt động năm 2019, các thành viên tham dự hội nghị đã thảo luận và thống nhất thành lập Câu lạc bộ AMC với 20 hội viên trong đó có VAMC và 19 AMC.

Ngoài ra, cuộc làm việc này cũng Thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ AMC; Thông qua cơ cấu và thành phần Ban chủ nhiệm và Ban thư ký Câu lạc bộ AMC nhiệm kỳ 2019-2021…

Theo dự kiến, tháng 9/2019 sẽ tổ chức ra mắt câu lạc bộ AMC và tháng 12/2019 tổ chức Hội nghị câu lạc bộ AMC lần thứ nhất.

Tổng giám đốc VAMC, ông Đoàn Văn Thắng cho biết, mục đích hoạt động của Câu lạc bộ này nhằm tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ của các Hội viên; Thúc đẩy sự phát triển thị trường mua, bán nợ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức mua, bán và xử lý nợ ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu (xác định theo Nghị quyết 42), trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên thời gian gần đây, nợ xấu của các các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 6/2019, nợ xấu đã tăng lên 1,91% so với mức cuối năm 2018 là 1,89%. Tại báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố cũng cho thấy rất nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại