Vải thiều Lục Ngạn được cấp 'giấy thông hành' sang Nhật Bản

Tuân Nguyễn |

Vải thiều Lục Ngạn của Việt Nam đã rộng cửa sang thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường đòi hỏi khắt khe nhất về tiêu chuẩn đối với trái cây, sau khi quốc gia này chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp “giấy thông hành” sang Nhật Bản.

Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp “giấy thông hành” sang Nhật Bản.

Thông tin này được Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) chính thức công bố tại buổi Họp báo thường kỳ quý 1/2021 diễn ra chiều 31/3. Như vậy, sau khi được Bộ KHCN hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau.

Để kịp đưa vải thiều sang Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang và Công ty Concetti tìm kiếm các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu và đánh giá các chỉ tiêu này theo yêu cầu của phía Nhật Bản để chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn có thể được bảo hộ tại Nhật Bản trong vụ vải 2021.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), việc có được tấm “giấy thông hành” vào thị trường Nhật Bản là rất quan trọng, bởi sản phẩm phải trải qua quá trình kiểm soát nghiêm ngặt.

Vải thiều Lục Ngạn được cấp giấy thông hành sang Nhật Bản - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo.

“Có thể nói, việc được cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Để đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ở các quốc gia khác, chỉ cần bộ hồ sơ trên giấy tờ. Nhưng riêng Nhật Bản, họ cử các chuyên gia từ Nhật Bản sang vùng trồng vải thiều Lục Ngạn để kiểm tra kỹ lưỡng về sản phẩm.

Qua đây, Cục SHTT rút ra được nhiều kinh nghiệm để có thể tăng cường và mang lại hiệu quả cho việc quản lý các chỉ dẫn địa lý khác cho các sản phẩm của Việt Nam, để tiếp tục đưa sản phẩm khác đi vào thị trường các nước”, ông Nguyễn Văn Bảy nói.

Trước đó, vải thiều Lục Ngạn đã bảo hộ thành công nhãn hiệu tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.

Tổng diện tích trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn hiện này khoảng hơn 15.000 ha, tập trung tại các xã: Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn… Trong đó, nhiều diện tích đã thực hiện sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ... giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Mai Dương – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết, sắp tới Cục SHTT sẽ tiếp tục làm việc với phía Nhật Bản để được phía bạn cấp thêm chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm của Việt Nam là cà phê Buôn Ma Thuột và thanh long Bình Thuận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại