Một đồn mười, mười đồn trăm, khiến câu chuyện về những "tài đức" của "thánh y" trở thành những câu chuyện phi phàm.
Nào là giúp người này chữa khỏi bệnh ung thư khi cái chết đang đếm từng ngày, người kia nhờ may mắn nhận được "ân đức cõi trên" mà thoát khỏi ma quỷ quấy phá,…
“Thánh y” đoán bệnh bằng cây chuối
Theo thông tin PV có được, sau khi từ Campuchia về sinh sống tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Mạnh (tự Tám Cố) tự phong mình là “đức thánh giáng trần” có 36 phép thần thông chữa khỏi bách bệnh chỉ cần nhìn qua thân cây chuối.
Hàng trăm người bệnh mê tín, cả tin từ khắp nơi tụ tập, chầu chực để được "thánh y" khám và chữa trị mỗi ngày đã gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương.
Khi PV có mặt tại nhà “thánh y” đang có rất nhiều người khác xếp hàng đợi tới lượt chữa bệnh. Chứng kiến cách chữa bệnh của “thánh y” Mạnh, có lẽ y học Việt Nam và cả thế giới cũng phải ngả mũ vì độ phản khoa học.
Theo đó, những người bệnh được "thánh y" xuất chiêu phải tuyệt đối trung thành, và việc bắt bệnh dựa vào ý trời, ý thần thánh.... và "chiêu thức" của " thánh y" cũng thuộc hàng "độc nhất vô nhị".
Muốn tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bệnh phải ngủ qua đêm với thân một cây chuối hột. Sau đó, “thánh y” chỉ cần nhìn qua cây chuối đó để đoán bệnh.
Sau khi phán một căn bệnh với tên gọi Campuchia khiến không ai hiểu gì, “thánh y” bắt đầu đọc thần chú và phun nước thánh chữa bệnh.
Sau 15 phút chứng kiến, PV đã được diện kiến “thánh y”. Vị “thánh y” cho biết, ông là một người gốc Campuchia, sau thời gian tu đạo, ông đã theo thuyền bè về sống tại xã Phú Ngọc.
“Khi thấy người dân kiệt quệ vì bệnh tật, tôi dùng 36 phép thuật của mình để trị bệnh cho họ.
Tùy vào từng căn bệnh mà có phép khác nhau, điều quan trọng nhất là người bệnh phải ngủ một mình với thân chuối hột để tôi có thể đoán bệnh”, “thánh y” cho biết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, tuyệt nhiên những người dân trong vùng không một ai tin vào cách chữa bệnh của ông “thánh y” Việt kiều này.
Nhiều người khi chứng kiến cách chữa bệnh và niềm tin thái quá của những người dân khác, cũng lắc đầu ngao ngán.
“Trên đời này làm gì có cách chữa bệnh quái đản như vậy, chỉ cần thứ nước lã, ông ấy lẩm bẩm mấy câu rồi phun nước vào người bệnh.
Không những vậy, bất cứ ai ông cũng bắt lột hết đồ và chỉ dùng một phép như nhau. Người ở xa, chứ dân ở đây ai dám tới nhà ông Mạnh”, một người địa phương nói.
Thoát y để được ban “phép thánh”
Sau khi kết thúc việc chữa bệnh cho một bệnh nhân, “thánh y” nói như quát: “Ai chữa bệnh nào, có em nào xinh không để thầy ưu tiên chữa trước”.
Lúc này, một người bệnh là nữ giới được diện kiến “thánh y”. “Thánh y” mặt đỏ phừng phừng, người nồng nặc mùi rượu, dáng đi chao đảo, được vài bước, “thánh y” ngã sõng soài giữa cửa khiến những người “cầu thuốc” chứng kiến cảnh đó, không khỏi hoang mang.
Bà Tâm (người cận kề “thánh y”) trấn an: “Những người dị thường là những người tài giỏi mà”.
Nói xong bà Tâm vội chạy lại đỡ “thánh y” vốn là đệ tử của “lưu linh”. Sau đó, “thánh y” ngồi phịch xuống ghế, miệng không ngừng phì nước miếng ra ngoài.
Một thanh niên được cho là con nuôi của “thánh y”, chỉ tay ra hiệu mọi người ngồi yên lặng, theo thứ tự và cầm sẵn cây chuối của mình để “thánh y” chuẩn bị hành nghề.
‘Thánh y” đưa đôi mắt mờ đục, nhìn chằm chằm vào nữ bệnh nhân. Sau khi nghe gã con nuôi gọi tên, chị Trần Thị Liễu (quê tỉnh Bình Dương) bước lên cho “thánh y” khám bệnh.
Bệnh nhân tên Liễu bẽn lẽn đưa cây chuối cho thầy, rồi thưa: “Con bị bệnh hắc lào, chữa mãi không khỏi ạ”.
Nhìn người phụ nữ đã héo hon vì bệnh tật, “thánh y” không được vui cho lắm, gắt lên: “Tôi là thầy thuốc mà cần cô phải nói à, biết bệnh rồi sao còn đến đây.
Cây chuối bị lõm vào thâm đen hết cả hai đầu thế này ai bảo là hắc lào? Cô bị những vong hồn chết do tai nạn trên đường đeo bám mới bị đấy”.
Vừa nói, “thánh y” vừa giơ cây chuối đã chặt đứt làm đôi ra trước mặt. Người bệnh đang được thầy chữa nghe thầy phán sợ tái mét, vội vàng vâng, dạ. Việc bắt bệnh cho chị Liễu bị gián đoạn, bởi “thầy” còn bận đi nôn.
Sau đó, “thánh y” vừa nói vừa ợ hơi: “Bệnh gì gặp tôi cũng khỏi, chị yên tâm đi”. Sau đó, “thánh y” chỉ tay vào người ra hiệu chị Liễu cởi đồ để “thầy” khám bệnh.
Tuy nhiên, chị Liễu không đồng ý thoát y. “Thánh y” liền gắt lên: “Chị có muốn tôi chữa không, không thì đi ra để tôi chữa cho người khác”.
Đến lúc này, dù rất ngại nhưng vì bệnh chị Liễu miễn cưỡng chậm rãi vén áo lên theo ý của “thánh y”. Ngay trước mặt bao nhiêu người lạ, chị Liễu xấu hổ, nhắm tịt mắt lại và giấu mặt đi chỗ khác.
Những người ngồi dưới cũng xấu hổ, cúi gằm mặt xuống không dám nhìn. Bệnh nhân cởi áo nhưng không đồng ý cởi quần, nên làm “thánh y” rất giận, mặt đỏ nhìn thấy cả những mạch máu trên mặt.
“Thánh y” đi trước, đi sau ngắm nghía, ông đưa bàn tay thô ráp mò mẫn lên cơ thể người bệnh để xem bệnh. Ông nói như gằn giọng: “Chị không chịu cởi quần thì phải đến đây một lần nữa để tôi điều trị thì mới khỏi”.
Sau đó, “thánh y” kêu gã con nuôi đưa cho mình một ly nước lọc. Ông quay mặt về hướng mặt trời nhắm hờ mắt lại, tay đưa lên trước ngực như người đang niệm thần chú, miệng thì lẩm nhẩm không rõ tiếng.
Sau khi “làm lễ” khoảng 2 phút, thầy uống ngụm nước rồi phụt lên người bệnh nhân. Bị bất ngờ, người bệnh tên Liễu hốt hoảng kéo vội áo xuống.
Thầy khoái chí cười sằng sặc bảo chị Liễu không cần phải uống thêm loại thuốc gì, và hẹn chị tuần sau đến làm “phép” là hoàn toàn khỏi bệnh. Sau đó, gã con nuôi đưa chị vào nhà trong để đóng tiền phí.
Những người bệnh tiếp theo lần lượt được thầy gọi tên, và vẫn là phương pháp chữa bệnh quái đản, bệnh hoạn như vậy.
Đặc biệt, có bệnh nhân tên là Nguyễn Thị Mỹ Lệ (20 tuổi, quê tỉnh Long An) rất xinh đẹp nhưng không may bị bệnh ung thư dạ dày.
Bệnh viện đã trả Lệ về, nhưng vì thương con, với tâm lý “còn nước còn tát”, gia đình Lệ đã đưa đến tìm “thánh y” với hy vọng vào phép mầu kỳ diệu.
Nhưng sau khi được bắt bệnh bằng cây chuối, “thánh y” mời Lệ vào phòng riêng trong nhà để điều trị tiếp. Vì gửi niềm tin vào “thánh y”, Lệ được bố mẹ động viên đi theo vào trong.
Tuy nhiên, Lệ không đồng ý thoát y để “thánh y” chữa bệnh. Sau đó, Lệ một mực khuyên bố mẹ cho trở về nhà.
Khi được hỏi về “thánh y” Mạnh, bà Nguyễn Thị Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc cho biết: “UBND xã chưa nhận được phản ánh từ người bệnh về việc chữa bệnh của ông Mạnh.
Do việc khám bệnh của ông Mạnh không gây phức tạp tại địa phương, không có ai tố cáo, khiếu nại nên chính quyền địa phương chưa vào cuộc tìm hiểu.
Để đảm bảo an ninh trật tự và bài trừ mê tín dị đoan, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý.
Nếu ông ấy không chấp hành sẽ có những biện pháp nặng tay hơn, còn khi có người tố cáo bị ảnh hưởng do cách chữa bệnh này, và thấy có dấu hiệu phạm pháp chúng tôi sẽ xử lý theo pháp luật”.