Vaccine COVID-19 - Cơn ác mộng về đại dịch sắp chấm dứt?

Lê Minh |

Thông tin tích cực về vaccine COVID-19 đem tới kỳ vọng rằng, cơn ác mộng COVID-19 nếu không nói là sắp chấm dứt thì cũng sẽ giảm bớt mức độ "tàn sát" của nó.

Tuần qua, hãng Pfizer đã công bố hiệu quả của vaccine COVID-19 đạt 90%. Hãng sẽ xin cấp phép đưa ra thị trường trong nửa cuối tháng 11 năm nay. Thông tin này đã khiến chứng khoán Mỹ và toàn cầu tăng vọt. Tuy nhiên, báo chí Mỹ lại có cái nhìn thực tế hơn.

Không ai có thể phủ nhận vaccine là chìa khóa quan trọng để mở lại nền kinh tế, vì thế ngay khi thông tin về vaccine của hãng Pfizer được công bố, CNBC đã nhận định "Thông tin tích cực về vaccine đem tới động lực rất cần thiết cho triển vọng kinh tế".

Theo bài viết, thông tin này đem tới kỳ vọng rằng cơn ác mộng COVID-19, nếu không nói là sắp chấm dứt, thì cũng sẽ giảm bớt mức độ tàn sát của nó. Điều này có lợi cho nền kinh tế Mỹ, bởi các hoạt động kinh tế sẽ quay trở lại bình thường sớm hơn.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế nghi ngại rằng tác động của vaccine đối với nền kinh tế sẽ ít hơn mong đợi. Mark Zandi - Kinh tế gia trưởng của Moody's Analytics, nhận định đại dịch vẫn sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp ít nhất là 2 đến 3 tháng nữa.

Vaccine COVID-19 - Cơn ác mộng về đại dịch sắp chấm dứt? - Ảnh 1.

Tình nguyện viên tiêm thử vaccine COVID-19 của Pfizer tại Trường Y, Đại học Maryland, Baltimore, tháng 5/2020 (Ảnh: NY Times)

Mối lo ngại của các nhà kinh tế là có cơ sở, bởi những khó khăn trong việc triển khai tiêm vaccine mà tờ Thời báo New York đã chỉ ra trong bài viết với tựa đề "Hãng Pfizer lên kế hoạch phân phối vaccine của mình như thế nào rất phức tạp. Cụ thể là hiện chính phủ liên bang và các tiểu bang của Mỹ vẫn chưa có kế hoạch phân bổ vaccine như thế nào và ai sẽ là những đối tượng được ưu tiên.

Không những thế, vaccine của hãng Pfizer phải được giữ trong nhiệt độ âm 70 độ C, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị nhất định các thiết bị bảo quản và vận chuyển phù hợp.

Nhân viên các cơ sở y tế cũng cần phải được tập huấn, đảm bảo những người tiêm mũi đầu tiên sẽ quay trở lại tiêm mũi thứ hai 4 tuần sau đó, quan trọng nhất là thuyết phục người dân tiêm chủng trong bối cảnh phong trào tẩy chay vaccine vẫn rất mạnh.

Tờ Tạp chí phố Wall cho biết, ngay cả khi được cấp phép trong tháng 11, thì đến cuối năm nay, Pfizer cũng chỉ có thể sản xuất tối đa 50 triệu liều vaccine. Và từ năm 2021 là khoảng 1,3 tỷ liều mỗi năm, ít hơn rất nhiều so với nhu cầu toàn cầu, chưa kể là chưa rõ bao nhiêu trong đó sẽ được phân phối tại Mỹ. Vì thế chính quyền các bang chưa thể ngay lập tức loại bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế. Và do vậy, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ còn cần phải có thời gian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại