Vắc-xin ngừa Covid-19 có thể ra lò vào tháng 9

Huệ Bình |

Tình trạng sức khỏe của 2/3 số bệnh nhân nhiễm Covid-19 biểu hiện nặng được cải thiện sau khi sử dụng thuốc Remdesivir - một loại thuốc kháng virus đang được sử dụng để điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Công ty Dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ).

Theo hãng Reuters, báo cáo kết quả điều trị được công bố trên Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới New England Journal of Medicine (NEJM) của Mỹ. Tác giả chính Jonathan Grein, Giám đốc Dịch tễ tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, cho biết thuốc Remdesivir được dùng thử nghiệm trên 53 bệnh nhân, người Mỹ, châu Âu và Canada, trong độ tuổi từ 23 đến 82. Tất cả đều là những ca nhiễm Covid-19 có biểu hiện nặng.

Sau 18 ngày, 68% bệnh nhân đã cải thiện, với 17 trong số 30 bệnh nhân thở máy có thể không cần dùng thiết bị thở. Gần một nửa số bệnh nhân nghiên cứu cuối cùng được xuất viện, trong khi 13% tử vong. Tỉ lệ tử vong cao nhất là những người phải thở máy, với 18% tử vong. Ông Jonathan Grein nhận định: "Kết quả quan sát từ những bệnh nhân nhiễm Covid-19 tham gia vào thử nghiệm thuốc Remdesivir rất khả quan".

Về phần vắc-xin, giáo sư Sarah Gilbert tại Trường Đại học Oxford - Anh tự tin "khoảng 80%" rằng vắc-xin ngừa Covid-19 đang được nhóm nghiên cứu phát triển sẽ hiệu nghiệm. Giáo sư Gilbert cho biết các thử nghiệm trên người được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ tiến hành trong nửa tháng tới. Bà lưu ý việc vắc-xin có thể sẵn sàng để sử dụng vào tháng 9 chỉ xảy ra nếu "mọi thứ diễn biến một cách hoàn hảo".

Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải và Trung tâm Máu New York cho thấy virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể xâm nhập tế bào miễn dịch và hoạt động như virus HIV. Theo các nhà khoa học, SARS-CoV-2 có thể tiêu diệt các tế bào miễn dịch. Một bác sĩ ở Bắc Kinh cho biết phát hiện này bổ sung bằng chứng cho mối lo ngại rằng Covid-19 đôi khi hoạt động như virus HIV.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đang phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia để xem xét, thu thập thêm dữ liệu về những bệnh nhân Covid-19 hồi phục nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại. Reuters dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cuối tuần qua cho biết 91 bệnh nhân Covid-19 được xác định hồi phục, có kết quả âm tính nhưng sau đó được xét nghiệm dương tính trở lại. Theo Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong, SARS-CoV-2 có thể "tái kích hoạt", không phải bệnh nhân bị tái nhiễm.

Các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết hiện vẫn chưa rõ vì sao bệnh nhân Covid-19 hồi phục dương tính trở lại và họ đang đẩy mạnh cuộc điều tra dịch tễ học về vấn đề này. Phản ứng trước thông tin này, WHO tuyên bố: "Cần phải thu thập thêm mẫu xét nghiệm từ các bệnh nhân đã hồi phục để xác định xem virus có thể tiếp tục tồn tại trong cơ thể bao lâu. Điều quan trọng là chúng ta phải bảo đảm tuân thủ đúng quy trình thu thập mẫu xét nghiệm Covid-19".

Theo khuyến nghị của WHO, một bệnh nhân Covid-19 có thể được xuất viện sau khi có 2 kết quả âm tính liên tiếp, cách nhau ít nhất 24 giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại