Các nền kinh tế phương Tây đang học cách sống chung với Covid-19. Khi mà làn sóng lây nhiễm Covid-19 đang lan rộng khắp các nước phương Tây, tác động kinh tế của lần này đã thấp hơn lần trước, theo nội dung bài đăng mới đây trên Wall Street Journal.
Vắc xin chính là yếu tố quyết định đằng sau sự vững vàng của nền kinh tế nhiều nước châu Âu sau đợt bùng dịch gần nhất do biến chủng Delta. Số lượng ca nhiễm Covid-19 dù tăng lên nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong giảm đi đáng kể.
Tại Anh, nơi 88% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, số lượng ca nhiễm Covid-19 giảm đi trong tuần gần nhất, cùng lúc, số lượng các ca tử vong thấp hơn rất nhiều so với các đợt bùng dịch trước. Thực tế này khiến nhiều người hy vọng về khả năng sự bùng phát của biến chủng Delta đang giảm đi sau khi các biện pháp nới lỏng của chính phủ được áp dụng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nền kinh tế vẫn vững vàng, nó phản ánh cho việc các chính phủ và doanh nghiệp đang cố gắng thích nghi với đại dịch Covid-19.
Chính phủ khắp các nước, từ Mỹ cho đến nhiều nước châu Âu, đã tránh được việc áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ vốn được coi như đặc trưng của đợt bùng dịch đầu tiên. Họ tin rằng họ sẽ có thêm nhiều lựa chọn khác cũng hiệu quả không kém.
Doanh nghiệp đang có nhiều cách điều chỉnh hoạt động kinh doanh mới, họ nghĩ đến cách làm sao để người lao động có chỗ ngồi phù hợp hơn, cùng lúc, bổ sung thêm nhiều ca làm, giảm số lượng người làm cùng thời điểm đồng thời tăng năng suất của những người làm việc từ xa.
Phát ngôn viên của Voith Group – công ty Đức chuyên sản xuất thiết bị sản xuất giấy và thủy điện, ông Katrin Sulzmann, nhận xét: “Giai đoạn này của đại dịch Covid-19 dễ ứng phó hơn nhiều bởi tất cả chúng ta đã đều quen với nó”. Công ty gần đây công bố số lượng đơn đặt hàng mới trong vòng 6 tháng kết thúc vào tháng 3/2021 giảm so với cùng kỳ năm.
‘Làn sóng thứ nhất có thể coi như cú sốc cho doanh nghiệp, người lao động phải làm việc từ xa. Giờ đây, hạ tầng đã được chuẩn bị sẵn sàng”, bà nói.
Vào ngày thứ Tư, chủ tịch Fed – ông Jerome Powell nói rằng ông không tin đợt bùng dịch gần đây nhất sẽ có nhiều tác động kinh tế: “Khi mà làn sóng lây nhiễm Covid-19 trong năm vừa qua và một số tháng dường như đã giảm đi xét đến tác động kinh tế. Chúng ta sẽ còn cần phải chờ thêm thời gian mới có thể quyết định được chính xác về điều này , tuy nhiên rõ ràng nó không phải một lời giải thích vô lý”.
Mô hình ở phương Tây tuy nhiên không đúng với cả thế giới. Đối với phần lớn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thành công trong việc ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 trong những đợt bùng dịch trước đây và quá trình triển khai tiêm vắc xin Covid-19 chậm đồng nghĩa với các nền kinh tế này dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến chủng Delta và các biện pháp hạn chế nhiều khả năng sẽ vẫn được kéo dài. Tại nhiều khu vực ở châu Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng chỉ ở mức thấp, các biện pháp phong tỏa đã bị áp dụng trở lại.
Khác biệt lớn nhất giữa các nước giàu phương Tây và nhiều nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương chính là nhóm dân số dễ chịu ảnh hưởng nhiều nhất đã được tiêm vắc xin Covid-19. Dù lần này, số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng cao, thế nhưng tỷ lệ nhập viện không tăng chóng mặt trong khi chính yếu tố này mới gây ra tình trạng phong tỏa trên diện rộng khi mà chính phủ các nước lo sợ về khả năng hệ thống y tế sẽ bị quá tải.
Chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanely, ông Vishwanath Tirupattur, nhận xét: “Tại những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao, số lượng ca nhiễm Covid-19 cao không đồng nghĩa với tỷ lệ nhập viện và tử vong tăng. Trong khi đó tại những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp, khi số ca nhiễm tăng cao, tỷ lệ nhập viện và tử vong tăng cao tương ứng”.