Ðường Vành đai 2 TPHCM: Vì đâu nên nỗi?

Duy Quang |

Tại TPHCM, cơ quan chức năng tìm cách hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc liên quan đến loại phương tiện này nhưng nhiều giải pháp vẫn còn dang dở.

Hạ tầng chưa hoàn chỉnh

Để hạn chế rủi ro cho người tham gia giao thông, TPHCM muốn xây dựng 3 tuyến đường vành đai và di dời các cảng ra nội thành. Tuy nhiên, tất cả đều đang bị trễ tiến độ. Ba con đường vành đai ở TPHCM là Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 để phân luồng giao thông khu vực ngoại vi bao quanh TPHCM, không cho xe container, xe tải nặng đi vào khu vực trung tâm.

Các tuyến vành đai này sẽ nối hệ thống cảng của TPHCM đến các khu chế xuất, khu công nghiệp và đi liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong đó, dự án đường Vành đai 2 của TPHCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km quy mô 6-10 làn xe, kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2) qua cầu Phú Hữu (quận 9 ra Xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức).

Tuy nhiên, đến nay, ngoài đại lộ Nguyễn Văn Linh được đưa vào sử dụng và quốc lộ 1A đang khai thác thì 11 km (chia làm 4 đoạn) vẫn đang dở dang, chưa được khép kín.

Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TPHCM dự kiến được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng đến nay chỉ mới làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương. Riêng dự án đường Vành đai 4 kết nối liên vùng mới ở khâu lập quy hoạch.

Việc thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống các tuyến đường vành đai được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn tắc, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại TPHCM.

Chậm di dời cảng

Ngoài các dự án đường vành đai, TPHCM từng quyết tâm đẩy nhanh kế hoạch di dời các cảng biển ra ngoại thành. Tuy nhiên, nhiều dự án di dời này cũng trễ tiến độ.

Quy hoạch chi tiết về nhóm cảng biển Đông Nam Bộ giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải xác định, nhóm cảng biển Đông Nam Bộ có 4 cảng biển, gồm cảng TPHCM, cảng Đồng Nai, cảng Vũng Tàu (bao gồm Côn Đảo) và cảng Bình Dương.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu 10 khu bến cảng trên sông Sài Gòn phải thực hiện di dời, chuyển đổi công năng theo quyết định của Thủ tướng. Trong đó, di dời bến cảng Tân Thuận, quận 7 (thuộc cảng Sài Gòn) ra khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) phù hợp với tiến trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Tuy nhiên hiện nay, bến cảng Tân Thuận vẫn chưa được di dời và đang đặt tại địa chỉ 18B Lưu Trọng Lư, phường Tân Thuận Đông, quận 7.

Tương tự, khu vực cảng Trường Thọ quận Thủ Đức là một trong những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở phía Đông TPHCM. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, năm 2014, UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải di dời cụm cảng Trường Thọ trong năm 2015-2016 để đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, việc di dời đến nay chưa xong do chưa có cảng thay thế. Bài toán để giải quyết tình trạng trên là sớm xây dựng cụm cảng trung chuyển ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 (cảng ICD Long Bình), sau đó sẽ di dời khu cảng Trường Thọ qua đây. Theo ông An, sớm nhất là năm 2022 mới có thể di dời được cảng Trường Thọ về ICD Long Bình.

Ðối với đường Vành đai 3, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết nguồn vốn đầu tư cho dự án này đang gặp nhiều khó khăn, TPHCM đề xuất Trung ương cho ứng kinh phí dự kiến gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TPHCM, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác vay trong phạm vi quy định để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Vì đây là tuyến đường mang tính “chiến lược” để tạo liên kết vùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại