Và nếu không có gì thay đổi, những gì đang diễn ra khiến một số chuyên gia lo ngại, bởi cũng có thể có ngày có ai đó tìm ra cách giúp mình bất tử.
Tỷ phú Jeff Bezos và kế hoạch đánh lừa “thần chết”
Khi khoa học tiếp tục giúp con người sống lâu hơn—các công trình khoa học đó thường được là được tài trợ. Và ai có thể có nhiều tiền để đổ vào các nghiên cứu trường sinh nhiều hơn những tỷ phú toàn cầu như Jeff Bezos?
Năm 2022, người sáng lập và cựu giám đốc điều hành của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon đã đầu tư rất lớn vào Altos Labs, một công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học tập trung vào “lập trình trẻ hóa tế bào để phục hồi sức khỏe và khả năng phục hồi của tế bào, với mục tiêu đẩy lùi bệnh tật để biến đổi y học”.
Tỷ phú Jeff Bezos
Vì vậy, nếu người giàu có thể sống lâu hơn, thì người giàu có thể làm giàu thêm lâu hơn, làm tăng thêm sự mất cân bằng giữa tiền bạc, quyền lực và quyền kiểm soát, các chuyên gia lập luận trong một bài báo mới của Financial Times .
Christopher Wareham, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Utrecht (Hà Lan), nói: “Bạn sống càng lâu, tài sản của bạn càng tăng lên và bạn càng giàu có thì bạn càng có nhiều ảnh hưởng chính trị ”. Ông cho rằng khoa học về tuổi thọ sẽ chỉ nới rộng thêm những khoảng cách hiện có.
Trong khi đó, nỗ lực làm chậm quá trình lão hóa của con người không hề chậm lại. Viện Nghiên cứu Lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein của New York tuyên bố rằng họ đã vượt xa hy vọng biến việc chống lão hóa thành hiện thực và giờ đây đang ngồi “ở điểm giữa của hứa hẹn và hiện thực hóa”.
Bài báo của Financial Times lưu ý rằng tài trợ tư nhân vượt xa tài trợ công trong nghiên cứu chống lão hóa. Vì vậy, nếu tất cả những người ủng hộ nghiên cứu chống lão hóa tồn tại lâu hơn ước mơ của họ, những người đầu tiên được hưởng lợi từ các công trình nghiên cứu này chắc chắn sẽ là những nhà tài trợ, như tỷ phú Bezos. Và nếu các siêu tỷ phú có tất cả những hiểu biết sâu sắc trong việc không chỉ áp dụng khoa học chống lão hóa mà còn phổ biến khoa học đó cho đại chúng, thì không chỉ người giàu trở nên giàu có hơn, mà họ còn giàu có hơn mãi mãi.
Tỷ phú Jeff Bezos được cho là đã đầu tư vào Altos Labs 3 tỷ đô la, khoản tài trợ có thể nói là lớn nhất dành cho một công ty công nghệ sinh học.
Altos Labs có một ban giám đốc điều hành ấn tượng bao gồm các chuyên gia từng làm việc cho GlaxoSmithKline, công ty chăm sóc sức khỏe ở Vương quốc Anh chủ yếu phát triển dược phẩm và vắc-xin; Genentech, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại San Francisco đã tạo ra kháng thể ung thư; Viện Ung thư Quốc gia Mỹ.
Được giám sát bởi nhóm gồm những người nổi tiếng trong lĩnh vực của họ, Altos sẽ mở hai phòng thí nghiệm ở California. Công ty cũng sẽ mở một phòng thí nghiệm ở Cambridge, Anh và hợp tác với các nhà khoa học ở Nhật Bản. Công ty sẽ vào cuộc cạnh tranh với Calico Labs có trụ sở tại San Francisco, một công ty khởi nghiệp khác đang tìm cách “thách thức thần chết”. Calico Labs cũng được một doanh nhân công nghệ giàu có khác tài trợ, theo một bản tin của MIT Technology Review . Đó là Larry Page, một trong những người đồng sáng lập Google.
Bezos không phải là nhà đầu tư duy nhất bỏ tiền tài trợ cho Altos. Yuri Milner, tỷ phú sinh ra ở Nga, trở nên giàu có nhờ tài trợ cho Facebook, đầu tư vào dịch vụ email mail.ru và mạng xã hội VK ở Nga, là một nhà tài trợ khác. Hiện nay, Milner sống ở Palo Alto (California, Mỹ) trên đồi Los Altos, do đó công ty mới đã được đặt tên là Altos. ("Los Altos", một cụm từ tiếng Tây Ban Nha, tạm dịch là "những đỉnh cao).
Nhưng những nhà khoa học của Altos thực sự đang làm gì? Do thông báo ra mắt của công ty còn ít thông tin cụ thể, chỉ có thể xem lịch sử nghiên cứu của một số nhà khoa học của Altos để biết một số manh mối.
Shinya Yamanaka là nhà nghiên cứu tế bào gốc đoạt giải Nobel, có bằng y khoa, tiến sĩ dược học, đã làm việc với tư cách là giáo sư, và sau đó là quản lý trong nhiều thập kỷ. Ông đứng đầu bộ phận nghiên cứu tế bào gốc của Đại học Kyoto và đang trong tiến trình gia nhập Altos với tư cách là một nhà khoa học cấp cao không nhận lương.
Ông thắng giải Nobel năm 2012 với công trình "tái lập trình" tế bào, theo đó các tế bào có thể được tạo ra để đảo ngược quá trình phát triển của tế bào gốc.
Ngoài Yamanaka, còn có một nhà khoa học khá tai tiếng tham gia nhóm: Juan Carlos Izpisua Belmonte, người có phòng thí nghiệm áp dụng những phát hiện của Yamanaka trên chuột. Belmonte đã bị soi xét và chỉ trích vì nghiên cứu lai giữa phôi người và khỉ.
Vậy tỷ phú Bezos có phần nào phù hợp với dự án này? Cho đến nay, sự tham gia của ông ta mới được xác nhận thông qua một cuộc họp lớn về "cách sử dụng công nghệ sinh học để làm cho mọi người trẻ hơn" diễn ra tại dinh thự của tỷ phú Milner ở Los Altos vào tháng 10/2020, theo bài của MIT Technology Review .
Vì vậy, thông báo ra mắt của Altos không đi kèm bất kỳ bình luận nào từ ông Bezos. Tuy nhiên, tin tức về việc siêu tỷ phú này đổ tiền vào các dự án tìm ra cách giúp con người bất tử đã được loan đi nhiều ngày tháng mà Bezos vẫn giữ im lặng, có thể hiểu là tin tức này hoàn toàn có căn cứ.
Một khám phá khoa học đột phá: đảo ngược cái chết
Vì sao những người giàu có cho rằng chúng ta có thể chống lại được thần chết? Tất cả đều có nguyên do và trong thực tế, đã có những thành công y khoa củng cố mạnh mẽ cho ý tưởng này.
Ngày 9/12/2013, Jahi McMath, 13 tuổi, được đăng ký tại Bệnh viện Nhi đồng Oakland ở California để phẫu thuật cắt amidan định kỳ. Em bị ngưng thở khi ngủ và cha mẹ em tin rằng việc cắt bỏ amidan sẽ cải thiện cuộc sống, giấc ngủ và mối quan hệ của em với các bạn cùng lớp. Mỗi năm, hơn nửa triệu người ở Mỹ được làm thủ thuật này. Đại đa số không có biến chứng. McMath đã không may mắn như vậy. Khoảng một giờ sau khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, em bắt đầu khạc ra máu.
Đến giữa đêm, mức độ bão hòa oxy của cô bé giảm mạnh. Nhân viên y tế bắt đầu cuống cuồng đặt nội khí quản cho cô bé, nhưng tim của McMath đã ngừng đập. Như nhà báo Rachel Aviv đã viết trong một bài báo đăng trên New Yorker năm 2018, sẽ mất thêm vài giờ nữa để khôi phục nhịp tim và hơi thở của cô bé.
Hai ngày sau, các bác sĩ tuyên bố McMath đã chết não. Nhưng cơ thể em còn ấm, da còn mềm nên gia đình không đồng ý. Họ đã chiến đấu tại tòa án để giữ cho cô bé thở máy. Cuối cùng, họ đã quyên góp đủ tiền thông qua chiến dịch GoFundMe để chuyển McMath đến New Jersey, một trong những bang ít ỏi cho phép các gia đình từ chối tuyên bố về cái chết dựa trên niềm tin tôn giáo của họ. Được nuôi dưỡng qua một ống dẫn thức ăn và được cung cấp các hormone bổ sung, cơ thể của McMath tiếp tục lớn lên và phát triển—và thậm chí bắt đầu có kinh nguyệt.
Năm 2018, luật sư của gia đình Jahi thông báo rằng cô đã chết vì biến chứng suy gan. 5 năm sau ca phẫu thuật amidan, “tất cả các bên đều đồng ý rằng Jahi trên thực tế đã chết ", Michele Goodwin, hiệu trưởng, giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học và Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trường luật UC Irvine (Mỹ), cho biết. “ Đó là một trường hợp gây tranh cãi", bà Goodwin nói .
Công nghệ giúp cô bé Jahi McMath 13 tuổi bị chết não “sống” thêm 5 năm.
Và đây không phải là trường hợp duy nhất. Trong hơn 70 năm qua, việc tuyên bố có người chết ngày càng trở nên lộn xộn hơn. Những tiến bộ khoa học như máy thở và thiết bị hỗ trợ sự sống đã khiến việc tìm ra ranh giới giữa việc là một con người hay một cơ thể còn hoạt động ngày càng khó khăn hơn.
Giờ đây, các thí nghiệm gây sốc trên lợn và sự phát triển của một hệ thống hỗ trợ sự sống được cải tiến có tên là OrganEx, đang khơi lại cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về cách cuộc sống của chúng ta kết thúc. Mặc dù OrganEx chưa có sẵn để sử dụng cho người, nhưng nó có thể đảo ngược một số thay đổi tế bào liên quan đến cái chết ở lợn.
Trong các nghiên cứu, khi những con lợn được kết nối vào hệ thống sau khi đã chết một giờ, chúng trông giống như đang còn sống, tim hoạt động trở lại và thậm chí chúng còn cử động được. Nhưng những con lợn vẫn chết? Và nếu một phương pháp điều trị như thế từng xảy ra với con người, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Jahi McMath? (Còn nữa)
(Nguồn: FT, PopMec)