Ứng viên đại biểu Quốc hội 'vận động không trong sáng', xử lý thế nào?

LUÂN DŨNG (THỰC HIỆN) ​ |

“Việc ứng cử viên tự gặp gỡ cử tri bên ngoài thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình”, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Ứng viên đại biểu Quốc hội vận động không trong sáng, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Trong quá trình vận động bầu cử của mỗi ứng viên đại biểu Quốc hội, làm thế nào để phân biệt được giữa vận động bầu cử một cách trong sáng và không trong sáng, thưa ông?

Trong vận động bầu cử rất khó để phân định được điều này. Hội nghị tiếp xúc cử tri chính là dịp để những người ứng cử trình bày chương trình hành động theo quy trình. Cử tri sẽ nêu ý kiến và người ứng cử giải trình thêm. Mỗi người được tiếp xúc cử tri ở một điểm tại nơi ứng cử. Việc này được thực hiện trong tháng 4/2021, sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, gần ngày bầu cử.

“Trong hồ sơ ứng viên có nhiều thành phần, trong đó có bản kê khai tài sản, còn vấn đề quốc tịch thì kê khai trong tờ khai đại biểu. Quốc tịch gì, hộ khẩu thường trú, thông tin cá nhân ra sao... Tất cả đều phải được thể hiện rõ và ứng viên phải chịu trách nhiệm về tờ khai đó”, ông Hầu A Lềnh

Nhà nước tạo điều kiện tổ chức hội nghị, còn việc ứng cử viên tự gặp gỡ cử tri bên ngoài thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình. Cũng có thể, các doanh nghiệp, doanh nhân là ứng viên thực hiện công tác an sinh xã hội, đây là việc làm thường xuyên của họ. Nhưng họ lại không khéo, làm đúng lúc, đúng nơi tranh cử, nên có điều tiếng trong dư luận. Hoạt động của ứng viên phải phù hợp với lĩnh vực công việc, ngành nghề theo quy định cho phép.

Vấn đề này thuộc trách nhiệm của đơn vị bầu cử ở mỗi tỉnh. Đại biểu được phân công về đơn vị, đi xuống tiếp xúc cử tri, cho làm hay không là do đơn vị bầu cử thống nhất.

Những gì pháp luật không cấm thì cứ làm, nhưng nếu không đúng thời điểm, người ta lại cho là vận động không trong sáng. Trường hợp này nếu có cũng chủ yếu là doanh nghiệp, doanh nhân, còn ứng viên thuộc khối Đảng, Nhà nước không ai làm cả.

Số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến nay có thay đổi gì không, thưa ông?

Về số lượng cụ thể, phải sau hội nghị hiệp thương lần hai, ngày 19/3 mới biết được. Các địa phương sau khi hoàn thành xong phải nộp danh sách sơ bộ lên Hội đồng Bầu cử quốc gia và nộp biên bản, kèm hồ sơ về Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Lúc đó mới biết được con số chính xác người tự ứng cử.

Rút kinh nghiệm từ một số trường hợp đại biểu Quốc hội bị bãi miễn vừa qua, công tác thẩm định hồ sơ, trong đó có vấn đề quốc tịch và tài sản của mỗi ứng cử viên sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Trong hồ sơ ứng viên có nhiều thành phần, trong đó có bản kê khai tài sản, còn vấn đề quốc tịch thì kê khai trong tờ khai đại biểu. Quốc tịch gì, hộ khẩu thường trú, thông tin cá nhân ra sao... Tất cả đều phải được thể hiện rõ và ứng viên phải chịu trách nhiệm về tờ khai đó.

Với đại biểu ứng cử của cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đại diện các cơ quan, tổ chức thì cơ quan, đơn vị xác nhận hồ sơ đại biểu phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề này đã được nêu trong chỉ thị của Bộ Chính trị rồi. Các hướng dẫn về lập hồ sơ cũng nêu rất rõ, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, vì đó là nơi ký xác nhận.

Đối với cử tri tự do, bản kê khai và hồ sơ của họ được công bố tại hội nghị cử tri, do nhân dân giám sát. Nếu cử tri phát hiện những vấn đề kê khai tài sản không minh bạch, không rõ ràng, yêu cầu giải trình và anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Lúc đó họ sẽ phải gửi bản giải trình lên ủy ban bầu cử các cấp và Hội đồng Bầu cử quốc gia để xem xét. Nếu thấy có vấn đề không rõ ràng về quốc tịch, tài sản thì có quyền trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý hộ tịch, hộ khẩu là công an nơi cư trú và chính quyền địa phương.

Là một trong hai đại biểu được cử tri nơi công tác nhất trí giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, cá nhân ông được phân về đơn vị bầu cử nào?

Hiện nay mới chỉ là bước giới thiệu với cử tri nơi công tác, còn bước giới thiệu của tập thể lãnh đạo mở rộng, xem họ có đồng ý không. Sau đó ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách, xem mình có trong danh sách không.

Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào kết quả thành lập các đơn vị ở địa phương mới phân công đại biểu về các đơn vị.

Lúc đó, người ta mới gửi bản tổ chức tập huấn kỹ năng đi tiếp xúc cử tri cho người có tên trong danh sách. Trên cơ sở bản đó, mình mới viết chương trình hành động, rồi đi tiếp xúc cử tri.

Còn đại biểu được phân bổ về đơn vị bầu cử nào, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ xem xét trên tổng số các đại biểu đã được lập, phân bổ dự kiến về các đơn vị bầu cử. Không nhất thiết là phân bổ về nơi công tác, quê hương của đại biểu, mà sẽ phân bổ theo cơ cấu hợp lý.

Đại biểu không nhất thiết phải ở địa phương đó và cũng không thể theo mong muốn của mình. Vì đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri cả nước chứ không phải chỉ ở địa phương đó.

Do vậy, việc phân bổ đại biểu cần theo nguyên tắc, đảm bảo sự cân đối, hài hòa chứ không thể chiều theo ý muốn cá nhân của từng người được.

Cảm ơn ông.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại