Ứng dụng xe máy điện vào giao hàng, doanh nghiệp kỳ vọng gì?

Thu Hường |

Sử dụng xe điện để giao hàng – giải pháp giúp giảm phát thải và đảm bảo năng suất vận chuyển – đang dần trở thành xu hướng toàn cầu và được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Cuộc đua điện hóa phương tiện giao thông diễn ra trên toàn cầu

Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm môi trường là khí thải CO2, CO, Nox, SO2... phát ra từ những ống bô gắn trên các phương tiện giao thông. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài trời ước tính gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Để giảm thiểu điều này và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống xe điện, coi đó như một "cứu cánh" nhằm giảm phát thải. Ví dụ ở khu vực Châu Á, Thái Lan, Đài Loan và Indonesia hiện đang thực hiện lộ trình chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện từ nay đến năm 2035.

Ứng dụng xe máy điện vào giao hàng, doanh nghiệp kỳ vọng gì? - Ảnh 1.

30 xe tải điện E-Tech D và D Wide của Coca-Cola. Nguồn: IANS

Trước xu hướng chung, các doanh nghiệp vận tải, logistics hay thậm chí là các "ông lớn" ngành sản xuất tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đang nỗ lực đẩy mạnh việc phát triển xe điện.

Cụ thể, mới đây, "gã khổng lồ" ở mảng hậu cần - logistics DHL (công ty chuyển phát nhanh quốc tế, còn được gọi là Deutsche Post) đã cam kết mua 2.000 xe tải giao hàng chạy bằng điện từ Ford để thực hiện các chuyến giao hàng chặng cuối vào cuối năm 2023.

Hay như Coca-Cola và Pepsi, 2 đối thủ này không chỉ cạnh tranh trong lĩnh vực nước giải khát mà còn có cuộc tranh giành vị trí dẫn đầu trong việc sử dụng xe điện. Cụ thể, trong khi Pepsi lần đầu nhận những chiếc xe tải đầu kéo Semi chạy hoàn toàn bằng điện từ Tesla vào ngày 1/12, thì Coca-Cola cũng công bố tin thú vị: công ty sẽ sử dụng 30 xe tải điện để giao hàng chặng cuối cho các khách hàng địa phương ở Bỉ, với 5 chiếc đã được tung ra thị trường vào tuần cuối tháng 11...

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp đua nhau đưa phương tiện giao thông bằng điện vào hoạt động giao vận được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều lợi ích như: tăng năng suất vận chuyển, hạn chế các tác động xấu tới môi trường, đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng... giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong việc xử lý khí thải, giảm thiểu tình trạng quá tải do tai nạn giao thông gây ra với hệ thống y tế, tạo việc làm làm mới trong ngành nghiên cứu - ứng dụng công nghệ và sản xuất pin…

Ứng dụng xe máy điện vào giao hàng, doanh nghiệp kỳ vọng gì? - Ảnh 2.

PepsiCo đặt hàng 100 chiếc Tesla Semi để phục vụ việc giao hàng.

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 5/2021 của Tổ chức Bloomberg New Energy Finance (BNEF) và Tổ chức phi chính phủ Transport and Environment, đến năm 2035, tất cả ô tô bán ra ở châu Âu sẽ là ô tô điện. Với những chính sách hỗ trợ của các Chính phủ và sự tiến bộ công nghệ như vũ bão, viễn cảnh trên thậm chí có thể xảy đến nhanh chóng hơn.

Xu hướng sản xuất và ứng dụng xe máy điện vào giao hàng ở Việt Nam

Không khác gì so với tình hình chung trên thế giới, ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay cũng đang rất nhức nhối, đặc biệt 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: nơi thường xuyên xuất hiện trên mặt báo trong và ngoài nước vì tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động.

Trước tình hình đó, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết giảm lượng khí thải ròng bằng 0 cho tới năm 2050, mở ra thời đại của các phương tiện giao thông điện thông minh.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đến việc sản xuất, lắp ráp xe điện, ví dụ các công ty lớn như: VinFast, Trường Hải... hoặc một số startup mới như Selex Motor...

Riêng ở mảng giao vận, các sáng kiến đưa xe điện vào hoạt động hiện được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng rộng rãi. Một trong những doanh nghiệp tại Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực này là nền tảng TMĐT Lazada. Cuối tháng 12 vừa qua, nền tảng này vừa bắt tay với startup Selex Motor để đưa vào vận hành 100 chiếc xe máy điện có thiết kế chuyên biệt dành cho việc giao hàng trong thành phố. Đây là mẫu xe máy điện bán tải đầu tiên ở Đông Nam Á, có khả năng tiết kiệm chi phí vận chuyển so với các phương tiện truyền thống, tính trên cùng một quãng đường.

Ứng dụng xe máy điện vào giao hàng, doanh nghiệp kỳ vọng gì? - Ảnh 3.

Xe máy điện do Lazada và Selex Motors thiết kế. Ảnh: Lazada

Ngoài ra, hai công ty cũng có nhiều kế hoạch hợp tác mở rộng dịch vụ sử dụng xe điện trong giao vận tại Việt Nam và trên toàn khu vực. Trước đó, Lazada Indonesia cũng đã hợp tác với Smoot Motor Indonesia để cung cấp 100 xe máy điện dùng trong công tác an ninh tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Rõ ràng, việc sử dụng xe điện cho mục đích giao hàng cũng như các hoạt động giao thương khác là xu hướng rất có tiềm năng và mang lại ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng phát triển kinh tế bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nhanh nhạy với những giải pháp kinh doanh góp phần bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ tạo nên bước đi vững chắc hơn nhờ chiếm được cảm tình và niềm tin từ người tiêu dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại