Ung Chính (1678 – 1735) còn được gọi là Thanh Thế Tông, là hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh, Trung Quốc. Ông dùng niên hiệu Ung Chính trong suốt những năm tháng trị vì nên các nhà sử học thường gọi ông là Ung Chính Đế.
Ung Chính là một vị vua rất cần cù, chưa ngày nào lười nhác việc quốc gia đại sự. (Ảnh: Sohu)
Ung Chính được nhận định là người kế thừa xuất sắc những di sản thịnh thế của Khang Hi. Chỉ trong 13 năm trị vì, Ung Chính đã thực hiện rất tốt vai trò của một vị vua, giúp cho Trung Hoa dưới thời nhà Thanh càng thêm phồn thịnh. Có thể nói, nếu không có tài trị quốc của ông, thì nhà Thanh cũng không thể có cái được gọi là "Khang Càn thịnh thế".
Kể từ khi đăng cơ, Ung Chính luôn cần cù, chăm chỉ, chưa một ngày nào lười nhác việc quốc gia đại sự. Chỉ có ngày sinh nhật, ông mới bỏ chút thời gian nghỉ ngơi. Có rất nhiều tin đồn liên quan tới việc lên ngôi của Ung Chính. Trong đó, một giai thoại kể rằng, khi triều đình tổ chức tiệc thôi nôi cho Dận Chân (tên húy của hoàng đế Ung Chính), vị tiểu hoàng tử đã viết ra một chữ khiến Khang Hi quyết định sẽ truyền ngôi cho ông. Vậy Ung Chính đã viết chữ gì?
Ung Chính đã viết chữ gì trong tiệc thôi nôi của mình?
Khi Ung Chính tròn 1 tuổi, triều đình đã tổ chức tiệc thôi nôi và thực hiện nghi thức "trảo chu". (Ảnh: Sohu)
Cũng giống như Việt Nam, người Trung Hoa xưa thường tổ chức lễ thôi nôi cho trẻ con khi chúng tròn 12 tháng tuổi. Trong lễ sinh nhật đầu tiên của trẻ, sau lễ cúng thôi nôi, người lớn sẽ đặt nhiều vật phẩm khác nhau lên bàn bát tiên để trẻ tự chọn đồ. Người lớn sẽ dựa vào đồ vật mà trẻ cầm vào để dự đoán tính cách cũng như tiền đồ của em bé.
Mọi người đều hồi hộp theo dõi Ung Chính chọn món đồ gì trong lễ thôi nôi của mình. (Ảnh: Sohu)
Cuốn "Nhan thị Gia huấn" của Nhan Chi Thôi, người thời Bắc Tề có ghi rằng: "Khi trẻ tròn 1 tuổi, phải tắm cho trẻ, mặc quần áo mới. Sau đó, đặt một cây cung, cung tên, bút, giấy, bàn tính, tiền xu, sách trước mặt bé trai. Đặt dao, thước, kim chỉ, quần áo trước mặt bé gái. Ngoài ra còn có đồ ăn, vàng bạc, châu báu để trẻ nhặt. Tùy theo món đồ bé chọn sẽ đoán tính cách của trẻ là tham lam, thông minh hay liêm khiết… Hoạt động này được gọi là "thí nhi" tức thử trẻ hoặc "trảo chu" tức cầm nắm đồ vật khi tròn 1 tuổi".
Nghi thức này đã tồn tại từ thời nhà Hán và lưu truyền tới tận cuối thời nhà Thanh. Nhân dịp Ung Chính tròn 1 tuổi, hoàng đế Khang Hi đã quyết định tổ chức lễ thôi nôi cùng nghi thức trảo chu. Trong buổi lễ, tất cả các quan lại, phi tần và quý tộc từ khắp nơi kéo đến chúc mừng. Khi đó, các cung nữ và thái giám sắp xếp các vật dụng cần thiết như kể trên để tổ chức lễ thôi nôi cho Ung Chính. Sau đó, tiểu hoàng tử được đặt ngồi trước những món đồ này.
Ung Chính đã nhặt một cây bút lông và viết chữ "Sắc" trong sắc lệnh của vua. (Ảnh: Sohu)
Ai nấy đều hồi hộp dõi theo để đoán tương lai của hoàng tử sẽ như thế nào. Dù nhiều đứa trẻ thường chọn những món đồ khá kỳ lạ khiến mọi người bật cười nhưng Ung Chính thì khác, vị hoàng tử này khiến người ta kinh ngạc. Theo sử sách chép lại, Ung Chính nhặt lấy một cây bút lông rồi vẽ nguệch ngoạc ra đất. Thấy vậy, các cung nhân sợ tội liền vội vàng bế tiểu hoàng tử lên nhưng hoàng đế Khang Hi đã ngăn lại. Ông ra lệnh cho họ mang giấy và mực tới để xem Ung Chính viết những gì. Một vị thái giám mài mực rồi chấm bút lên mực và nhét nó lại vào tay tiểu hoàng tử.
Nào ngờ, vừa nhìn thấy chữ viết của Ung Chính, hoàng đế Khang Hi liền vui mừng khôn xiết. Thậm chí, ngài còn luôn miệng nói: "Xứng đáng nối ngôi thiên tử". Hóa ra, những nét vẽ ngẫu nhiên của hoàng tử Ung Chính lại giống chữ "敕" (Sắc). Trong thời phong kiến xưa, chữ "Sắc" này thường dùng trong sắc chỉ của nhà vua. Trùng hợp hơn, Khang Hi thường dùng chữ này khi ban sắc lệnh cho quan dân.
Sau khi Ung Chính viết ra chữ "Sắc" thì hoàng đế Khang Hi rất hài lòng. (Ảnh: Sohu)
Trong lòng Khang Hi, Ung Chính lúc đó chưa biết chữ nhưng lại "viết" thành chữ "Sắc" quả là không đơn giản. Điều này cũng ám chỉ tương lai Ung Chính sẽ là người kế vị. Tuy nhiên, ngai vàng không dễ ngồi, nếu chỉ dựa vào 1 chữ viết của con trẻ thì không đủ. Lý do thực sự mà Khang Hi lựa chọn Ung Chính làm người tiếp nối mình có rất nhiều. Đó là những lý do gì?
Vì sao Khang Hi truyền ngôi cho Ung Chính?
Sau chuyện lạ xảy ra ở lễ thôi nôi, hoàng đế Khang Hi luôn coi trọng Ung Chính. Thế nhưng, Khang Hi có tới 35 người con trai và 20 con gái, trong đó 24 con trai và 8 con gái sống đến tuổi trưởng thành. Ung Chính là Tứ A ca và ông cũng không phải người được chọn làm thái tử. Hoàng đế đã chọn hoàng tử Dận Nhưng, là con trai duy nhất còn sống của mình và Hiếu Thành Nhân hoàng hậu làm thái tử.
Ung Chính là Tứ A Ca và ban đầu ông được chọn làm thái tử. (Ảnh: Sohu)
Khang Hi cho rằng lập thái tử khi Dận Nhưng còn nhỏ sẽ tránh được sự chia rẽ và xung đột giữa các hoàng tử. Đáng tiếc, thái tử lại bị các quan lại lợi dụng, đồng thời Dận Nhưng cũng quá vội vàng muốn kế vị ngai vàng nên đã phạm sai lầm. Sai lầm liên tiếp xảy ra và tính cách có phần tàn bạo của Dận Nhưng đã khiến Khang Hi quyết định phế thái tử. Tuy nhiên, quyết định này lại vô tình làm khơi dậy cuộc đua giành quyền lực giữa các vị hoàng tử. Trong 24 hoàng tử, có 9 người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này. Vì vậy, sự kiện "Cửu tử đoạt đích" đã xảy ra. Chín vị hoàng tử này gồm: Đại A ca Dận Thì, Nhị A ca Dận Nhưng, Tam A ca Dận Chỉ, Tứ A ca Dận Chân, Bát A ca Dận Tự, Cửu A ca Dận Đường, Thập A ca Dận Ngã, Thập tam A ca Dận Tường và Thập tứ A ca Dận Đề. Ai trong số họ là ứng cử viên thích hợp nhất để truyền ngôi?
Có thể nói sự kiện "Cửu tử đoạt đích" cũng giống như một bài kiểm tra năng lực của mỗi vị hoàng tử trong lòng Khang Hi. Trong đó, Đại A ca bị tước đoạt vương vị vì tội, Tam A ca tuy học rộng nhưng không thông hiểu việc chính sự, Bát A ca tham vọng quá lớn nên Khang Hi cảm thấy những người này đều không xứng đáng. Cuộc chạy đua sau đó chỉ còn lại Tứ A ca Dận Chân và Thập tứ A ca Dận Trinh. Cuối cùng thì Dận Chân hay còn gọi là Ung Chính đã chiến thắng.
Sau sự kiện "Cửu tử đoạt đích", Ung Chính đã là người chiến thắng. (Ảnh: Sohu)
Trong di chiếu truyền ngôi của mình, hoàng đế Khang Hi có viết: "Ung thân vương, Tứ hoàng tử Dận Chân, nhân phẩm đoan chính cẩn thận, thập phần như trẫm, nhất định có thể kế thừa sự nghiệp thống nhất đất nước. Mệnh tiếp nối trẫm đăng cơ, lên làm hoàng đế". Theo các nhà sử học, Ung Chính được chọn làm người nối nghiệp của Khang Hi là nhờ 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, Ung Chính từ nhỏ đã rất chịu khó khổ luyện. Trong khi các vị hoàng tử khác nghỉ ngơi vui chơi thì ông không dám lơ là việc học hành. Ung Chính còn nhiều lần theo hoàng đế Khang Hi xuất chinh, đi khắp nơi để rèn luyện.
Ung Chính từ nhỏ đã luôn ham học hỏi, ông còn thường xuyên cùng cha xuất chinh khắp nơi để rèn luyện. (Ảnh: Sohu)
Thứ hai, trong lòng của hoàng đế Khang Hi luôn coi Ung Chính là người thừa kế của mình. Suy nghĩ này của hoàng đế bắt nguồn từ hành động trong lễ thôi nôi của Ung Chính. Vì một lý do nào đó, Khang Hi đã tin rằng lựa chọn Ung Chính nối ngôi chính là "ý trời".
Thứ ba, Khang Hi truyền ngôi cho Ung Chính là vì Càn Long. Lần đầu nhìn thấy con trai của Ung Chính là Càn Long, hoàng đế Khang Hi đã giật mình. Ông nhìn thấy ở người cháu này một phong thái của nhà lãnh đạo. Do đó, Khang Hi đã lựa chọn giúp Ung Chính lên ngôi.
Ung Chính sau khi lên ngôi đã chứng tỏ mình là một vị vua tài giỏi có tài giúp Đại Thanh thêm thịnh vượng. (Ảnh: Sohu)
Quả thực, hoàng đế Ung Chính thực sự là một nhà cai trị tài giỏi. Ông đã xây dựng một vương triều vững mạnh, giúp cho Đại Thanh thêm thanh bình và thịnh vượng.
*Bài viết được tổng hợp từ Sina, Sohu, 163.